Việt Nam đang có 5 tuyến cáp quang biển kết nối với quốc tế, gồm AAG (châu Á – Mỹ); APG (châu Á – Thái Bình Dương); SMW-3 (Đông Nam Á – Trung Đông – Tây Âu); IA (Liên Á) và AAE-1 (châu Á – châu Phi – châu Âu).
Các tuyến cáp quang này đều gặp sự cố vào hồi cuối tháng 2 khiến ảnh hưởng nghiêm trọng đến tốc độ internet từ Việt Nam đi quốc tế. Thực tế, nhiều người dùng đã không thể truy cập các trang web và sử dụng các dịch vụ trực tuyến đặt máy chủ tại nước ngoài.
Mặc dù đã được sửa chữa nhưng tháng 9 vừa qua tiếp tục xuất hiện sự cố mới trên 2 tuyến AAE-1 (châu Á – châu Phi – châu Âu) và APG (châu Á – Thái Bình Dương).
Theo thông tin từ một nhà cung cấp dịch vụ mạng internet (ISP) tại Việt Nam, hiện tại tất cả các sự cố gặp phải trên toàn bộ 5 tuyến cáp quang trên đều đã được khắc phục. Điều này đồng nghĩa kết nối internet từ Việt Nam đi quốc tế đã được khôi phục hoàn toàn đúng dịp cuối năm 2023.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự cố cáp quang biển nhưng chủ yếu do sợi cáp nằm ở vị trí có nhiều tàu bè thả neo hoặc khi di chuyển quên kéo neo lên. Hậu quả là những chiếc neo này đã vô tình mắc vào sợi cáp quang và làm đứt chúng.
Cũng có đôi khi sự cố cáp quang liên quan đến nguồn điện hoặc đơn vị vận hành thực hiện bảo trì, cá mập cắn …
Ngoài 5 tuyến cáp quang lớn kể trên, Việt Nam còn một tuyến cáp quang với quy mô nhỏ hơn là TVH. Tuyến này có chiều dài chỉ 3.367 km nối Thái Lan, Việt Nam và Hồng Kông (Trung Quốc).
Bên cạnh các tuyến cáp quang biển, hiện tại vẫn còn một số tuyến cáp quang đất liền nối Việt Nam đi quốc tế. Tuy nhiên, phần lớn lưu lượng kết nối internet tại Việt Nam đều được truyền tải thông qua các tuyến cáp quang ngầm dưới biển.