“Bạn có thể tin được thiết kế này nằm trên thắt lưng đẹp đến thế nào không? Nó chỉ có giá 12 USD thôi!” cô Hannah Lewis, 23 tuổi, đang chào hàng với 113 người xem trong buổi phát trực tiếp (livestream) của mình trên Tiktok.
Đứng trước bức tường trắng trơn với giá treo quần áo, cô Lewis đang livestream từ studio ở khu trung tâm Manhattan cho tập đoàn CHC Fashion Group, một công ty tiếp thị kỹ thuật số hợp tác với TikTok để bán hàng trên TikTok Shop.
Công việc của Lewis là livestream 6 giờ mỗi ngày từ thứ Hai đến thứ Sáu tại studio của CHC dù vẫn đang học tại Học viện Công nghệ Thời trang (FIT).
Với cái nhìn chăm chú vào màn hình hiển thị số lượng người xem và nhận xét hiện tại, cô Lewis liên tục tăng cường bán hàng bằng cách xoay người trong bộ đồ của mình: “Đây là một ưu đãi chớp nhoáng và sẽ không tồn tại mãi mãi, vì vậy hãy nhấn vào giỏ hàng màu vàng và đặt hàng của bạn ngay lập tức!”
Nếu hành vi của Lewis là quá bình thường tại Châu Á nơi Tiktok Shop khá phổ biến thì chúng lại là một điều khá mới mẻ cho người tiêu dùng Phương Tây. Văn hóa bán hàng livestream tại đây không phổ biến như ở Trung Quốc, đặc biệt là các cách chào hàng gây ấn tượng mạnh.
Năm 2023, bán hàng livestream chiếm đến 25% tổng doanh số bán hàng trực tuyến tại Trung Quốc. Dù người tiêu dùng Mỹ vẫn chưa quen với kiểu bán hàng này nhưng các công ty thương mại điện tử (TMĐT) nhận định sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi thị trường bùng nổ.
Chính vì lẽ đó, các đội ngũ đào tạo bán hàng livestream từ Trung Quốc liên tục được gửi sang hoặc mở các lớp trực tuyến để huấn luyện cho người Mỹ.
Ví dụ như hãng CHC có hơn 10 người phát trực tiếp ở Mỹ, tất cả đều được đào tạo bởi đội ngũ hỗ trợ thành thạo về nghệ thuật bán hàng trực tiếp đến từ Trung Quốc.
Họ thậm chí còn được tặng cẩm nang tiếng Trung theo đúng nghĩa đen khi tài liệu CHC trao cho học viên là tiếng Trung, với bản dịch tiếng Anh bên dưới.
Trong vài tháng qua, hơn 20 đại lý như vậy đã xuất hiện ở Mỹ khi các công ty tuyển dụng đội ngũ nhân viên có kinh nghiệm về TMĐT livestream đến từ Trung Quốc, đồng thời tìm cách chuyên nghiệp hóa hoạt động bán hàng livestream trên TikTok bằng cách tuyển dụng và đào tạo nhân viên địa phương.
“Điều này đem về lợi ích cho cả Tiktok lẫn các chuyên gia bán hàng từ Trung Quốc. Trong khi các studio bán hàng livestream của Trung Quốc cần thị trường mới khi thị trường nội địa đã bão hòa và gặp khó thì Mỹ dĩ nhiên trở thành mảnh đất màu mỡ. Bù lại, những người bán hàng ở Mỹ có thêm thu nhập trong bối cảnh thị trường lao động và giá cả biến động”, chuyên gia phân tích TMĐT Sky Tao và là tác giả cuốn sách “TikTok: The War of Traffic” nói.
Thời cơ đến
Tiktok Shop ra mắt ở Mỹ vào tháng 9/2023 nhưng đã nhanh chóng thu hút được sự chú ý của thị trường. Nền tảng này hiện có 250.000 người bán với nhiều thương hiệu nổi tiếng thường xuyên livestream trực tiếp.
Số liệu của FastMoss cho thấy tổng giá trị hàng hóa giao dịch của Tiktok Shop trong ngày Black Friday năm ngoái đã đạt 33 triệu USD, qua đó cho thấy người tiêu dùng Mỹ ngày càng ưa chuộng hình thức mua sắm giá rẻ này hơn so với TMĐT truyền thống.
