Đây là bài viết thuộc tuyến nội dung “Nói Thật” với mục tiêu chia sẻ góc nhìn cá nhân của người viết sau quá trình trải nghiệm thực tế sản phẩm. Những nhận định trong bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả, dựa trên điều kiện sử dụng cụ thể và nhu cầu cá nhân. Chúng tôi hiểu rằng mỗi người dùng có tiêu chí đánh giá và cảm nhận khác nhau, vi vậy nội dung trong bài có thể không hoàn toàn phù hợp với tất cả mọi người. Chúng tôi luôn tôn trọng sự đa dạng trong ý kiến và mong muốn lắng nghe thêm những chia sẻ từ bạn đọc.
Wang Hua – Giám đốc Truyền thông của Xiaomi – vừa chính thức lên tiếng bác bỏ tin đồn hãng sắp chấm dứt hợp tác với Leica. Ông khẳng định mối quan hệ đối tác giữa hai bên vẫn đang phát triển tốt, thậm chí ngày càng sâu sắc hơn. Nhưng, ngay cả nếu tin đồn đó là thật thì với cá nhân tôi, cũng không hẳn là tin tốt.

Lý do đơn giản là: Chất lượng camera của Xiaomi từ lâu đã quá tốt. Từ phần cứng đến thuật toán xử lý, Xiaomi hoàn toàn có đủ năng lực cạnh tranh sòng phẳng với bất kỳ đối thủ nào trên thị trường smartphone cao cấp mà không cần, hoặc cần rất ít, trợ giúp từ bên ngoài.
Xiaomi “đổ móng, xây tường” – Leica “phủ lên lớp sơn”
Đúng là Leica có góp phần vào việc tạo ra hệ thống camera của Xiaomi, mang lại những lợi ích rõ ràng về mặt quang học, bao gồm việc sử dụng các thiết kế ống kính đạt chuẩn Summilux (hoặc Summicron trên một số mẫu), lớp phủ ống kính chuyên biệt để giảm flare và ghosting, và đóng góp vào việc hiệu chỉnh màu sắc, đặc biệt là hai chế độ màu Authentic và Vibrant.

Tuy nhiên, toàn bộ hệ thống camera còn lại, từ cảm biến, bộ xử lý tín hiệu hình ảnh (ISP) đến các thuật toán AI phức tạp vẫn là do Xiaomi tự thay thiết kế, tối ưu và phát triển. Leica hiện tại đóng vai trò là “chuyên gia tư vấn” và cung cấp các công nghệ quang học, nhưng không phải là đơn vị chịu trách nhiệm hoàn toàn về chất lượng ảnh cuối cùng. Có thể nói, ‘gia chủ’ Xiaomi đã đổ móng, xây tường, lợp mái, còn ‘anh thợ’ Leica được mời về để lắp cửa kính, phủ lên căn nhà đó 1 lớp sơn bóng bẩy, đẹp mắt. Việc gì cũng cần thiết, nhưng hẳn ai cũng hiểu đâu mới là thứ quan trọng hơn cả.
Phần lớn sức mạnh chụp ảnh vẫn đến từ chính Xiaomi
Ngay cả trước khi hợp tác với Leica, khả năng chụp ảnh của các flagship Xiaomi đã có những bước tiến đáng kể, đặc biệt là với dòng Ultra. Hãng đã đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển cảm biến lớn, ống kính chất lượng cao và thuật toán xử lý ảnh từ nhiều năm nay. Sự hợp tác này ban đầu giúp Xiaomi nâng tầm về mặt thương hiệu và tối ưu hóa thêm một số khía cạnh, nhưng năng lực cốt lõi của Xiaomi trong việc phát triển camera là không thể phủ nhận. Các đánh giá từ giới chuyên môn và người dùng cho thấy chất lượng camera của Xiaomi, đặc biệt trên các mẫu flagship gần đây đều thực sự rất cạnh tranh.

Cá nhân tôi tin rằng việc các thương hiệu điện thoại hợp tác với thương hiệu máy ảnh chuyên nghiệp chủ yếu vẫn mang tính truyền thông là chính. Nó giúp sản phẩm tạo dấu ấn mạnh hơn khi ra mắt, dễ gây chú ý với người dùng yêu nhiếp ảnh.
Việc hợp tác với một thương hiệu lâu đời và uy tín như Leica đã mang lại lợi ích lớn về mặt marketing và định vị thương hiệu cho Xiaomi trong phân khúc cao cấp. Nó giúp Xiaomi thu hút sự chú ý của những người đam mê nhiếp ảnh và tạo dựng niềm tin về chất lượng quang học. Mặc dù có những đóng góp kỹ thuật thực sự, yếu tố “giá trị thương hiệu” từ Leica là rất đáng kể, nhưng để nói rằng phải nhờ có Leica mà Xiaomi mới chụp ảnh đẹp rõ ràng là sai.
Màu đẹp, màu lạ – nhưng không phải ai cũng thấy ưng
Hai tông màu Leica (Authentic và Vibrant) đúng là có nhiều người thích, nhưng kèm với đó là không ít lời phàn nàn. Có người chê cách xử lý màu da thiếu tự nhiên. Có người cho rằng ảnh bị bệt, thiếu tương phản vi mô (microcontrast), màu sắc không chính xác. Cá nhân tôi, sau khi trải nghiệm qua Xiaomi 13 Ultra, 14 Ultra và mới nhất là 15 Ultra, cũng cảm thấy bộ lọc màu này không thực sự hiệu quả trong mọi điều kiện.
Tông màu Leica với tôi phù hợp nhất là khi có ánh sáng đẹp, kiểu nắng nhẹ buổi sáng hoặc chiều tà. Còn trong điều kiện ánh sáng yếu hay môi trường phức tạp, màu ảnh dễ bị xỉn, không còn giữ được độ tự nhiên, vừa mắt như kỳ vọng. Điều gây khó chịu hơn là người dùng không thể tắt hoàn toàn bộ lọc này. Bạn buộc phải chọn giữa hai phong cách Leica có sẵn chứ không có tùy chọn nào thực sự “trung tính” và “bình thường”. Muốn ảnh trung thực, bắt buộc phải chụp RAW rồi tự hậu kỳ – vốn không phải lựa chọn tiện lợi với số đông người dùng.


Nhưng cũng có trường hợp nước ảnh bị xử lý 1 cách quá mức, mất đi sự tự nhiên, dễ ám màu (nhất là khi dùng bộ lọc Vibrant), bệt chi tiết…
Tất nhiên, tổng thể trải nghiệm camera của Xiaomi khi kết hợp Leica vẫn có thể coi là rất tốt. Nhưng điều đó không có nghĩa là nếu logo Leica biến mất, ảnh chụp lại tự nhiên xấu đi.
Tóm lại , dù Xiaomi đã chính thức bác tin đồn chia tay Leica nhưng với riêng tôi, nếu điều đó thực sự xảy ra thì cũng hoàn toàn chấp nhận được. Biết đâu, khi chính Xiaomi tự làm mọi thứ, ảnh chụp ra lại trở nên vừa mắt, dễ tiếp cận hơn, hợp gu nhiều người dùng hơn thì sao?
Nguồn tin: https://genk.vn/noi-that-la-xiaomi-va-leica-co-chia-tay-cung-chang-sao-20250708100303092.chn