Vì nhiều lý do mà ngày nay, phụ nữ ngày càng có xu hướng kết hôn muộn. Trong khi một số muốn tập trung phát triển sự nghiệp khi còn trẻ, số khác lại muốn dành nhiều thời gian trải nghiệm cuộc sống độc thân. Một số nói rằng họ đơn giản chưa tìm được một người bạn đời phù hợp với bản thân mình.
Nhưng bất kể vì lý do nào đi chăng nữa, phụ nữ khi lựa chọn kết hôn muộn sẽ phải đối mặt với một vấn đề chung: Cuộc sống đang làm phép trừ nghiệt ngã đối với họ. Chiếc đồng hồ sinh học trong cơ thể họ đang đếm ngược, rất nhanh, về thời điểm họ không còn có khả năng làm mẹ nữa.
Thống kê cho thấy cứ 3 phụ nữ trên 35 tuổi thì có 1 người gặp khó khăn trong việc thụ thai. Điều này xảy ra do khả năng sinh sản của phụ nữ bắt đầu suy giảm ở độ tuổi đó, cho tới năm họ 45-50 tuổi, phụ nữ bắt đầu mãn kinh – nghĩa là họ không còn rụng trứng và hoàn toàn không thể thụ thai tự nhiên được nữa.
Đối với 1/100 phụ nữ, thời điểm mãn kinh còn đến sớm hơn, trước năm 40 tuổi. Và khoảng 1/1.000 phụ nữ không may mắn sẽ mãn kinh ngay trước tuổi 30 – tình trạng đưa họ vào nhóm vô sinh, hiếm muộn và buộc phải dùng các biện pháp hỗ trợ sinh sản như thụ tinh ống nghiệm (IVF) mới có thể làm mẹ.
Tin vui là các nhà khoa học đã tìm thấy một loại thuốc có khả năng trì hoãn quá trình mãn kinh ở phụ nữ. Loại thuốc này ban đầu được kê cho những bệnh nhân ghép thận để ngăn ngừa quả thận của họ bị đào thải.
Nhưng bất ngờ thay, khi các nhà khoa học làm thí nghiệm trên chuột để tìm kiếm các tác dụng phụ có thể của thuốc, họ lại phát hiện loại thuốc này có thêm nhiều công dụng, bao gồm việc kéo dài thời gian sinh sản cho động vật.
Các nhà khoa học hiện đang tiến hành thử nghiệm nó trên người. Một nhóm nhỏ phụ nữ từ 35-45 tuổi, có dấu hiệu tiền mãn kinh nhưng vẫn muốn làm mẹ, đang sử dụng chúng mỗi tuần. Kết quả thử nghiệm cho đến hiện tại hết sức khả quan.
Số lượng trứng của những người dùng thuốc đã nhiều hơn tới 20% so với nhóm đối chứng không uống thuốc. Con số này cho phép các nhà khoa học hi vọng loại thuốc của họ sẽ giúp kéo dài thời gian sinh sản thêm khoảng 5 năm cho phụ nữ.
Đó sẽ là 5 năm của hi vọng được có con và làm mẹ một cách tự nhiên, ngay cả với những phụ nữ đã gần 60 tuổi.
Dự trữ buồng trứng: Một chỉ số đánh giá khả năng sinh sản
Có thể bạn đã biết, khả năng sinh sản của phụ nữ đã được định hình ngay từ trước khi họ được sinh ra. Từ khi còn ở trong tử cung của người mẹ, các giao tử cái được bao quanh bởi bởi các tế bào chuyên biệt trong buồng trứng, để hình thành nên một cấu trúc gọi là “nang trứng nguyên thủy” cho thai nhi, nếu thai nhi là một bé gái.
Mỗi nang trứng nguyên thủy chỉ chứa một trứng duy nhất. Chúng sẽ đi vào trạng thái ngủ đông, cho đến khi bé gái được sinh ra, lớn lên và tới tuổi dậy thì. Những nang trứng bây giờ mới thức dậy.
Vì nang trứng không được sinh ra thêm sau tuổi dậy thì mà còn chết dần, số lượng nang trứng tối đa của mỗi người phụ nữ đã được ấn định ngay từ khi họ còn nhỏ. Các nhà khoa học gọi số lượng nang trứng này bằng một khái niệm: “dự trữ buồng trứng”.
Thông thường, một bé gái sau khi sinh ra sẽ có từ 1-2 triệu nang trứng. Đến tuổi dậy thì, sẽ chỉ có 300.000 – 400.000 nang trứng được đánh thức. Con số giảm mạnh xuống còn 50.000 sau tuổi 35 và chỉ còn dưới 1.000 ở tuổi mãn kinh.
