Toyota Motor và các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản đang nhanh chóng xây dựng mối quan hệ để phát triển thế hệ xe tích hợp phần mềm tiếp theo, trong nỗ lực bắt kịp các đối thủ cạnh tranh đến từ Trung Quốc và Mỹ.
“Chúng tôi hy vọng sẽ hợp tác với các công ty và tiếp tục tiến lên phía trước”, Chủ tịch Toyota Koji Sato phát biểu tại cuộc họp báo vào cuối tháng 10, sau khi công bố quan hệ đối tác với Nippon Telegraph and Telephone (NTT). Người đứng đầu KDDI và SoftBank Corp. – hai nhà mạng di động lớn khác của Nhật Bản bên cạnh NTT – đều khẳng định rất quan tâm đến việc tham gia.
Toyota từng hợp tác với cả ba công ty này trong các dự án trước đây. Động thái thúc đẩy quan hệ với các công ty viễn thông lớn lần này nhằm phát triển những dòng xe ô tô thông minh như điện thoại.
“Sẽ thật tuyệt nếu có một chiếc xe như điện thoại thông minh”, Chủ tịch Toyota khi đó là Akio Toyoda phát biểu tại Triển lãm ô tô Tokyo năm 2011. Công ty này đã giới thiệu Fun-Vii vào năm đó, mẫu xe ý tưởng cho phép người dùng tùy chỉnh màn hình hiển thị nội thất và ngoại thất bằng phần mềm.
Tuy nhiên, hơn 10 năm sau, không phải Toyota mà là nhà sản xuất điện thoại thông minh Trung Quốc Xiaomi đã hiện thực hóa tầm nhìn này. Chiếc xe điện đầu tiên của hãng, SU7, đã nhận được khoảng 90.000 đơn đặt hàng chỉ 1 ngày trước khi ra mắt vào tháng 3 năm ngoái.
Gã khổng lồ điện thoại thông minh Huawei Technologies cũng đã thành lập doanh nghiệp phát triển ô tô riêng, ra mắt thương hiệu mới cùng với Beijing Automotive Group và các công ty khác. Xe của Xiaomi có thể điều khiển thiết bị gia dụng từ xe, trong khi xe của Huawei có thể cung cấp năng lượng cho ngôi nhà bằng pin.
SDV sử dụng phần mềm để điều khiển và quản lý các chức năng, thay vì phần cứng. Khách hàng có thể cập nhật chức năng của xe bằng ứng dụng điện thoại thông minh và tùy chỉnh theo sở thích của mình, giống như cách họ làm với xe Tesla.
SDV cũng đang thay đổi cách chế tạo ô tô. Trọng tâm trong tương lai sẽ là phần mềm, công nghệ truyền thông. Tesla, Xiaomi và Huawei đều đã phát triển chip riêng cho xe tự lái.
“Ngoại trừ Tesla, dường như khó có ai tốt hơn chúng tôi”, Lei Jun, giám đốc điều hành của Xiaomi, nói.
Trong nỗ lực bắt kịp các đối thủ nước ngoài, Toyota đang hợp tác với NTT để phát triển một nền tảng truyền thông sử dụng AI giúp người lái xe tránh tai nạn. Nền tảng này sẽ được cung cấp cho các nhà sản xuất ô tô khác ở cả Nhật Bản và trên toàn thế giới.
Toyota cũng đang đầu tư vào các nhà máy sản xuất chip được xây dựng tại Nhật Bản bởi TSMC và Rapidus, mở đường cho việc mua sắm các chất bán dẫn tiên tiến.
Cuộc đua thu hút lao động có tay nghề đang diễn ra mạnh mẽ. Trên trang tuyển dụng của Toyota, các công việc liên quan đến phần mềm chiếm hơn 20% tính đến đầu tháng 12, khi công ty đẩy nhanh quá trình phát triển hệ điều hành.
Đối với các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản khác, Honda Motor hợp tác với nhà phát triển hệ thống Nhật Bản SCSK vào năm 2023 để cùng phát triển phần mềm trên xe dành cho xe điện và xe tự lái. SCSK có kế hoạch tăng số lượng công nhân tham gia phát triển cho Honda lên 1.000 vào năm 2030. Cũng trong năm đó, công ty đặt mục tiêu tăng gấp đôi số lượng nhà phát triển phần mềm lên 10.000.
Nissan Motor, cũng đang hợp tác với Honda và Tata Consultancy Services của Ấn Độ để đào tạo các kỹ sư có kỹ năng về cả phát triển ô tô lẫn phần mềm. Vào tháng 8, Nissan và Honda đặt mục tiêu chuẩn hóa phần mềm trong xe điện sản xuất hàng loạt vào năm 2030.
Tuy nhiên, các nhà sản xuất ô tô truyền thống có thể gặp khó khăn khi chuyển sang phát triển phần mềm, chẳng hạn như Volkswagen. Hãng đã cố gắng phát triển phần mềm riêng vào năm 2020 song thất bại.
Ralf Brandstätter, giám đốc điều hành của Volkswagen Trung Quốc, kêu gọi các nhà sản xuất Trung Quốc mua phụ tùng ô tô từ châu Âu và lắp ráp chúng ở đó bằng cách sử dụng công nhân châu Âu. Ông nói: “Họ phải cạnh tranh trong môi trường giống như chúng tôi”.
Được biết, bên ngoài Nhật Bản, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang đầu tư rất nhiều vào phần mềm hỗ trợ người lái. Frank Wu, phó chủ tịch thiết kế của Jiyue cho biết, xe điện “đang trở thành một robot có bánh xe” chứ không đơn thuần chỉ là công cụ đi lại. Được biết, Jiyue là liên doanh giữa Geely, một nhà sản xuất ô tô Trung Quốc và Baidu, một trong những công ty trí tuệ nhân tạo hàng đầu Trung Quốc.
“Liệu các công ty Trung Quốc có thể làm nên chuyện chỉ nhờ xe điện? Câu trả lời là có. Ai mà không muốn những xe giá cả phải chăng chứ?”, Bill Russo, cựu giám đốc điều hành của Chrysler kiêm CEO của Automobility, một công ty tư vấn có trụ sở tại Thượng Hải, nói với Insider.
Pin tốt là một trong những nền tảng thúc đẩy sự phát triển của ô tô điện. Tại Triển lãm Ô tô Bắc Kinh 2024, ông lớn pin xe điện hàng đầu thế giới CATL đã trình làng mẫu pin Shenxing Plus EV mới vô cùng tiên tiến. Theo tờ Carscoops, loại pin mới sử dụng công nghệ vật liệu Lithium-Ion phốt phát hiện đại, kết hợp kết cấu vật liệu 3D dạng tổ ong độc quyền mà CATL phát triển riêng nhằm tăng mật độ năng lượng và lớp vỏ nguyên khối.
“Chúng tôi hy vọng thông qua những nỗ lực không ngừng để cải tiến công nghệ và giảm chi phí, Shenxing sẽ trở thành sản phẩm tiêu chuẩn cho mọi loại xe điện”, Gao Huan, CTO của mảng kinh doanh xe điện Trung Quốc của CATL, cho biết.
Theo: Nikkei Asia, The NY Times
Nguồn tin: https://genk.vn/nhat-ban-song-chet-lam-xe-dien-thong-minh-nhu-dien-thoai-se-som-phat-trien-the-he-tich-hop-phan-mem-tiep-theo-20241214080144197.chn