Mùa thu trên vùng châu thổ Kızılırmak ở Biển Đen, Thổ Nhĩ Kỳ trở nên náo động bởi sự xuất hiện của hàng vạn con ếch. Những con ếch vừa mới trưởng thành từ lũ nòng nọc được sinh ra từ mùa hè.
Khi chúng rụng đuôi, mọc chân và dần phát triển thành một loài lưỡng cư hoàn chỉnh, những con ếch nhảy lên cạn, bắt đầu hành trình khám phá một nửa thế giới mới đầy sống động và kỳ lạ phía bên trên mặt nước và bùn lầy.
Tại đây, chúng leo lên một ngọn đồi đầy lông kỳ lạ. Những con ếch có thể cảm nhận được mặt đất bên dưới chân chúng tỏa ra hơi ấm, và thi thoảng rung lên hoặc lắc lư. Ngọn đồi này có thể bất ngờ từ mặt đầm lầy bay lên không trung, rung lắc một chút rồi lại đột ngột đổ sụp xuống bãi lầy.
Những con ếch ở Biển Đen không biết, chúng đang sống trên lưng của một con trâu nước.
Bất chấp sự biến động bất thường trên lưng của những con trâu nước, đàn ếch ở Thổ Nhĩ Kỳ vẫn muốn bám trụ trên đó. Bởi lưng trâu là địa điểm tuyệt vời mà chúng có thể kiếm ăn, nơi chúng có thể dễ dàng tìm thấy những con ruồi bị thu hút bởi mùi từ chất thải của trâu.
Trên lưng mỗi con trâu nước ở Kızılırmak đều có từ 20-30 con ếch bám trụ. Đây là ví dụ đầu tiên được quan sát thấy về một loài lưỡng cư kiếm ăn trên cơ thể của một loài động vật có vú lớn. Và không chỉ có ếch, sự hiện diện của trâu nước còn đem đến cơ hội sống cho hàng loạt các loài động vật khác, từ cá, chim di cư, dơi cho đến cỏ và cây cối trong đầm lầy.
Trong suốt hơn 3.000 năm kể từ khi trâu nước được thuần hóa ở Châu Á, chính loài động vật này đã giúp con người kéo cày, làm nông và giúp cuộc sống của chúng ta trở nên ấm no hơn. Đáng tiếc, cuộc cách mạng công nghiệp và làn sóng cơ giới hóa đồng ruộng đã khiến loài trâu không còn được trọng dụng ở Châu Âu.
Chúng đã biến mất cùng với vai trò lịch sử của mình. Nhưng bây giờ, một số tổ chức bảo tồn thiên nhiên ở Châu Âu đang muốn đem những con trâu nước trở lại lục địa, nơi chúng có thể một lần nữa cải tạo những đầm lầy, đưa những vùng đất hoang hóa sau thời kỳ hậu công nghiệp trở lại, với sức sống và đa dạng sinh học vốn có.
Trâu: “Viên ngọc quý” của những vùng đất ngập nước Châu Á
Giống với loài voi trên những đồng cỏ ở Châu Phi, trâu nước được coi là biểu tượng của những vùng đất ngập nước ở Châu Á, một loài thú có vú lớn đã phát triển đầy đủ để thích nghi với điều kiện môi trường lầy lội giữa bùn và nước.
Chúng có móng rộng, xòe ra “như những cái xẻng nhỏ”, thứ giúp chúng bám trụ tốt hơn trên đất ẩm và bùn lầy, Alan McElligott, một phó giáo sư về hành vi và phúc lợi động vật tại Đại học Thành phố Hồng Kông cho biết.
Nền tảng vững chắc này, cùng với các khớp linh hoạt quanh mắt cá chân, cho phép trâu nước dễ dàng di chuyển trên đầm lầy, các bãi sình và vùng đồng bằng ngập lụt, nơi mà hầu hết các loài vật nuôi khác như bò và ngựa đều phải sợ hãi khi đi qua.
Trong hàng ngàn năm kể từ khi được thuần hóa, loài người đã liên tục chọn lọc giống trâu để tạo ra những con vật phù hợp nhất cho nền nông nghiệp của mình. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) hiện công nhận hơn 100 giống trâu tồn tại trên Trái Đất.
Chúng có thể được chia thành hai nhóm lớn: trâu sông, phổ biến ở Ấn Độ, Trung Đông và Đông Âu, và trâu đầm lầy nhỏ hơn, được tìm thấy ở Bangladesh, Trung Quốc và Đông Nam Á.