Dự trữ buồng trứng là một chỉ số được dùng để đánh giá khả năng mang thai của phụ nữ trong suốt tuổi sinh sản của họ. Bởi trong mỗi chu kỳ kinh nguyệt, hàng chục nang trứng sẽ được cơ thể họ chọn lọc – nhưng chỉ có một nang trứng trội duy nhất sẽ giải phóng trứng để thụ tinh. Các nang trứng được chọn khác sẽ ngay lập tức chết đi.
Quá trình suy giảm nang trứng diễn ra liên tục như vậy, từ tuổi dậy thì cho đến khi phụ nữ 35 tuổi. Dự trữ buồng trứng của họ giảm dần đến độ chỉ còn lại một số lượng hạn chế các nang trứng chất lượng tốt, khiến họ khó có thai.
Càng lớn tuổi hơn nữa, quá trình suy giảm càng diễn ra nhanh chóng. Đến tuổi mãn kinh, phụ nữ sẽ không còn trứng rụng nữa, và họ sẽ không còn có thể sinh sản.
Trung bình, độ tuổi mãn kinh của phụ nữ là 51 tuổi. Con số có thể sớm hơn từ 2-7 năm đối với phụ nữ Châu Á, bao gồm Việt Nam. Thế nhưng, một số phụ nữ còn trải qua thời kỳ mãn kinh sớm hơn nữa, thường xảy ra trước tuổi 45 của họ.
Khoảng 1% phụ nữ thậm chí có thể trải qua thời kỳ mãn kinh trước tuổi 40 và 0,1% phụ nữ mãn kinh trước tuổi 30. Vì mãn kinh ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sinh sản, nên mãn kinh sớm có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch có con của phụ nữ.
Từ lâu, các nhà khoa học đã muốn tìm ra được một loại thuốc trì hoãn mãn kinh cho những phụ nữ U40 không may bị mãn kinh sớm. Nó cũng có thể kéo dài khả năng sinh sản cho những phụ nữ mãn kinh tự nhiên ở tuổi U60 nhưng vẫn muốn có con.
Và bây giờ, họ đã phát hiện ra một loại thuốc có khả năng làm điều đó.
Rapamycin và “tác dụng phụ” bất ngờ
Những người từng ghép tạng, đặc biệt là ghép thận, chắc chắn sẽ biết đến nó, Rapamycin, một loại thuốc có tác dụng ứng chế miễn dịch và chống thải ghép. Những bệnh nhân ghép tạng thường phải uống Rapamycin mỗi ngày để duy trì bộ phận mới trong cơ thể của họ.
Một số bệnh nhân mắc các căn bệnh khác cũng thường sử dụng loại thuốc này, chẳng hạn như người cần đặt stent động mạch vành, Rapamycin được các bác sĩ dùng làm lớp phủ bên ngoài ống stent đó. Các bệnh nhân mắc u cơ trơn mạch bạch huyết hoặc u tế bào biểu mô mạch máu cũng được chỉ định Rapamycin.
Đây là một loại thuốc có rất nhiều tác dụng.
Năm 2009, trong một nghiên cứu tác dụng phụ của Rapamycin trên động vật thí nghiệm, một nhóm các nhà nghiên cứu tại Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ đã phát hiện loại thuốc này có tác dụng chống lão hóa và kéo dài tuổi thọ cho chuột.
Cụ thể, những con chuột được cho uống 1 liều Rapamycin mỗi ngày có thể chống lại tình trạng mất cơ liên quan đến tuổi tác. Chúng cũng có thể tăng thêm 10% tuổi thọ so với nhóm chuột đối chứng không uống thuốc.
Điều đáng chú ý hơn nữa, các nghiên cứu sau đó đã tìm thấy Rapamycin cũng có tác dụng ngăn lão hóa buồng trứng ở chuột cái sử dụng thuốc. Loại thuốc này có khả năng làm tăng số lượng nang trứng nguyên thủy, bảo tồn dự trữ buồng trứng ở chuột và làm chậm quá trình mãn kinh.
Những con chuột cái lớn tuổi được cho sử dụng Rapamycin đã thụ thai thành công ở độ tuổi lẽ ra chúng không còn khả năng làm mẹ nữa. Với sự tương đồng trong gen của chuột và người, các nhà khoa học tự hỏi liệu hiệu ứng tương tự có diễn ra ở người hay không?
Vào năm ngoái, một nhóm các nhà khoa học đến từ Đại học Columbia, Hoa Kỳ đã quyết định kiểm tra điều đó. Họ đã khởi động một nghiên cứu lấy tên là VIBRANT (Xác thực lợi ích của Rapamycin trong điều trị lão hóa sinh sản). Nghiên cứu tuyển dụng 50 phụ nữ trong độ tuổi 35-45, đang trong thời kỳ tiền mãn kinh.
