Bản hợp đồng bảo hiểm bất thường
Năm 2015, bà Hàn (Hà Bắc, Trung Quốc) nghe theo lời giới thiệu của bà Trương hàng xóm mua một loại bảo hiểm nhân thọ cho con trai. Bà Trương là nhân viên của công ty bảo hiểm, mô tả sản phẩm này như một cơ hội đầu tư lý tưởng: vừa bảo đảm an toàn nếu con gặp tai nạn sẽ nhận được bồi thường, vừa mang lại khoản tiền lãi hàng năm vượt trội hơn so với gửi ngân hàng.
Mỗi năm bà Hàn phải đóng 10.000 NDT (hơn 35 triệu đồng), hợp đồng kéo dài đến năm con bà Hàn 80 tuổi. Bà Trương cho biết, chỉ sau 10 năm liên tục đóng phí, bà Hàn có thể rút tiền gốc kèm lãi suất bất kỳ lúc nào. Tin tưởng lời giới thiệu và thấy bà Trương cũng mua loại bảo hiểm này cho con, bà Hàn đặt bút ký vào bản hợp đồng dài gần 100 trang.

Ảnh minh hoạ
Trong những năm đầu tiên, bà Hàn đóng phí đều đặn nhưng từ năm 2021, tài chính gia đình khó khăn khiến bà gặp trở ngại trong việc nộp tiền bảo hiểm. Năm 2022, bà Hàn vay 30.000 NDT từ người thân để trả trước phí bảo hiểm 3 năm còn lại, với hy vọng có thể rút luôn tiền gốc lẫn lãi. Tuy nhiên một quản lý công ty bảo hiểm cho biết dù đóng đủ tiền, toàn bộ số tiền bà Hàn đóng không thể rút cho đến khi con bà 80 tuổi, tức là năm 2094.
Người phụ nữ này chỉ có thể nhận tiền lãi hàng năm nếu tiếp tục đóng phí 10.000 NDT, còn tiền gốc sẽ bị khoá. Bà Hàn cho rằng điều này không được bà Trương giải thích rõ ràng khi ký hợp đồng, nếu biết trước bà sẽ không chọn mua loại bảo hiểm này. “Điều khoản này đã được ghi rõ trong hợp đồng, chúng tôi chỉ tuân thủ các quy định đã thoả thuận”, quản lý chỉ vào phần thời hạn rút tiền trong hợp đồng của bà Hàn.

Ảnh minh hoạ
Ai là người chịu trách nhiệm?
Người phụ nữ này cho biết hợp đồng dài gần 100 trang quá phức tạp với người tiêu dùng thông thường. Bà chỉ dựa vào lời giới thiệu của bà Trương, người đại diện công ty bảo hiểm, và không được cảnh báo về rủi ro hay hạn chế của sản phẩm. Bà cho rằng công ty bảo hiểm có trách nhiệm giải thích rõ ràng các điều khoản quan trọng, đặc biệt là thời hạn rút tiền gốc.
“Nếu con tôi không thể thọ qua 80 tuổi, ai sẽ nhận số tiền này? Công ty bảo hiểm hưởng lợi sao? Nếu công ty bảo hiểm này không thể tồn tại đến năm 2094 thì tiền của tôi sẽ đi về đâu? Đây là sản phẩm lừa dối khách hàng”, bà bức xúc.
Khi bà Hàn đối chất với người hàng xóm cũ là bà Trương, người phụ nữ này khẳng định mình cũng là nạn nhân khi không chú ý đến điều khoản bất lợi. Theo bà Trương, bà được đào tạo về việc nhấn mạnh lợi ích nhận lãi hàng năm và khả năng rút tiền khi con học đại học hoặc kết hôn, trung bình sau 10 năm kể từ khi đóng bảo hiểm nên bà đã tư vấn như vậy cho khách hàng. Hiện bà Trương đã nghỉ việc nên hợp đồng của bà Hàn do người khác phụ trách.

Ảnh minh hoạ
Trong khi đó, ông Trương Tiểu Khê, đại diện công ty bảo hiểm này ở Hà Bắc (Trung Quốc) khẳng định sản phẩm bảo hiểm tuân thủ pháp luật và quy định ngành. Ông Trương giải thích đây là bảo hiểm niên kim trọn đời, không có khái niệm “tiền gốc” mà 100.000 NDT là phí bảo hiểm, hợp đồng không có nghĩa vụ hoàn trả.
Tuy nhiên xét đến khó khăn của bà Hàn, công ty đề nghị hỗ trợ 40.000 NDT (140 triệu đồng) nếu khách hàng huỷ hợp đồng, đồng nghĩa với việc bà Hàn sẽ mất trắng số tiền còn lại. Bà Hàn từ chối, tuyên bố sẽ nhờ pháp luật can thiệp để phía công ty bảo hiểm và người tư vấn là bà Trương phải chịu trách nhiệm đền bù.
Cư dân mạng Trung Quốc cho rằng vụ việc của người phụ nữ này cho thấy lỗ hổng trong cách các công ty bảo hiểm tư vấn cho khách hàng. Các hợp đồng phức tạp, cùng với việc nhân viên bán hàng có thể không nắm rõ hoặc cố tình bỏ qua các điều khoản quan trọng, khiến người tiêu dùng rơi vào rủi ro.
Vì vậy lực lượng chức năng Trung Quốc khuyến cáo người dân cần thận trọng trước những sản phẩm tài chính được giới thiệu với lợi ích hấp dẫn. Cần đọc kỹ từng điều khoản trong hợp đồng trước khi đặt bút ký thay vì hoàn toàn tin tưởng lời tư vấn của nhân viên bán hàng, dù đó là người thân hay bạn bè.
Nguồn tin: https://genk.vn/dong-350-trieu-dong-bao-hiem-suot-10-nam-den-han-rut-tien-nguoi-phu-nu-duoc-thong-bao-hop-dong-ghi-ro-chi-phai-doi-den-nam-2094-20250423100430256.chn