Thông thường, chúng ta có xu hương đánh đồng hai khái niệm “không gian” và “diện tích” với nhau: Diện tích rộng nghĩa là không gian rộng, và ngược lại. Tuy nhiên, đây lại là suy nghĩ hoàn toàn sai lầm.
Cùng “zoom” vào căn nhà của anh Lê Hồng Kiên – Một Kiến trúc sư để thấy rằng “diện tích” và “không gian” vốn chưa bao giờ là hai mặt của một đồng xu. Nếu biết cách thiết kế, bài trí, diện tích nhà có thể không lớn nhưng không gian sinh hoạt vẫn có thể rộng rãi, đủ công năng.
Nhà này đẹp thế! x KTS Lê Hồng Kiên
Đây là căn nhà 4 tầng của KTS Lê Hồng Kiên, ở Yên Phụ, Tây Hồ, Hà Nội; được hoàn thiện vào năm 2010, diện tích 1 mặt sàn khoảng 70m2. Nhà có 1 phòng khách, 1 phòng bếp, 3 phòng ngủ, 2 công trình phụ, 1 phòng thờ và 1 phòng tập gym.
Điểm đặc biệt nhất trong căn nhà của KTS Lê Hồng Kiên chính là nội thất và những bộ sưu tập mà anh đã dành nhiều tiền bạc, tâm huyết để “rước về”.
Nhà là không gian trưng bày nghệ thuật, thiết kế dung hòa sở thích cá nhân của mỗi thành viên
Nhà không chỉ là nơi để ở, để tìm sự bình yên. Với anh Kiên, có lẽ, đây còn là nơi để anh trưng bày, ngắm nhìn những bộ sưu tập trị giá tiền tỷ của mình.
“Tôi có đam mê với việc sưu tập những bộ đồ gỗ trắc, gốm sứ, rượu thuốc, bật lửa, kiếm và cả tranh nữa. Từng bộ sưu tập đều gắn liền với những kỷ niệm cá nhân của tôi. Mỗi món đồ, với tôi, đều là một kỷ vật”.
Chính bởi tình yêu với gỗ trắc nên khi bắt đầu nghĩ về việc xây dựng và hoàn thiện căn nhà này, anh Kiên không mất nhiều thời gian để lựa chọn nội thất. Chắc chắn đó không thể là gì khác ngoài đồ gỗ đời Thanh, đời Minh – Một trong những niềm đam mê bất diệt của ông bố 2 con.
Nói về tình yêu với đồ gỗ, anh Kiên cho biết: “Tôi là mệnh Hỏa, rất hợp với đồ gỗ. Bộ sưu tập nội thất trong nhà tôi chủ yếu là gỗ trắc. Bạn biết đấy, một đời cây bằng ba đời người, vô cùng giá trị. Hơn nữa, nội thất trong nhà tôi đều được các nghệ nhân nổi tiếng trong các làng nghề truyền thống của Việt Nam kỳ công chế tác, độc nhất vô nhị, vô cùng đáng quý”.
Toàn bộ nội thất trong nhà đều được làm bằng gỗ, anh Kiên không phủ nhận yếu tố này sẽ làm cho không gian sống của mình và các con có phần không được trẻ trung, hiện đại. Dung hòa được mong muốn, sở thích của bản thân với mong muốn, sở thích của các con cũng là một trong những yếu tố khiến anh Kiên “đau đầu” nhất khi thiết kế “chốn bình yên” này.
“Bạn lớn nhà tôi cũng mê đồ gỗ giống bố, còn con gái út lại thích phong cách công chúa cơ. Con gái mà, thích sao bố cũng chiều. Tôi thiết kế phòng ngủ cho con gái hoàn toàn không dùng đồ gỗ, bạn ấy thích style công chúa nên tôi làm cho chiếc giường tròn, trông cho khác biệt. Phần cánh tủ quần áo và trần nhà cũng được trang trí khác đi” – Anh Kiên chia sẻ.
Phòng ngủ của con trai, con gái KTS Lê Hồng Kiên
Ngoài những không gian mà ngôi nhà nào cũng cần phải có, anh Kiên còn đặc biệt đầu tư một phòng tập nhỏ để 3 bố con cùng xả stress.
Điều đặc biệt nhất: Phòng ngủ có giá bằng một chiếc oto!
Khi được hỏi đâu là nơi mà anh Kiên đã dành nhiều tiền bạc, tâm huyết nhất trong căn nhà này, không cần suy nghĩ lâu, anh Kiên khẳng định: “Chắc là phòng ngủ của tôi rồi!”. Và điểm đặc biệt nhất trong phòng ngủ của anh Kiên chính là chiếc giường long sàng, được làm bằng gỗ trắc theo phong cách đời Minh.
“Tôi nghĩ việc đầu tư cho phòng ngủ hay giường ngủ là rất quan trọng vì đó là nơi mình nạp lại năng lượng sau một dài. Ngủ phải ngon mới khỏe khoắn, vui tươi. Với số tiền này, người khác có thể lựa chọn mua một chiếc ô tô, còn tôi lại đầu tư cho phòng ngủ, đơn giản là vì tôi thích như vậy” – Anh Kiên cho biết.
“Tôi không nghĩ là mình có thể hoặc nên nói về giá trị vật chất của ngôi nhà này. Thường thì một căn nhà được hoàn thiện, số tiền đầu tư nội thất sẽ đắt hơn số tiền xây dựng. Nhưng với tôi, bộ sưu tập nội thất và cả những bộ sưu tập khác đều là đam mê, là tình yêu. Mà không ai lại đi định giá đam mê, tình yêu cả, đúng không?” – Anh Kiên vừa cười, vừa đặt ra câu hỏi thay cho thắc mắc của chúng tôi về giá trị của ngôi nhà.
Hiện tại, anh Kiên và 2 con đã chuyển về sống ở Hòa Bình nhưng ngôi nhà ở Yên Phụ, Tây Hồ này vẫn là chốn bình yên của 3 bố con; là nơi anh Kiên thỏa mãn đam mê sưu tầm của chính mình.