Trong ba tháng, mỗi phụ nữ được cho dùng một liều rapamycin hàng tuần hoặc chỉ uống giả dược. Dự trữ buồng trứng được theo dõi bằng siêu âm qua ngã âm đạo và một số xét nghiệm máu để phát hiện các loại hormone buồng trứng khác nhau.
Kết quả sơ bộ của nghiên cứu vừa được tiết lộ cho thấy Rapamycin dung nạp tốt, không thể hiện bất kỳ tác dụng phụ nào. Trong khi đó, quá trình lão hóa buồng trứng đo được từ những phụ nữ sử dụng Rapamycin đã giảm 20%. Các nhà nghiên cứu hy vọng rằng điều này có thể kéo dài khả năng sinh sản cho họ thêm khoảng 5 năm nữa.
Rapamycin có thể kích hoạt hiệu ứng tích cực này bằng cách hạn chế số lượng nang trứng nguyên thủy bị chết trong mỗi chu kỳ kinh nguyệt. Ở những phụ nữ được dùng Rapamycin, chỉ có 15 nang trứng chết đi trong mỗi chu kỳ kinh– so với 50 nang ở những phụ nữ cùng độ tuổi.
Phụ nữ U60 hoàn toàn có thể có con một cách tự nhiên
Tác giả nghiên cứu, giáo sư Yousin Suh, giám đốc chương trình lão hóa sinh sản tại Columbia cho biết mục tiêu cơ bản của nghiên cứu VIBRANT là “bảo tồn những quả trứng quý giá, có giới hạn” ở ngay trong cơ thể phụ nữ.
Điều này về cơ bản là trái ngược với các biện pháp hỗ trợ sinh sản hiện nay, ví dụ như đông lạnh trứng. Thay vì lấy trứng ra khỏi cơ thể phụ nữ để lưu trữ ở bên ngoài cơ thể họ rồi tái sử dụng sau này, Rapamycin sẽ cho phép phụ nữ giữ trứng ngay bên trong cơ thể họ, đồng thời duy trì hoạt động của buồng trứng giống như khi họ còn trẻ và khỏe mạnh.
Thuốc không chỉ nhắm đến việc bảo tồn khả năng sinh nở cho phụ nữ lớn tuổi, mà còn giúp họ có một cơ thể khỏe mạnh tổng thể, làm chậm quá trình lão hóa. Các nghiên cứu chỉ ra sự khởi đầu của thời kỳ mãn kinh trùng khớp với nhiều bệnh mãn tính và các vấn đề sức khỏe, bao gồm chức năng miễn dịch kém đi, giảm mật độ xương, sức khỏe tim mạch kém hơn và nhiều vấn đề về trao đổi chất.
Giáo sư Suh cho biết buồng trứng và các hormone của nó kiểm soát nhiều khía cạnh sức khỏe của phụ nữ hơn bạn tưởng. Do đó, phụ nữ mãn kinh sớm hơn nhìn chung cũng có tuổi thọ ngắn hơn. Nếu Rapamycin có thể giữ cho buồng trứng trẻ hơn, nó cũng có thể giữ cho cả cơ thể lão hóa chậm hơn, do đó tăng cường sức khỏe cho phụ nữ trung niên và giúp họ kéo dài tuổi thọ.
Hiện nhóm nghiên cứu của Đại học Columbia đang chuyển sang giai đoạn tiếp theo của dự án VIBRANT. Lần này, họ sẽ mở rộng đối tượng thí nghiệm lên 1.000 phụ nữ. Dự kiến giai đoạn thử nghiệm này sẽ cho kết quả trong vòng 2 năm tới.
Sau đó, chúng ta có thể trả lời câu hỏi rằng Rapamycin có thực kéo dài được thời gian sinh sản cho phụ nữ được hay không? Nếu có, những phụ nữ U40 bị mãn kinh sớm, có dự trữ buồng trứng bẩm sinh thấp sẽ là đối tượng đầu tiên được hưởng lợi từ loại thuốc này.
Tiếp đó có thể là những phụ nữ lớn tuổi, nhưng vẫn mong có con một cách tự nhiên. Nếu Rapamycin có thể thực sự giữ cho buồng trứng của họ lão hóa chậm hơn 20%, thì những phụ nữ mãn kinh sau tuổi 50 cho đến U60 tuổi vẫn có thể có con, mà không cần thực hiện các biện pháp như thụ tinh nhân tạo (IVF).
“Về mặt khái niệm và khoa học, đó hoàn toàn là một mục tiêu khả thi”, Giáo sư Suh nói.
Nguồn: BI, Theconversation, Theguadian
Nguồn tin: https://genk.vn/phat-hien-loai-thuoc-co-the-keo-dai-tuoi-sinh-san-cho-phu-nu-tu-u40-den-u60-2024073112023666.chn