Tờ Rest of World cho hay hàng tháng, Tiktok sẽ họp với khoảng 40-50 đại lý đối tác để thảo luận về các cập nhật và thay đổi mới ở Mỹ và ít nhất một nửa trong số đó có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Quay trở lại với CHC, hãng hiện đang điều hành 4-5 tài khoản livestream Tiktok hoạt động hàng ngày, bán nhiều sản phẩm từ quần áo cho đến đồ gia dụng.
Hầu hết những sản phẩm này đều khá rẻ tiền, không phải thương hiệu nổi tiếng và là hàng sản xuất từ Trung Quốc. Ngay cả như vậy, bình quân mỗi buổi phát sóng cũng thu hút đến 1.000 lượt xem cùng lúc trong bối cảnh người dân Mỹ siết chặt chi tiêu hơn.
Trong khi đó, cô Shelby Baxter là nhân viên bán hàng livestream cho Shop Utopia trên Tiktok đến từ Los Angeles cho biết mình thường xuyên được khuyến khích xem các buổi phát trực tiếp của đồng nghiệp Trung Quốc để tìm hiểu thủ thuật, chiến thuật bán hàng.
Hiện cô Baxter livestream 2-3 lần mỗi tuần để bán sản phẩm dành cho thú cưng. Trợ lý của cô sẽ rung chuông mỗi khi giao dịch mua hàng được thực hiện kèm câu slogan: “Đặt hàng, thú cưng sẽ thắng!”
Cả hai chiến thuật này đều được lấy cảm hứng từ những người bán hàng livestream Trung Quốc mà cô đã xem.
Tất nhiên không phải mọi mánh khóe từ Trung Quốc đều có tác dụng với người tiêu dùng Mỹ.
“Khi tôi tìm hiểu trên Taobao, rất nhiều người bán hàng livestream ở Trung Quốc thường la hét hết sức, đếm ngược thời gian có giá khuyến mãi để khuyến khích mua hàng. Tôi không nghĩ điều đó sẽ hiệu quả ở Mỹ. Khách hàng Mỹ không thích bị bảo phải làm gì và ít có khả năng mua một sản phẩm chỉ vì có nhiều người khác đang mua nó”, cô Lewis nhận định.
Thay vào đó, để tạo trải nghiệm mua sắm được cá nhân hóa, Lewis khuyến khích người mua tiềm năng đăng chiều cao và cân nặng của họ trong phần bình luận tại buổi livestream để cô có thể đề xuất kích thước cho họ.
Nhờ học tập cách bán hàng từ người Trung Quốc mà trong phiên livestream thứ 3 kể từ khi vào nghề, cô Lewis đã chốt được hơn 200 đơn đặt hàng với tổng trị giá hơn 11.000 USD chỉ trong một buổi chiều.
Tương tự, cô Jaidy Santos, một người bán hàng trực tiếp mới vào nghề đang được đào tạo tại CHC cũng đã có một khởi đầu thuận lợi khi học hỏi từ Trung Quốc.
Vị nữ livestream này đã đạt được 300 người xem cùng lúc ngay trong buổi phát trực tiếp thử nghiệm của mình, cao hơn so mức yêu cầu trung bình. Hiện cô Santos đang tham gia chương trình đào tạo kéo dài ba ngày từ các hướng dẫn viên bán hàng người Trung Quốc.
Nếu cô Santos hoàn tất chỉ tiêu bán hàng trong thời gian đó thì cô sẽ được đề nghị ký hợp đồng toàn thời gian.
“Ban đầu, tôi không hề biết đến loại công việc này tồn tại trước khi vào nghề đấy”, cô Santos nói một cách đầy háo hức.
*Nguồn: Rest of World
Nguồn tin: https://genk.vn/den-luot-trung-quoc-day-nguoi-my-cach-ban-hang-livestream-tren-tiktok-kiem-11000-usd-chi-trong-1-buoi-chieu-khach-hang-phuong-tay-me-met-kieu-chao-hang-phuong-dong-20240301075814271.chn