Sói dữ “trở lại” hay chỉ là một phiên bản biến đổi?
Ngày 7 tháng 4 năm 2025, Colossal đã giới thiệu ba chú chó con có ngoại hình tương đồng với loài sói dữ cổ xưa và tuyên bố đây là lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại một loài động vật tuyệt chủng được “hồi sinh” thành công.
Họ công bố hình ảnh của ba cá thể (Romulus, Remus và Khaleesi) với bộ lông trắng muốt, đôi mắt sắc sảo và vóc dáng mạnh mẽ, như bước ra từ truyền thuyết.

Công ty công nghệ sinh học Colossal Biosciences, đơn vị nổi tiếng với tham vọng “phục hồi sự tuyệt chủng” cho biết họ đã thành công trong việc “hồi sinh” loài sói dữ (Aenocyon dirus), loài thú săn mồi khét tiếng từng tồn tại vào cuối kỷ băng hà và được đại chúng biết đến nhiều hơn qua loạt phim ăn khách “Game of Thrones”.
Theo Colossal, những con vật này được tạo ra bằng cách trích xuất DNA từ hóa thạch của hai cá thể sói dữ: một chiếc răng 13.000 năm tuổi được phát hiện tại Ohio, và một xương tai trong có tuổi đời 72.000 năm từ Idaho.
Từ những mẫu DNA cổ đại này, các nhà khoa học đã tái tạo một phần bộ gen của loài sói dữ, sau đó so sánh và chỉnh sửa để tích hợp vào bộ gen của loài sói xám hiện đại (Canis lupus) – loài được sử dụng làm vật chủ cho quá trình “phục sinh”.
Nhưng đây cũng chính là điểm gây tranh cãi gay gắt. Nhiều chuyên gia cho rằng, về mặt khoa học, sản phẩm của Colossal không thể gọi là “hồi sinh” đúng nghĩa. Theo giáo sư Philip Seddon, chuyên gia động vật học tại Đại học Otago (New Zealand), “sói dữ và sói xám thực chất là hai loài hoàn toàn khác biệt, thậm chí thuộc về hai chi khác nhau”.
Thực tế, các nghiên cứu tiến hóa chỉ ra rằng sói dữ đã tách khỏi nhánh tiến hóa của sói xám từ khoảng 6 triệu năm trước, hình thành nên một nhánh riêng biệt, xa hơn cả họ hàng với chó rừng hay cáo.

Nhiều chuyên gia di truyền học, sinh học tiến hóa và bảo tồn sinh vật học, lên tiếng chỉ ra rằng “những con sói dữ” mới ra đời thực chất không phải là sói dữ đã bị tuyệt chủng cách đây 12.500 năm, thực chất chúng chỉ là những sinh vật mang một phần đặc điểm di truyền tương đồng với loài đã tuyệt chủng.
Biến đổi gen thay vì nhân bản: Hồi sinh hay giả lập?
Colossal không sử dụng phương pháp nhân bản đơn thuần mà đã thực hiện tới 20 chỉnh sửa gen trong 14 gen khác nhau bằng công nghệ CRISPR để thay đổi một số đặc điểm di truyền của sói xám, nhằm tái tạo ngoại hình và một phần hành vi của sói dữ cổ đại.
Các tế bào được thu thập từ máu của sói xám đã được biến đổi để mang các đặc điểm của sói dữ, sau đó được đưa vào trứng sói xám đã loại bỏ nhân. Các phôi hình thành từ quy trình này được cấy vào tử cung của chó nhà (một phân loài của sói xám) để phát triển thành ba cá thể non.
Như vậy, về mặt sinh học, những con vật này không thể gọi là sói dữ thực sự, mà chỉ là “bản sao mô phỏng có chỉnh sửa gen” của loài đã tuyệt chủng.
Giáo sư Nic Rawlence, đồng giám đốc Phòng thí nghiệm di truyền học cổ tại Đại học Otago, nhận định: “Những gì Colossal tạo ra là một loài lai giữa sói xám và ý tưởng về sói dữ. Đây không phải là sự hồi sinh, mà là sự tái tạo phần nào của ngoại hình và một số hành vi mong muốn”.

Những lo ngại từ giới khoa học
Ngoài việc đặt câu hỏi về tính chính xác trong truyền thông, nhiều nhà khoa học còn bày tỏ lo ngại về sức khỏe, khả năng thích nghi và đạo đức của dự án.
Giáo sư Bridgett vonHoldt từ Đại học Princeton, người trực tiếp cộng tác với Colossal, cho biết: “Giống như nhiều sinh vật được nhân bản trước đây, sức khỏe lâu dài của những chú sói này là điều không thể đoán trước. Chúng có thể gặp các vấn đề về hệ miễn dịch, tăng trưởng, hành vi hoặc thậm chí là các dị tật tiềm ẩn”.
Ba chú sói con hiện đang được nuôi dưỡng trong một khu bảo tồn sinh thái có hàng rào cao 3 mét, được giám sát 24/7. Theo Colossal, chúng sẽ không bao giờ được thả về tự nhiên.
Tuy nhiên, công ty này cũng không giấu giếm tham vọng phát triển những khu bảo tồn rộng lớn hơn, nhằm tạo ra môi trường sống bán tự nhiên cho các loài “được phục hồi”.
Theo đó, nhiều chuyên gia cảnh báo rằng bất kỳ nỗ lực nào nhằm đưa những sinh vật này ra khỏi môi trường kiểm soát đều tiềm ẩn rủi ro lớn. Giáo sư David Mech, chuyên gia sinh thái học nổi tiếng từ Đại học Minnesota, đặt nghi vấn: “Sói dữ từng chiếm một hốc sinh thái không còn tồn tại trong hệ sinh thái hiện đại. Việc đưa một sinh vật không có chỗ trong hệ sinh thái hiện tại vào tự nhiên là một canh bạc nguy hiểm”.

Dù còn nhiều tranh cãi, nhưng chúng ta vẫn không thể phủ nhận rằng Colossal đang tiên phong trong việc ứng dụng các công nghệ di truyền tiên tiến để phục vụ mục tiêu tái sinh loài tuyệt chủng.
Nỗ lực này đã mang lại những bước tiến đáng kể trong lĩnh vực chỉnh sửa gen và bảo tồn sinh học. Một trong những thành công cụ thể nhất là sự ra đời của hai lứa sói đỏ (Canis rufus) loài sói đang đứng bên bờ tuyệt chủng nhờ vào kỹ thuật tương tự. Đây được xem là minh chứng rõ ràng cho việc công nghệ di truyền có thể hỗ trợ bảo tồn các loài đang gặp nguy cơ, thay vì chỉ phục vụ tham vọng “phục sinh”.
Sự khác biệt giữa “hồi sinh” và “tái tạo có chọn lọc” có thể không rõ ràng với công chúng, nhưng lại mang ý nghĩa to lớn về mặt khoa học, đạo đức và bảo tồn sinh thái trong tương lai.
Nguồn tin: https://genk.vn/hoi-sinh-duoc-soi-du-tuyet-chung-cach-day-12500-nam-hoa-ra-chi-la-mot-cu-lua-20250410113736005.chn