Không cần thuê cửa hàng vẫn thu nghìn tỷ
TMĐT vốn được biết là “thánh địa” của các ngành hàng thời trang & phụ kiện, mỹ phẩm, nhà cửa & đời sống với lượng nhà bán hàng áp đảo. Tuy nhiên, trong báo cáo doanh thu các sàn TMĐT tháng 11/2023 do YouNet ECI công bố, trên cả Shopee và Lazada, vị trí quán quân trong nhóm nhà bán hàng có doanh thu (GMV) lớn nhất đều gọi tên Apple Flagship Store. Samsung Flagship Store cũng đứng trong top 5 GMV của hai ông lớn TMĐT này.
Ghé thăm gian hàng chính hãng của Apple trên Shopee, có tới hơn nửa triệu người đang theo dõi. Dòng điện thoại mới nhất iPhone Promax 256GB ghi nhận 8.300 lượt bán. Trong khi đó, những sản phẩm thuộc hàng “kinh điển” như Airpod 2 có tới 30.5000 lượt mua, củ sạc cũng hút 28.100 lượt mua.
Năm 2023, doanh thu (GMV) đối với các mặt hàng công nghệ, đặc biệt là smartphone trên các nền tảng TMĐT liên tục ghi nhận mức tăng trưởng đáng chú ý. Theo dữ liệu thương mại điện tử EcomHeat của công ty dữ liệu YouNet ECI, nếu như tháng 1/2023, doanh thu smartphone trên 3 sàn lớn là Shopee, Lazada, Tiki đạt khoảng 295,7 tỷ đồng thì vào tháng 3 đã nhảy vọt lên 560 tỷ đồng và liên tục leo dốc trong các tháng sau đó.
Tháng 9/2023, GMV smartphone trên 3 sàn TMĐT này đã vượt mốc 1.300 tỷ đồng chỉ trong một tháng.
Lũy kế 11 tháng đầu năm 2023, tổng doanh số (GMV) smartphone trên 3 sàn TMĐT Shopee, Tiki, Lazada đạt 8.504,4 tỷ đồng. Trong đó, iPhone đóng góp hơn 3.038 tỷ đồng (35,7%), Samsung góp trên 2.407 tỷ đồng (28,3%), còn lại là Oppo, Xiaomi, Redmi,…
Điều đáng chú ý, doanh thu smartphone trên TMĐT tăng trưởng trong bối cảnh doanh số online của Thế Giới Di Động/Điện Máy Xanh hay FPT Shop đều đang giảm tốc. Theo báo cáo kinh doanh, luỹ kế 11 tháng đầu năm 2023, doanh thu online của hai chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh đạt 14.700 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ năm trước. Còn tổng doanh thu các kênh đạt 76.700 tỷ đồng, cũng giảm 21% so với cùng kỳ.
Như vậy, sau 11 tháng, chỉ riêng doanh thu GMV mặt hàng điện thoại thông minh (chưa tính các mặt hàng công nghệ, điện máy khác) trên TMĐT đã bằng một nửa doanh số kênh online của Thế Giới Di Động & Điện Máy Xanh và bằng hơn 11% tổng doanh thu cả hai chuỗi.
Trong khi chuỗi FPT Shop ghi nhận mức doanh thu luỹ kễ 9 tháng đầu năm 2023 đạt 12.222 tỷ đồng thì trên kênh TMĐT, doanh số smartphone trong giai đoạn này cũng đã ở mức 5.876 tỷ đồng.
TMĐT – “Cô gái đẹp” xa tầm với các đại gia bán lẻ
Nếu như TopZone (thuộc Thế Giới Di Động) hay F Studio (thuộc FPT Retail),.. từng chạy đua mở cửa hàng uỷ quyền của Apple thì trên nền tảng TMĐT, chính Shopee và Lazada đã được công nhận là cửa hàng uỷ quyền của nhà “táo khuyết”, trực tiếp vận hành Apple Flagship Store.
Sự bùng nổ doanh thu điện thoại thông minh nói riêng và các mặt hàng công nghệ giá trị cao diễn ra trong bối cảnh TMĐT vẫn giữ tốc độ tăng trưởng hai chữ số tại Việt Nam. Giao diện dễ nhìn và đầy đủ thông tin, chính sách bán hàng, giao vận đối với các mặt hàng giá trị cao được hoàn thiện, cung cấp đầy đủ hoá đơn điện tử, thông tin bảo hành,… là các điều kiện giúp giảm tâm lý lo lắng cho người mua trên TMĐT.
Đại diện Lazada từng chia sẻ: “Lazada mua trực tiếp và phân phối tất cả các dòng sản phẩm của Apple (iPhone, iPad, MacBook, Beats, Phụ kiện) từ Apple Việt Nam. Vì thế, chúng tôi có thể cung cấp các sản phẩm chính hãng với mức giá hợp lý nhờ vào việc tối ưu hóa chi phí vận hành, ưu thế của TMĐT”.
Chưa hết, nếu như các ông lớn bán lẻ từng dùng chiến lược giảm giá để hút người mua thì mức giá mà các gian hàng TMĐT cũng cạnh tranh không kém. Hiện chiếc iPhone 15 Promax 256 Gb màu titan xanh đang được niêm yết trên Apple Flagship Store của Shopee với giá 33.490.000 triệu đồng, cao hơn 200.000 so với Thế Giới Di Động, hơn 500.000 so với FPT Shop. Tuy nhiên, vào các đợt sale hằng tháng, người dùng thường săn được voucher trị giá 2.000.000-3.000.000 đồng, khiến giá trị đơn hàng giảm đi đáng kể và thúc đẩy quyết định mua hàng của khách.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp bán lẻ cũng đã hoặc đang phát triển kênh TMĐT.
Năm 2021, Thế Giới Di Động từng “lên thuyền” TMĐT khi quyết định mở cửa hàng trên Shopee, Tiki và Lazada. Tuy nhiên hiện tại, gian hàng chính hãng của Thế Giới Di Động tại Shopee trong tình trạng “đang tạm nghỉ bán”, còn không thể tìm thấy trên Lazada.
Việc có gian hàng trên TMĐT giúp nhà sản xuất mở rộng kênh phân phối, tăng độ phủ thị trường và không bỏ lỡ nhóm khách hàng đông đảo. Đơn vị vận hành như Shopee, Lazada vẫn thu về hoa hồng mà không mất chi phí phí lớn cho mặt bằng, điện nước,… Tuy nhiên, với các đại gia bán lẻ, TMĐT dường như vẫn là “cô gái đẹp” xa tầm với khi có thể tạo ra sự xung đột với chính kênh bán hàng online mà họ đã dày công xây dựng. Thế Giới Di Động và FPT Shop đều đang sở hữu website bán hàng online có lượng truy cập thuộc top đầu Việt Nam, trải nghiệm mượt mà. Việc tự chủ trong kênh bán hàng online còn giúp doanh nghiệp quản trị dữ liệu, thực thi các chiến lược chăm sóc khách hàng.
Các nhà bán lẻ quy mô nhỏ hơn như Hoàng Hà Mobile, Shop Dunk dù cũng xây dựng gian hàng chính hãng trên TMĐT nhưng số lượng sản phẩm bán ra rất khiêm tốn so với gian hàng Flagship Store của hãng.
Nguồn tin: https://genk.vn/co-gai-dep-dang-am-tham-cuop-mieng-banh-cua-cac-dai-gia-ban-le-khong-co-cua-hang-van-ban-hon-8500-ty-dong-smartphone-the-gioi-di-dong-chinh-phuc-bat-thanh-20240106123309924.chn