Công ty chuyên phục hồi dữ liệu CBL báo cáo rằng chip nhớ trong các thẻ microSD và USB giá rẻ hiện nay có thể là loại kém tin cậy nhất. Họ cho biết ngày càng nhiều thiết bị họ tiếp nhận có chip nhớ bị cắt giảm dung lượng, thậm chí tên nhà sản xuất cũng bị xóa bỏ. Ngoài ra, CBL còn phát hiện một số USB sử dụng thẻ microSD cũ được hàn lên bảng mạch thay vì dùng chip nhớ riêng.
“Khi mở các USB bị lỗi trong năm ngoái, chúng tôi thấy một lượng đáng báo động chip nhớ chất lượng kém, dung lượng giảm và logo nhà sản xuất bị xóa bỏ,” Giám đốc điều hành CBL, Conrad Heinicke, giải thích. “Thẻ microSD cũ, không thể nhận dạng cũng được hàn lên USB và sử dụng bộ điều khiển ngoài trên USB thay vì bộ điều khiển bên trong của thẻ microSD.”
CBL tin rằng những chip flash NAND chất lượng thấp này có thể được sản xuất bởi các công ty uy tín như SanDisk và Samsung nhưng không vượt qua kiểm soát chất lượng. Thay vì bị loại bỏ, chúng được tận dụng và xuất hiện trên thị trường. Mặc dù không hoàn toàn hỏng, nhưng CBL lưu ý rằng chúng có dung lượng giảm, cho thấy việc giảm dung lượng chính là cách những chip NAND này được “cứu vãn”.
CBL thậm chí còn cung cấp ảnh của ba USB đang phục hồi dữ liệu. Tên nhà sản xuất trên một chip nhớ bị che lại nhưng vẫn có thể xác định là SanDisk. Tuy nhiên, hai ổ đĩa khác không có tên hoặc nhãn hiệu nào. Một thậm chí sử dụng thẻ microSD màu đen được hàn lên PCB, một cách thức ngày càng phổ biến để sản xuất USB giá rẻ (và có thể là hàng nhái).
Ổ USB có nhiều dạng: USB miễn phí (như quà tặng quảng cáo), USB thông thường của các thương hiệu ít tên tuổi và USB đến từ các thương hiệu lớn như SanDisk. Theo CBL, hầu hết USB chất lượng thấp thường có mục đích quà tặng quảng cáo, nhưng cũng có một số là “sản phẩm có thương hiệu”.
Tuy vậy, CBL không nói rõ họ coi sản phẩm “có thương hiệu” là gì. Nếu CBL tuyên bố loại flash này được tìm thấy ngay cả trong sản phẩm của các thương hiệu lớn, đó sẽ là một vấn đề nghiêm trọng.
Công nghệ QLC là một yếu tố khác làm giảm độ tin cậy của các chip tái sử dụng này. Chip NAND thế hệ đầu tiên chỉ có thể lưu trữ một bit mỗi ô và được gọi là ô đơn mức (SLC), cho hiệu suất và độ tin cậy cao nhưng mật độ dữ liệu kém.
Sau này, các nhà sản xuất bắt đầu tăng bit trên mỗi ô để tăng dung lượng lưu trữ trên một chip, nhưng nhiều bit hơn đồng nghĩa với độ tin cậy thấp hơn. Ngày nay, chip flash bốn mức (QLC) cung cấp nhiều bit trên mỗi ô nhất và thường được sử dụng cho các ổ đĩa giá rẻ. CBL cho biết việc kết hợp chip flash chất lượng thấp với bộ nhớ QLC làm trầm trọng thêm các vấn đề chất lượng vốn đã tồn tại.
Báo cáo này thậm chí còn chưa đề cập đến “căn bệnh” của USB giả mạo, tuyên bố có dung lượng hàng trăm GB nhưng chỉ có 16GB hoặc thậm chí 8GB. Những thiết bị này cũng được sản xuất bằng các kỹ thuật tương tự như USB mà CBL cảnh báo, chẳng hạn như gắn thẻ microSD lên bảng mạch.
Nguồn tin: https://genk.vn/tai-sao-o-usb-va-the-nho-doi-moi-kem-ben-vua-mua-duoc-dam-bua-nua-thang-da-hong-20240207174710848.chn