Vũ trụ Điện ảnh Marvel (MCU) đang dọn đường chào đón một siêu phản diện mới sau khoảng trống quá lớn mà Thanos để lại cách đây 5 năm. Thế nhưng, đó lại không phải là Kang – nhân vật đang đối diện với tương lai khá mờ mịt sau những lùm xùm mới đây của nam diễn viên Jonathan Majors. Sự thay thế xứng đáng nhất, ở thời điểm hiện tại, có lẽ phải là Wilson Fisk – Kingpin.
Dẫu chỉ là một tên siêu tội phạm “người trần mắt thịt” tại thành phố New York, thế nhưng Kingpin lại có khá nhiều điểm tương đồng với gã Titan điên loạn. Phản diện này xuất hiện lần đầu tiên trong series Daredevil, và chính thức chào sân thông qua loạt phim Hawkeye. Và với những gì diễn ra trong dự án mới nhất của Marvel Studios – Echo, Kingpin hiện đang là ứng cử viên số một cho vị trí siêu ác nhân tiếp theo của MCU.
Marvel đang khai thác Kingpin giống như cách mà họ từng làm với Thanos
Mặc dù là phản diện chính của loạt phim Infinity Saga, thế nhưng phải đến bom tấn Avengers: Infinity War (2018), Thanos mới chính thức ra mắt khán giả. Trước đó, gã Titan chỉ xuất hiện chớp nhoáng thông qua các đoạn mid-credit và post-credit của một số dự án MCU, hoặc thông qua lời thoại của vài nhân vật khác. Chính những chi tiết nhỏ như vậy đã đóng vai trò như những viên gạch cần thiết để lát trên con đường bước lên màn ảnh lớn của Thanos.
Và Marvel Studios đang áp dụng chiến thuật tương tự đối với Kingpin khi để nhân vật này góp mặt trong nhiều dự án khác nhau nhưng không khai thác quá sâu vai trò của hắn. Kingpin đang dần dần xây dựng hình tượng cho riêng mình thông qua các series như Hawkeye, Echo, và sắp tới Daredevil: Born Again, hay thậm chí là cả Spider-Man 4.
Những màn xuất hiện chớp nhoáng này sẽ giúp Marvel có được sự chuẩn bị tốt nhất trước khi chính thức biến Kingpin thành “trùm cuối” trong một bom tấn có quy mô và tầm cỡ như Avengers: Infinity War hay Avengers: Endgame.
Kingpin và Thanos có những điểm tương đồng trong mục đích và tham vọng
Ngoài hành trình bước lên mà ảnh lớn, Thanos và Kingpin còn có khá nhiều điểm tương đồng trong tính cách và tham vọng. Bộ đôi phản diện này đều theo đuổi mục tiêu xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn bằng bất cứ giá nào. Thanos từng “búng tay bay màu” một nửa dân số vũ trụ để làm được điều đó. Còn với Kingpin, hắn sẵn sàng phá hủy toàn bộ quê nhà của mình chỉ để xây dựng lại nó theo lý tưởng của mình.
Tuy nhiên, dù theo đuổi mục tiêu cao cả, cách thực hiện của Thanos và Kingpin lại khá lệch lạc và tàn nhẫn. Điều này từng khiến cộng đồng người hâm mộ không ít lần chia năm xẻ bảy trong những cuộc thảo luận liên quan đến tư cách đạo đức cũng như tính đúng đắn trong tham vọng của Thanos, và cả những phản diện tương đồng khác như Kingpin.
Bên cạnh đó, cả Thanos và Kingpin đều là những nhà lãnh đạo tài ba, với khả năng giao tiếp cũng như thuyết phục cực tốt. Điều này đã giúp cả hai thuận lợi xây dựng những đế chế hùng mạnh cho riêng mình, với không ít trợ thủ đắc lực từng khiến các siêu anh hùng gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, bộ đôi này còn có điểm tương đồng về ngoại hình đồ sộ, vai u bắp thịt, cùng với phong thái đầy quyền lực. Dù không có siêu thể chất như Thanos, thế nhưng Kingpin từng nhiều lần được mô tả trong nguyên tác là một kẻ có sức mạnh cũng như sức chịu đựng vượt quá giới hạn của người bình thường.
Mục tiêu quyền lực của Kingpin
Series Echo đã làm rõ hơn mục tiêu cũng như kế hoạch tương lai của Kingpin trong MCU. Đoạn credit của series này cho thấy hắn sẽ lên kế hoạch ứng cử vai trò thị trưởng New York – một tham vọng mà hắn từng thực hiện thành công trong nguyên tác truyện tranh. Đây có lẽ là một chi tiết mở đường cho dự án Daredevil: Born Again, cho phép Wilson Fisk tiếp tục mở rộng quyền lực của bản thân và trở thành một nhân vật đáng sợ hơn trong tương lai MCU.
Đây cũng là công thức mà Marvel từng áp dụng để khai thác Thanos – xây dựng quyền lực bằng cách thu thập những viên đá vô cực để gia tăng sức mạnh cho bản thân. Nó cũng cho thấy cách mà khán giả tiếp nhận sự tồn tại của phản diện này trong MCU. Dần dần, qua từng dự án, khán giả sẽ nhận thức được Kingpin là một mối đe dọa rất lớn và sẽ gây nhiều khó khăn cho các siêu anh hùng khác.
Vì sao Kingpin, thay vì Kang, là sự thay thế hoàn hảo cho Thanos?
Xét về mặt quy mô, Kang có lẽ là lựa chọn thay thế cho Thanos tốt hơn so với Kingpin. Tuy nhiên, Kingpin, ngoài những điểm tương đồng với gã Titan điên loạn như đã nêu trên, cũng sẽ mang đến một luồng gió mới lạ dành cho MCU. Thay vì tiếp tục khai thác những phản diện tầm cỡ vũ trụ, những mối đe dọa quy mô lớn mà có thể khiến khán giả cảm thấy nhàm chán, những ác nhân bình thường nhưng hữu dũng hữu mưu đôi khi lại là lựa chọn thú vị hơn rất nhiều, ví dụ như Zemo hay Killmonger. Kingpin có thể không phải mối hiểm họa đối với dải ngân hà, thế nhưng hắn vẫn mang đến một phong thái rất đáng sợ, rất uy lực, tương tự như Thanos.
Bên cạnh đó, với việc Marvel đang lồng ghép khá nhiều mạch truyện khác nhau trong MCU, Kingpin hoàn toàn có thể sở hữu một “vũ trụ điện ảnh mini” cho riêng mình, song song với câu chuyện đa vũ trụ của Kang the Conqueror. Mặc dù giai đoạn 4, 5, 6 của MCU mang tên Multiverse Saga, thế nhưng không phải dự án nào cũng khai thác chủ đề này.
Từ Hawkeye, Moon Knight, cho đến Echo, đều không hề đả động đến đề tài đa vũ trụ. Và nếu như trong trường hợp xấu nhất, Marvel Studios buộc phải loại bỏ Kang ra khỏi kế hoạch của mình, họ vẫn còn đó Kingpin – một ác nhân đầy tiềm năng để tiếp tục khai thác và mang đến nhiều bất ngờ trong những dự án bom tấn Avengers kế tiếp.
Nguồn: ScreenRant
Nguồn tin: https://genk.vn/quen-kang-di-mcu-da-co-phan-dien-moi-du-tam-de-tro-thanh-thanos-ke-tiep-20240112230529855.chn