Khi các phi hành gia Apollo lần đầu tiên chụp được hình ảnh “Earthrise” – Trái Đất hiện lên từ đường chân trời Mặt Trăng – thế giới đã được chứng kiến một trong những bức ảnh mang tính biểu tượng nhất trong lịch sử khám phá không gian. Tuy nhiên, dù đầy tính nghệ thuật và cảm xúc, bức ảnh này lại không cho người xem biết nhiều về độ sáng thực tế của Trái Đất khi nhìn từ Mặt Trăng.
Vậy Trái Đất sáng đến mức nào nếu đứng trên bề mặt Mặt Trăng nhìn về phía nó? Liệu ánh sáng ấy có thể đủ để đọc sách, sạc pin hay thực hiện những công việc cần ánh sáng không?
Độ sáng của một hành tinh hoặc vệ tinh khi nhìn từ một thiên thể khác phụ thuộc vào năm yếu tố chính: khoảng cách giữa hai vật thể, kích thước của vật thể được quan sát, khoảng cách của nó đến Mặt Trời, độ phản chiếu bề mặt (albedo), và phần diện tích đang được Mặt Trời chiếu sáng.

Trong trường hợp của Trái Đất và Mặt Trăng, hai yếu tố đầu tiên – khoảng cách giữa chúng và khoảng cách tới Mặt Trời – có thể bỏ qua vì gần như tương đồng. Điều đáng nói là Trái Đất có bán kính lớn gấp 3,7 lần so với Mặt Trăng, tức diện tích bề mặt lớn hơn 13,4 lần.
Đồng thời, độ phản chiếu trung bình của Trái Đất là 0,434, cao hơn nhiều so với con số 0,136 của Mặt Trăng. Nhân hai yếu tố này lại, Trái Đất, khi tròn và được chiếu sáng đầy đủ, phản xạ lượng ánh sáng về phía Mặt Trăng mạnh hơn khoảng 43 lần so với ánh trăng chiếu xuống Trái Đất khi trăng tròn.
Ánh sáng từ Mặt Trăng khi tròn dao động khoảng 0,3 đến 1 lux – có thể đạt 2 đến 10 lux trong các trường hợp siêu trăng. Vì vậy, ánh sáng từ Trái Đất nhìn từ Mặt Trăng vào những đêm Trái Đất tròn sẽ mạnh hơn đáng kể, có thể lên tới vài chục lux hoặc hơn.
Tuy nhiên, cần lưu ý là độ phản chiếu của Trái Đất không cố định, mà thay đổi theo độ bao phủ của mây, tỷ lệ lục địa và đại dương đang hướng về phía Mặt Trăng, cũng như giai đoạn “tròn-khuyết” của Trái Đất nhìn từ Mặt Trăng. Nhưng ở phần lớn thời gian trong đêm dài trên Mặt Trăng, Trái Đất ít nhất cũng nửa sáng – cung cấp một nguồn sáng ổn định hơn ánh trăng chúng ta quen thuộc.
Nếu một phi hành gia lạc bước giữa đêm dài trên Mặt Trăng mà đèn pin bất ngờ hết pin, liệu họ có thể đọc được một tấm bảng hay chữ khắc nào đó dưới ánh sáng từ Trái Đất? Câu trả lời là: có thể – nhưng không dễ dàng.
Ánh sáng từ Trái Đất đủ để nhìn rõ các vật thể lớn hoặc đọc được chữ khắc trên các tấm bảng như những gì chương trình Apollo từng để lại, nhất là nếu chữ lớn và rõ. Một số người trên Trái Đất từng đọc được sách dưới ánh trăng tròn, dù điều đó không thoải mái.
Trong điều kiện lý tưởng, với thị lực bình thường, một phi hành gia hoàn toàn có thể đọc được một đoạn văn ngắn dưới ánh sáng từ Trái Đất, dù có thể sẽ khá căng mắt. Tuy nhiên, để đọc một cuốn sách hay văn bản dài với sự dễ chịu thì cần hàng trăm lux – mức ánh sáng mà “địa quang” (ánh sáng từ Trái Đất chiếu lên Mặt Trăng) không thể cung cấp được.
Còn với việc sạc năng lượng bằng tấm pin mặt trời thì khả năng này gần như bằng không. Ánh sáng trực tiếp từ Mặt Trời có cường độ hơn 100.000 lux. Ngay cả trong ngày âm u nhất trên Trái Đất, ánh sáng vẫn đạt khoảng 100 lux – tương đương hoặc cao hơn nhiều so với ánh sáng từ Trái Đất chiếu lên Mặt Trăng.
Mặc dù về lý thuyết, ta có thể chế tạo các tấm pin đủ nhạy để phát sáng một bóng đèn Giáng sinh với vài lux, nhưng thực tế để vận hành các hệ thống thiết yếu thì cần pin dự trữ lớn hoặc hệ thống truyền tải điện từ nơi còn ánh sáng. Do đó, bất kỳ căn cứ nào trên Mặt Trăng nếu muốn sống sót qua đêm dài kéo dài tới 14 ngày Trái Đất sẽ phải phụ thuộc vào giải pháp năng lượng lưu trữ hoặc truyền tải, chứ không thể trông đợi vào “địa quang”.
Dù vậy, độ sáng của Trái Đất vẫn là một lợi thế đáng kể về mặt định hướng và cảm xúc. Từ bề mặt gần của Mặt Trăng – nơi các căn cứ tương lai có khả năng được xây dựng – Trái Đất luôn hiện diện trên bầu trời, dù có thể đang ở giai đoạn khuyết hoặc tròn.
Nguồn tin: https://genk.vn/neu-ban-mang-sach-len-mat-trang-anh-sang-tu-trai-dat-co-du-cho-ban-thay-ro-tung-trang-sach-20250523224918699.chn