Theo chính quyền quận Tùng Giang, TP Thượng Hải, nhà máy kỹ thuật số trong khu công nghiệp G60 Starlink đã sản xuất vệ tinh thương mại đầu tiên. Đến năm 2024, nhà máy sẽ phóng và vận hành ít nhất 108 vệ tinh nhằm cung cấp các dịch vụ thương mại ban đầu, đồng thời cũng sẽ xây dựng một chuỗi công nghiệp đầy đủ có thể cạnh tranh toàn cầu vào năm 2027.
Ông Cao Jin, Tổng Giám đốc Shanghai Gesi Aerospace Technology – một công ty nhà nước được thành lập vào năm 2022 để vận hành nhà máy G60 Starlink, cho biết công suất sản xuất dự kiến của nhà máy là 300 vệ tinh mỗi năm.
Theo tờ South China Morning Post, với khả năng sản xuất hàng loạt, thời gian cần thiết để chế tạo một vệ tinh sẽ giảm từ khoảng 2-3 tháng xuống một ngày rưỡi. Tuy nhiên, tốc độ này vẫn thấp hơn tốc độ sản xuất 6 vệ tinh mỗi ngày của Công ty SpaceX. Trong bối cảnh cạnh tranh leo thang với Mỹ, việc Trung Quốc tăng cường thúc đẩy thị trường vệ tinh thương mại được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng trong công nghệ tiên phong.
Dự án G60 Starlink gồm 12.000 vệ tinh, cùng với mạng lưới quốc gia Guo Wang gồm 13.000 vệ tinh đang được xây dựng được xem là phản ứng của Trung Quốc đối với công nghệ Starlink của tỉ phú Elon Musk. Dự án được khởi động vào năm 2016, chính quyền Thượng Hải công bố kế hoạch cụm vệ tinh vào năm 2021. Cụm vệ tinh là một mắt xích quan trọng trong ngành thông tin hàng không vũ trụ, nơi có chuỗi công nghiệp bao gồm vệ tinh, dịch vụ ứng dụng dữ liệu, trí tuệ nhân tạo và học sâu để hỗ trợ xử lý lượng dữ liệu khổng lồ do vệ tinh thu thập.
Theo Công ty China Fortune Securities (Trung Quốc), ngành công nghiệp thông tin hàng không vũ trụ của Trung Quốc dự kiến đạt 6,26 tỉ USD vào năm 2025. Ngành này đã chiếm 73% thị phần thương mại vũ trụ toàn cầu, đạt khoảng 384 tỉ USD vào năm 2022.
Nguồn tin: https://genk.vn/sieu-ve-tinh-cua-trung-quoc-so-gang-voi-starlink-20231231110535218.chn