Trâu sông thường sống ở các vùng nước sâu, chúng có thể được nuôi để lấy sữa. Trong khi đó trâu đầm lầy thường được nuôi để kéo cày và thích đầm mình trong các vũng bùn nông trên đồng ruộng.
Các giống trâu có thể dao động từ trâu Romania nặng nề, lông xù (một giống trâu sông có thể chịu đựng được mùa đông khắc nghiệt) đến giống Buffalypso, một loại lai giữa trâu sông và trâu đầm lầy, được nuôi để sống trong điều kiện khí hậu nóng nực của vùng Caribbean.
Giống như lạc đà Ả Rập – loài động vật thích nghi tốt với sa mạc đến nỗi con người đã vận chuyển chúng đến khắp các sa mạc trên thế giới – khả năng thích nghi trên địa hình khắc nghiệt đã trở thành “hộ chiếu” của loài trâu để giúp chúng du hành khắp thế giới.
Những con trâu nước Châu Á từng được đưa sang Châu Úc, Châu Âu, Châu Phi và cả Châu Mỹ. Trâu nước có thể sống tốt ở nhiều quốc gia vì chúng có thói quen ăn uống rất dễ dãi.
“Mặc dù to lớn, nhưng loài trâu không kén ăn. Chúng có cái miệng rất rộng”, McElligott nói. Điều này giúp chúng dễ dàng tiêu hóa nhiều loại thực vật, từ cây thủy sinh cho đến rơm rạ kém dinh dưỡng, ông nói.
Trâu nhà từ lâu đã có danh tiếng là những “người khổng lồ hiền lành”. Chúng hiếm khi tấn công con người, một đặc điểm thường thấy hơn ở các loài bò. Người ta thường chỉ thấy những con trâu đực đánh nhau trong mùa giao phối. Ngoại trừ khi đó, trâu nước hoàn toàn hiền lành và con người có thể thoải mái cưỡi chúng.
Một lực lượng cảnh sát ở Brazil thậm chí còn biên chế trâu nước làm thú cưỡi của mình. Loài động vật này có thể phục vụ con người trong rất nhiều nhiệm vụ. Và chúng cũng có ích khi được thả vào môi trường sinh thái.
McElligott cho biết khi loài trâu đi lại trên một vùng đầm lầy, chúng có thể giúp cây cối phát triển bằng cách ăn cỏ, dọn sạch cây xâm lấn, và tạo ra các khu vực đất ngập nước đa dạng sinh học.
Ở Hồng Kông, nơi nhiều ruộng lúa đã bị bỏ hoang do quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, một số người đã thả trâu vào các cánh đồng lúa cũ. McElligott phát hiện những cánh đồng có trâu này thể hiện mức độ đa dạng sinh học lớn hơn các cánh đồng bị bỏ hoang khác.
Trên những cánh đồng này, trâu liên tục đào các vũng bùn để giữ mát và bảo vệ chúng khỏi côn trùng cắn. Trong mùa mưa, những vũng bùn này tạo điều kiện cho các loại côn trùng nhỏ, lưỡng cư và cá phát triển.
“Vào mùa hè, rất nhiều loài không xương sống có thể đang sinh sản trong những vũng bùn đó”, McElligott nói. Các loài không xương sống này là nguồn thức ăn cho ếch và có thể là cho cả các loài bò sát như rắn. Vì vậy, chúng đang kiến thiết cả một hệ sinh thái đầm lầy phát triển.
Tái thả lại đàn trâu ở Châu Âu
Khi con người lần đầu tiên di cư từ Châu Phi đến Châu Âu cách đây khoảng 45.000 năm, họ đã gặp phải một hệ động vật hoàn toàn khác so với ngày nay, bao gồm linh cẩu, sư tử, voi ma mút, bò rừng và tê giác.
Trong số đó, có cả trâu nước. Không chỉ có ở Châu Á, trong thời kỳ Pleistocene, Châu Âu cũng có loài trâu nước riêng của mình, được gọi là Bubalus murrensis.
Những loài động vật này sống gần nhiều con sông lớn của Châu Âu nhưng đã biến mất vào thời điểm nào đó vào cuối kỷ Pleistocene hoặc đầu kỷ Holocene. Chúng ta không biết liệu chúng có bị giết chết do nạn săn bắt quá mức của những người mới đến cực kỳ nguy hiểm-Homo sapiens- hay không? Hay đó chỉ là do những thay đổi về khí hậu và môi trường.
Nhưng trâu nước từng ở Châu Âu, tiếc rằng chúng đã biến mất.
