Theo thống kê từ Qichacha , một đơn vị chuyên cung cấp thông tin về các công ty tại Trung Quốc, kể từ năm 2019, có hơn 22.000 công ty liên quan đến chip bán dẫn đã ngừng hoạt động ở Trung Quốc.
Đặc biệt, riêng trong năm 2023 đã ghi nhận số lượng công ty chip phải đóng cửa lên tới 10.900, tăng 89,7% so với mức 5.746 công ty vào năm 2022. Điều này có nghĩa là trung bình mỗi ngày trong năm có hơn 31 công ty sản xuất chip bị hủy đăng ký hoặc thu hồi giấy phép kinh doanh. Thực trạng này cho thấy tình trạng khó khăn trong lĩnh vực thiết kế, sản xuất bán dẫn.
Theo dữ liệu được chia sẻ bởi ông Wei Shaojun, giáo sư tại ĐH Thanh Hoa, trong số 3,243 công ty chip hoạt động ở Trung Quốc hiện nay, có 1.910 công ty có doanh thu dưới 10 triệu NDT (tương đương dưới 1,4 triệu USD) mỗi năm. Nguyên nhân là các công ty này không chỉ gặp khó khăn trong việc bán hàng mà còn liên tục phải chịu lỗ vì không thể tiêu thụ được kho hàng sẵn có.
GS Wei cho biết, tình trạng nhiều công ty chip ở Trung Quốc làm ăn thua lỗ trên diện rộng là không thể tránh khỏi vì nguồn cung vượt cầu và xu hướng đi xuống của ngành công nghiệp bán dẫn.
Tính toán sai lầm trong đại dịch Covid-19
Ngoài ra, theo phân tích của các chuyên gia, nhiều công ty tính toán sai lầm trong giai đoạn từ năm 2021 – 2022 khi tiến hành xuất xưởng lượng lớn chip để chuẩn bị cho nhu cầu bùng nổ của phương thức làm việc từ xa trong đại dịch Covid-19. Thế nhưng, sau khi đại dịch được đẩy lùi, nhu cầu về chip giảm mạnh và thị trường cũng bắt đầu đình trệ từ cuối năm 2022. Điều này dẫn tới tình trạng tồn kho và suy giảm giá trị theo thời gian, trong khi nhiều công ty không thể bán lượng lớn chip đã sản xuất.
Theo dự báo mới nhất của Cơ quan Thống kê Thương mại Chất bán dẫn Thế giới (WSTS ), quy mô thị trường chất bán dẫn toàn cầu ước tính đạt 520 tỷ USD vào năm 2023, giảm 9,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngành công nghiệp chip toàn cầu vẫn đang trong chu kỳ suy thoái và các công ty liên quan tới lĩnh vực này phải đối mặt với những thách thức đáng kể.
Ngoài ra, có một thách thức khác đối với các công ty chip, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ, đó là thiếu vốn. Trên thực tế, các nhà đầu tư Mỹ hiện đã hạn chế đáng kể về nguồn tiền cho ngành công nghiệp bán dẫn ở Trung Quốc. Trong khi đó, các công ty ở châu Âu cũng không sẵn sàng bỏ tiền khi những lệnh cấm vận của Mỹ vẫn đang có hiệu lực.
Những tập đoàn lớn ở Trung Quốc như YMTC đã chi hàng tỷ USD nhằm tìm kiếm nguồn cung thay thế và mua sắm thiết bị từ bên thứ ba. Nhưng điều này là việc bất khả thi đối với các công ty nhỏ có nguồn lực bị hạn chế.
Chính phủ Trung Quốc vẫn đang tiến hành đẩy mạnh đầu tư vào ngành chip, nhưng không thể cứu được tất cả các công ty khởi nghiệp bán dẫn trên thị trường. Do đó, theo GS Wei, các startup quy mô nhỏ cần phải trau dồi thêm kỹ năng trước làn sóng thị trường, đồng thời cải thiện khả năng kiểm soát thị trường và nhu cầu, tránh chạy theo xu hướng một cách mù quáng để giảm thiểu rủi ro.
Ngành công nghiệp chip đang hy vọng về một sự “hồi phục” vào năm 2024. Theo dữ liệu của Gartner , doanh số ngành bán dẫn toàn cầu dự kiến sẽ tăng 16,8% lên 624 tỷ USD vào năm 2024. Trong số đó, ngành chip lưu trữ dự kiến sẽ tăng 66,3%.
Bài viết tham khảo nguồn: Digitimes, Xueqiu
Nguồn tin: https://genk.vn/mot-nam-hon-10000-cong-ty-dong-cua-lan-song-huy-diet-nao-dang-quet-qua-nganh-chip-ban-dan-trung-quoc-20231219081609386.chn