Nhiều người dùng tại Việt Nam vẫn ưu tiên chọn laptop giá rẻ với CPU đời cũ để tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, quyết định tưởng chừng hợp lý này có thể khiến họ đánh mất hiệu năng, trải nghiệm và khả năng tận dụng công nghệ AI – yếu tố đang dần trở thành nền tảng trong thế hệ máy tính hiện đại.
Tâm lý “rẻ là được” vẫn phổ biến
Tại Việt Nam, nhiều người mua laptop vẫn ưu tiên mức giá thấp, chọn các mẫu sử dụng CPU đời trước để tiết kiệm khoảng 1–2 triệu đồng so với các phiên bản mới. Lý do thường được đưa ra là chỉ dùng để làm việc văn phòng hoặc học tập cơ bản nên không cần hiệu năng cao. Tuy nhiên, sự tiết kiệm ngắn hạn này đang che lấp một vấn đề dài hạn – đó là hiệu suất tổng thể và khả năng tương thích với các công nghệ mới, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI).
Theo ông Eric Lee – Giám đốc khu vực Đông Nam Á của ASUS, hiện có tới 30–40% tổng lượng laptop bán ra tại Việt Nam vẫn sử dụng CPU thế hệ cũ, trong khi laptop dùng chip thế hệ mới chỉ chiếm khoảng 2–5%. Điều này cho thấy phần lớn người dùng vẫn đang thiên về lựa chọn cấu hình thấp để tiết kiệm chi phí, đồng thời cũng phản ánh một khoảng cách lớn trong việc tiếp cận công nghệ mới giữa các nhóm người dùng.
Cái giá thực sự đằng sau khoản tiết kiệm 10%
Việc lựa chọn laptop sử dụng CPU thế hệ cũ thường được xem là một cách tiết kiệm hợp lý. Tuy nhiên, theo ông Eric Lee, khoản chênh lệch giá nhỏ có thể dẫn đến những đánh đổi lớn hơn nhiều về hiệu suất và khả năng sử dụng lâu dài.
“Việc chọn CPU đời cũ thực tế chỉ giúp giảm khoảng 10% giá bán laptop, nhưng có thể làm giảm hiệu suất, khả năng sử dụng lâu dài và tương thích với các công nghệ AI mới”, ông Eric Lee cho biết.

Eric Lee, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của ASUS
Mặc dù CPU chỉ chiếm 20–30% chi phí cấu thành một chiếc laptop, nhưng lại là yếu tố quyết định phần lớn hiệu năng và tuổi thọ thiết bị. Khi ngày càng nhiều phần mềm tích hợp khả năng xử lý AI – từ văn phòng, giải trí cho đến quản lý tài nguyên – thì việc sử dụng chip đời cũ có thể khiến thiết bị nhanh chóng lạc hậu trong môi trường công nghệ đang thay đổi từng ngày.
Laptop AI: từ công nghệ mới thành tiêu chuẩn phổ biến
Xu hướng toàn cầu cho thấy laptop AI sẽ sớm trở thành chuẩn mặc định. Theo Gartner, đến năm 2025, khoảng 43% tổng số PC xuất xưởng toàn cầu sẽ tích hợp AI, trong đó hơn 51% số laptop bán ra sẽ là laptop AI. Dự báo của Counterpoint Research cho thấy đến năm 2027, 3 trong 4 chiếc laptop bán ra sẽ tích hợp GenAI – thế hệ trí tuệ nhân tạo mới có khả năng xử lý nội dung, hình ảnh, âm thanh ở cấp độ người dùng.
Không chỉ là xu hướng tiếp thị, laptop AI mang đến hiệu quả thực tế: từ tối ưu tiêu thụ điện năng, tăng tốc độ phản hồi ứng dụng, cho đến cải thiện trải nghiệm bảo mật và tương tác thông minh.