Đến khoảng thế kỷ thứ 7 và thứ 8, người Châu Âu bắt đầu nhập khẩu lại loài trâu nước, nhưng chỉ để sử dụng trong nông nghiệp. Người ta đã đưa trâu nước từ Ấn Độ và Đông Nam Á về để cày ruộng. Những con trâu được mệnh danh là những cỗ máy kéo sống ở Châu Âu, cho tới khi các cuộc cách mạng công nghiệp diễn ra, dần thay thế chúng bằng máy kéo hơi nước và dầu diezel.
Trâu gần như biến mất ở Châu Âu từ nửa sau thế kỷ 20. Nhưng bây giờ, chúng đang dần được đưa trở lại, trong một vai trò hoàn toàn mới.
Trong bối cảnh môi trường phù hợp, trâu có thể hoạt động như một “người bạn gặm cỏ bảo tồn”, Sara King, một nhà sinh thái học tại tổ chức bảo tồn thiên nhiên Rewilding Britain cho biết. Ở Anh và xứ Wales, trâu đang được nuôi sau hàng rào để quản lý các khu đất ngập nước và đồng cỏ bị xâm hại bởi cỏ lau hoặc rừng cây bụi.
Tại đó, chúng có thể giúp con người dọn dẹp các thảm thực vật mọc dại, mà nếu cứ để nguyên, các loài cây dại này có thể che phủ hoàn toàn mặt đất, giết chết sự đa dạng sinh học.
“Trâu đang tạo ra một bức tranh đa dạng hơn trên các vùng đất mở thông qua việc gặm cỏ”, King nói. Bằng cách ăn, lăn lộn, giẫm đạp và phân tán phân, chúng đang cải tạo các môi trường sống vi mô cho nhiều loài, bao gồm cả động vật không xương sống và chim nước.
“Trâu mang lại rất nhiều sự sống”, King nói.
Tại đồng bằng sông Danube của Ukraine, người ta cũng đã tái thả một đàn trâu gần 20 con để cải tạo lại một lưu vực sông, nơi từng bị cạn kiệt vì canh tác nông nghiệp. Đàn trâu được cho là sẽ hỗ trợ sự trở lại của các loài thủy sinh quý hiếm.
Ở Slivenia, một đàn trâu khác gần 30 con cũng đang giúp một khu bảo tồn gần sông Drava dọn cỏ, khơi thông các ao lầy và tạo điều kiện cho nhiều loài sinh vật khác phát triển, bao gồm các loài chim nước di cư như nhạn biển và mòng biển đầu đen.
Trâu nước hiện cũng đang được nuôi ở vườn quốc gia Neusiedler-See của Hungary, nơi chúng đã giúp ngăn chặn được một loài thực vật xâm lấn có tên là cúc vàng Mỹ, cho phép các loài cỏ bản địa phát triển đa dạng trở lại.
Ngoài việc tiết kiệm chi phí cắt cỏ, có thể thấy tác động trực tiếp của trâu trong việc thu hút động vật khác, các con cò bò theo sau chúng, ăn mọi thứ từ ve cho đến ếch và côn trùng mà chúng xua ra khi di chuyển.
Khi sự đa dạng sinh học tăng lên đằng sau mỗi bước chân nặng nề của trâu nước, người ta cũng bắt đầu thấy lửng, rái cá, cốc, diệc và nhiều loài động vật khác trở lại khu vực đầm lầy và đất ngập nước sinh sống.
Ở Thổ Nhĩ Kỳ, khoảng 800km dọc theo bờ Biển Đen từ Kızılırmak, các mỏ than thế kỷ 20 bị bỏ hoang đã được lấp đầy bằng nước mưa. Trong nhiều thập kỷ, những người chăn trâu địa phương, những người nuôi trâu để lấy sữa, đã thả những con vật này đi qua khu vực, tạo ra các con kênh xen lẫn ao hồ, hố nhỏ cho cá, ếch và các loài khác phát triển.
Các nhà bảo tồn cho rằng với sự giúp đỡ của trâu, nhiều không gian hậu công nghiệp có thể có tiềm năng phát triển thành những vùng đầm lầy bán tự nhiên. Chúng có thể hồi sinh hơn một phần ba các vùng đất ngập nước đã biến mất trong 50 năm qua không chỉ tại Châu Âu mà trên toàn thế giới.
Nguồn: Tham khảo BBC, Nature, Science
Nguồn tin: https://genk.vn/mang-trau-nuoc-toi-chau-au-nhung-vien-ngoc-quy-sinh-ra-tu-dong-ruong-chau-a-se-giup-cai-tao-he-sinh-thai-tren-toan-the-gioi-20240903190352175.chn