Theo tin tức đăng ngày 7/12 trên Tân Hoa Xã, phòng thí nghiệm vật lý sâu 2.400m, bên dưới dãy núi Cận Bình ở tỉnh Tứ Xuyên, Tây Nam Trung Quốc đã đi vào hoạt động hôm thứ Năm 7/12/2023, trở thành phòng thí nghiệm dưới lòng đất sâu nhất và lớn nhất thế giới.
Các nhà khoa học tin rằng phòng thí nghiệm này cung cấp một không gian “siêu sạch” để họ đi săn đuổi chất vô hình, bí ẩn trong vũ trụ: Vật chất tối (dark matter) – một chất vô hình được cho là chiếm ít nhất một phần tư vũ trụ.
Trung tâm nghiên cứu khoa học liên ngành đẳng cấp thế giới
Ở độ sâu lớn nhất thế giới cho một phòng thí nghiệm vật lý này, các chuyên gia tin rằng nó sẽ giúp ngăn chặn hầu hết các tia vũ trụ gây cản trở cho việc quan sát.
Yue Qian, Giáo sư tại khoa vật lý kỹ thuật của Đại học Thanh Hoa, nói với Tân Hoa Xã rằng phòng thí nghiệm chỉ tiếp xúc với một dòng tia vũ trụ cực nhỏ, bằng một phần trăm triệu tia trên bề mặt Trái đất, mang đến một không gian cực kỳ sạch sẽ cho các nhà khoa học.
Các điều kiện khác trong phòng thí nghiệm, bao gồm bức xạ môi trường cực thấp và nồng độ khí phóng xạ radon xuất hiện tự nhiên, cũng sẽ tăng cường khả năng phát hiện vật chất tối, “để chúng tôi có thể bắt tay vào những cuộc nghiên cứu khoa học quan trọng nhất”, Giáo sư Yue Qian nói.
Vị giáo sư này cho biết, phòng thí nghiệm này sẽ trở thành một trung tâm nghiên cứu khoa học sâu dưới lòng đất liên ngành đẳng cấp thế giới, tích hợp nhiều ngành bao gồm vật lý hạt, vật lý thiên văn hạt nhân và khoa học đời sống.
Nằm sâu bên dưới núi Cận Bình cao gần 3.000m ở tỉnh Tứ Xuyên phía tây nam Trung Quốc, cơ sở nghiên cứu có thể đến được bằng ô tô thông qua một đường hầm.
Với không gian có sức chứa lên đến 330.000 mét khối, tương đương khoảng 120 bể bơi cỡ Olympic, đây hiện là phòng thí nghiệm dưới lòng đất lớn nhất thế giới – gần gấp đôi quy mô của Phòng thí nghiệm quốc gia Gran Sasso ở Ý.
Theo Tổ chức Nghiên cứu Hạt nhân Châu Âu (CERN), nơi cũng sở hữu thiết bị nghiên cứu chất lạ và chưa biết trong vũ trụ, thì vật chất tối không hấp thụ, phản xạ hoặc phát ra ánh sáng nên khiến nó cực kỳ khó phát hiện.
Hiện, máy gia tốc hạt mạnh mẽ của CERN, Máy Va chạm Hadron Lớn, nằm ở độ sâu 100 mét dưới lòng đất gần Geneva ở biên giới Pháp-Thụy Sĩ đang được các nhà nghiên cứu quốc tế sử dụng để tìm kiếm vật chất tối.
Các nhà khoa học đã có thể suy ra sự tồn tại của vật chất tối từ tác dụng hấp dẫn của nó lên vật chất nhìn thấy được. Việc khám phá bí ẩn của nó có thể giúp các nhà nghiên cứu hiểu rõ hơn về thành phần vũ trụ của chúng ta và cách các thiên hà liên kết với nhau.
Khi giai đoạn đầu tiên của phòng thí nghiệm hoàn thành vào năm 2010, nó có sức chứa khoảng 4.000 mét khối. Việc xây dựng chung giai đoạn thứ hai giữa Đại học Thanh Hoa và Công ty TNHH Phát triển Thủy điện Sông Á Long thuộc sở hữu nhà nước bắt đầu vào tháng 12/2020.
Tân Hoa Xã cho biết, 10 nhóm nghiên cứu bao gồm các nhà khoa học từ các trường đại học của Trung Quốc đều có mặt tại phòng thí nghiệm dưới lòng đất này.
Theo China News Service, một nhóm các nhà nghiên cứu từ Trung tâm Y học Hoa Tây thuộc Đại học Tứ Xuyên cũng có mặt tại phòng thí nghiệm này nhằm tìm ra cách điều trị khối u trong y học.