ASUS Zenbook A14 – mẫu laptop với trọng lượng chỉ 980g nhưng có thời lượng pin sử dụng lên tới 15 giờ trong điều kiện sử dụng thực tế
Thực tế, những lợi ích này đang được thể hiện rõ nét qua các dòng laptop AI thế hệ mới như Zenbook A14 hay Zenbook 14. Zenbook A14 – chiếc laptop chuẩn Copilot+ PC nhẹ nhất thế giới với trọng lượng chỉ 980g – là minh chứng cho việc một thiết bị siêu di động vẫn có thể duy trì hiệu năng ổn định và thời lượng pin lên tới 14–20 giờ sử dụng thực tế, điều từng được xem là bất khả thi trên các mẫu ultrabook truyền thống.

Thời lượng sử dụng pin thực tế của mẫu Zenbook 14 với chip AMD Ryzen 7 AI 350 với thời gian on-screen đạt ngưỡng gần 13 giờ
Trong khi đó, Zenbook 14 trang bị chip AMD Ryzen AI không chỉ giữ được thiết kế mỏng nhẹ (1,2kg) mà còn cho phép người dùng chơi được cả những tựa game AAA ở mức thiết lập hợp lý – một điều hiếm thấy trên các mẫu laptop không dùng GPU rời. Những ví dụ này cho thấy laptop AI không còn là khái niệm lý thuyết, mà đang dần trở thành công cụ làm việc và giải trí hiệu quả, kể cả trong những tình huống yêu cầu cao về hiệu năng hoặc thời lượng sử dụng.

Zenbook 14 (UM3406), một trong những mẫu ultrabook mạnh nhất hiện nay với chip AMD Ryzen AI 300 Series và trọng lượng chỉ 1.2Kg
ASUS là hãng đầu tiên đưa laptop đạt chuẩn Copilot+ PC vào thị trường Việt Nam, bắt đầu với mẫu Vivobook S15. Hiện nay, danh mục sản phẩm của hãng đã mở rộng lên hơn sáu mẫu, sử dụng các dòng vi xử lý mới nhất từ Snapdragon, Intel và AMD.
Theo ông Eric Lee, việc phát triển danh mục sản phẩm đa dạng để phục vụ từng nhóm nhu cầu – từ chơi game, làm việc đến di chuyển nhiều – là yếu tố giúp thương hiệu đáp ứng kịp thời sự dịch chuyển công nghệ. “Chúng tôi luôn cố gắng đi đầu trong việc đưa các dòng laptop dùng chip AI mới về thị trường Việt Nam, phù hợp với xu thế chuyển dịch dần sang AI PC.”
Dữ liệu do ASUS cung cấp cho thấy hãng hiện chiếm 27% thị phần laptop tiêu dùng và 25% thị phần laptop gaming tại Việt Nam (theo Microsoft Activation 2024). Trong phân khúc cao cấp – nơi các mẫu laptop được trang bị CPU AI thế hệ mới, đạt chuẩn Copilot+ PC – ASUS đang chiếm 76% thị phần.

ASUS là nhà sản xuất đầu tiên tại Việt Nam đưa laptop với chip Snapdragon X tại Việt Nam, cũng như những con chip AI từ AMD và Intel
Chọn đúng thiết bị để không bị bỏ lại phía sau
Laptop hiện đại không còn chỉ phục vụ một nhóm nhu cầu cố định, mà ngày càng trở thành nền tảng làm việc linh hoạt, yêu cầu khả năng xử lý thông minh và khả năng cập nhật công nghệ lâu dài. Nếu tiếp tục chọn máy dùng chip đời cũ chỉ để tiết kiệm ngắn hạn, người dùng có thể sớm gặp giới hạn về hiệu năng, tương thích phần mềm, cũng như chi phí nâng cấp phát sinh sau này.

ASUS Experience Store vừa được khai trương tại Hà Nội, nơi khách hàng có thể trải nghiệm loạt laptop AI mới của ASUS
Trong bối cảnh phần lớn thiết bị sắp tới đều mặc định hỗ trợ AI, việc đầu tư đúng ngay từ đầu sẽ giúp người dùng tránh bị bỏ lại phía sau khi công nghệ tiếp tục tiến lên phía trước.
Nguồn tin: https://genk.vn/dung-chip-cu-de-tiet-kiem-10-nhung-danh-doi-trai-nghiem-lau-dai-nguoi-viet-dang-tinh-sai-bai-toan-laptop-20250413165432059.chn