Báo cáo “Thị trường sàn bán lẻ trực tuyến nửa đầu năm 2024” do Metric công bố cho thấy thương mại điện tử Việt Nam đang tiếp tục phát triển ổn định với mức tăng trưởng trên 54% cả về doanh số và sản lượng. Các sàn lớn ở Việt Nam như Shopee, Tiktok Shop, Lazada, Tiki và Sendo đều đạt kết quả tích cực. Cụ thể, nửa đầu năm, 5 sàn thương mại điện tử hàng đầu này ghi nhận doanh số 143.900 tỷ đồng với 1,533 triệu sản phẩm giao thành công tới tay khách hàng, tăng lần lượt 54,91% và 65,55% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo khảo sát của Q&Me, Shopee là sàn thương mại điện tử được nhiều người yêu thích và sử dụng nhiều nhất, xếp sau là TikTok Shop và Lazada. Theo đó, Shopee được người dùng lựa chọn chủ yếu vì 3 lý do, bao gồm mức giá tốt và có nhiều khuyến mãi (76%); sản phẩm đa dạng (56%) và thời gian giao hàng nhanh (52%). Tiktok Shop, dù ra mắt chậm hơn Shopee đến 7 năm, nhưng lại ghi nhận tốc độ phát triển nhanh chóng khi số lượng người dùng trong 1 năm gần đây tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Yếu tố thu hút cùa nền tảng này chính là khách hàng dễ dàng tiếp cận những thông tin/đánh giá về sản phẩm và trải nghiệm mua sắm.
Hành vi mua sắm của người Việt trên các sàn Thương mại điện tử
Theo báo cáo “Xu hướng thương mại điện tử Việt Nam năm 2024” mới đây của Q&Me, tần suất mua hàng trên các sàn thương mại điện tử của 32% người tham gia khảo sát là vài lần một tuần. Xếp sau đó, 27% số người được hỏi sẽ mua sắm với tần suất khoảng 2 – 3 tuần 1 lần và 22% sẽ mua hàng 1 lần mỗi tuần. Tuy nhiên, số lượng những người không mua sắm trong 2-3 tháng vẫn chiếm khoảng 3% những người tham gia khảo sát.
Mặc dù tần suất mua hàng vài lần/tuần chiếm đa số, tuy nhiên, báo cáo cho thấy khách hàng chủ yếu chỉ chi từ 300.000 – 500.000 đồng mỗi tháng để mua sắm trên các sàn thương mại điện tử. Dẫu vậy, tỷ lệ khách hàng chi tiêu 300.000 – 500.000 đồng/tháng chỉ hơn 1% so với những người chi trên 2.000.000 đồng/tháng cho hoạt động mua sắm online. Do vậy, không có cách biệt quá lớn trong số tiền chi tiêu mỗi tháng cho việc mua sắm trên các sàn thương mại điện tử của người Việt.
Xu hướng gian hàng trên các sàn Thương mại điện tử
Theo Metric, một xu hướng nổi bật đang diễn ra trên các sàn Thương mại điện tử là sự gia tăng thị phần của các Shop Mall – gian hàng chính hãng.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, số lượng Shop Mall đã tăng 12,29% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy người tiêu dùng ngày càng ưu tiên lựa chọn các sản phẩm từ thương hiệu chính hãng hoặc nhà bán có uy tín.
Trong các ngành hàng, làm đẹp, thời trang nữ và nhà cửa – đời sống dẫn đầu về doanh số và sản lượng trên cả 5 sàn thương mại điện tử. Theo khảo sát của Q&Me, lần lượt gần 44% và 50% khách hàng của các sản phẩm thời trang và sắc đẹp/sức khỏe có xu hướng mua sắm chủ yếu trên mạng. Trong đó, phân khúc giá rẻ dưới 200.000 đồng vẫn duy trì sức hấp dẫn mạnh mẽ, với thị phần tăng thêm 3% so với cùng kỳ năm trước. Có thể thấy, người tiêu dùng vẫn ưu tiên các sản phẩm có giá cả phải chăng, phù hợp với túi tiền.
Nếu phân theo thương hiệu, nửa đầu năm, thương mại điện tử Việt Nam ghi nhận sự thống trị của các thương hiệu lớn thuộc ngành hàng điện thoại – máy tính bảng. Trong top 10 thương hiệu có doanh số cao nhất, có tới 4 thương hiệu thuộc ngành này, bao gồm những cái tên quen thuộc như Apple, Samsung, Xiaomi. Thương hiệu Việt Nam duy nhất xuất hiện trong Top 10 thương hiệu có doanh số cao nhất trong 2 quý đầu năm gọi tên Vinamilk.
Nguồn tin: https://genk.vn/tan-suat-nguoi-viet-mua-hang-online-con-nhieu-hon-di-sieu-thi-bat-ngo-voi-so-tien-chi-cho-tmdt-20240725154209401.chn