Chỉ hai tháng sau khi ra mắt Gemini, Google tiết lộ đã xây dựng thành công một phiên bản tốt và nhiều tính năng hơn phiên bản tiền nhiệm. Thông báo đưa ra vào ngày 15 tháng 2, được nêu bật trong một bài đăng blog dài 1.600 từ với đầy những thước phim hấp dẫn, đã khiến các nhà nghiên cứu AI và báo chí đưa tin rầm rộ.
Tuy nhiên, ngay cuối ngày hôm đó, OpenAI cho ra mắt Sora, một công cụ tạo video dài tới 60 giây dựa trên lời nhắc bằng văn bản. Những thán từ như ‘bắt mắt’ và ‘mạnh mẽ đến kinh ngạc’ liên tục xuất hiện khắp các mặt báo dù phía các nhà nghiên cứu vẫn suy ngẫm về mối đe dọa của deepfakery.
Vài ngày sau, Google cố gắng giải thích lý do tại sao công cụ tạo hình ảnh của mình lại đưa ra những mô tả không chính xác về chủng tộc các nhân vật lịch sử. Những người trong ngành tự trả lời câu hỏi bằng cách đưa ra nghi vấn rằng liệu công ty có vấn đề về văn hóa hay không.
“Đó là cơn ác mộng PR đối với công ty”, một nhân viên cấp cao hiện tại cho biết. “Nhân viên của Google đang tức giận”.
Theo BI, Pichai đã mô tả Google như một công ty đi đầu về AI kể từ năm 2016, song lại gặp khó khăn trong việc biến những nghiên cứu nền tảng của mình trở thành những sản phẩm gây ấn tượng.
Google vừa bước sang tuổi 25, trải qua 5 đời tổng thống và 2 cuộc khủng hoảng thị trường lớn. Gã khổng lồ luôn có một vị trí đặc biệt trên phố Wall, song vài năm trở lại đây, rắc rối nảy sinh khiến Google – nơi từng được coi là công ty hấp dẫn nhất nhì Thung lũng Silicon trở thành thứ mà tập đoàn hứa không bao giờ phạm phải: nhàm chán.
Hậu quả cuối cùng rất lớn: cuộc di cư nhân tài, các sản phẩm cũ kỹ và sự phụ thuộc quá mức vào ‘con bò kiếm tiền quảng cáo’. Nhiều câu hỏi lớn đã được đặt ra. Bạn sẽ làm gì khi một công ty mất đi vẻ hào nhoáng của nó?
Khi Google ra mắt công chúng vào năm 2004, Larry Page và Sergey Brin không có ý định đưa đây trở thành một công ty tầm thường. Lời hứa đó đã được giữ vững trong ít nhất một thập kỷ và bằng chứng là Google đã tạo ra khuôn mẫu cho một nền văn hóa Thung lũng Silicon mới. Đó là thiên đường của các kỹ sư, tràn ngập đặc quyền với mức lương béo bở.
“Văn hóa rất tốt. Điều đó cực mới mẻ và điên rồ vào đầu những năm 2000. Google đã tạo ra quả bóng Internet khổng lồ, xây dựng mạng tốc độ cao và thậm chí lập bản đồ Trái đất bằng hình ảnh vệ tinh. Công ty thậm chí còn cố gắng kéo dài tuổi thọ con người”, một nhân viên kỳ cựu cho biết.
Vào năm 2012, BI còn liệt kê 10 lý do khiến Google trở thành công ty vĩ đại nhất thế giới. Ông Page viết trong một bản ghi nhớ gửi nhân viên thời điểm đó rằng: “Trong ngành công nghệ, nơi những ý tưởng mang tính cách mạng thúc đẩy các lĩnh vực tăng trưởng lớn tiếp theo, bạn cần phải thoải mái một chút để duy trì sự phù hợp”.
Ông Pichai có công lớn với Google. Dưới thời ông, doanh thu Alphabet tăng vọt. Vốn hóa thị trường ở mức khoảng 1,7 nghìn tỷ USD, tăng từ mức hơn 400 tỷ USD vào năm 2015 khi Pichai bắt đầu lên nắm quyền lãnh đạo. Năm ngoái, Google thông báo rằng hoạt động kinh doanh trên nền tảng đám mây – một trong những vụ đặt cược lớn ban đầu của Pichai – cuối cùng đã có lãi.
Tuy nhiên, 80% doanh thu của Alphabet vẫn đến từ quảng cáo và phần lớn trong số đó đến từ các quảng cáo văn bản đơn giản vốn xuất hiện trên trang kết quả tìm kiếm của Google kể từ đầu thiên niên kỷ. Thời điểm công ty gặp khó khăn trong việc đa dạng hóa, nỗi lo tiền mặt ngày càng gia tăng trong khi những triển vọng rủi ro được xem xét với thái độ hoài nghi, quan ngại,
“Họ không thể thoát khỏi con đường riêng của mình vì họ quá cố thủ trong việc bảo vệ những gì mình có”, một cựu giám đốc cho biết.
Quả thực, rất ít sản phẩm thành công đáng chú ý của Google được tung ra thị trường trong thập kỷ qua. Rất nhiều sản phẩm đã bị khai tử, bao gồm kính thực tế tăng cường và đột phá ngắn hạn trong ngành game. Ngay cả các sản phẩm cốt lõi của nó cũng bị tụt hậu.
Trong nhiều năm, nhân viên của Google được khuyến khích khám phá các dự án phụ không liên quan trực tiếp đến công việc họ làm – thứ được gọi là chỉ chiếm “20% quỹ thời gian”. Một số dự án thử nghiệm cuối cùng chuyển sang vườn ươm nội bộ có tên “Khu vực 120” – câu đùa giữa các nhân viên rằng “20% quỹ thời gian” nói trên thực chất là “120% quỹ thời gian”.
Vào năm 2022, Google thu hẹp đáng kể quy mô “Khu vực 120”, đóng cửa một số dự án không liên quan đến AI và sa thải hầu hết nhân viên của mình. Người phát ngôn của Google lưu ý rằng nhân viên vẫn được khuyến khích theo đuổi các dự án khác.
Tuy nhiên, X – phòng thí nghiệm moonshot khai sinh ra bộ phận xe tự lái của Google đã giảm bớt tham vọng của mình khi phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng trong việc cắt giảm lỗ. Trong lịch sử, các dự án bên trong X được coi là đủ tốt để có thể tự đứng trên đôi chân của mình song mới đây, theo báo cáo của The Information, nhân viên cho biết sẽ chẳng có gì đặc biệt xảy ra trong năm nay.
Một công việc tại Google từng được coi là sự gắn bó cả đời. Các kỹ sư của công ty, thường xuyên bị công ty công nghệ đối thủ săn đón, thậm chí còn không thèm nhận cuộc gọi hoặc cập nhật lý lịch.
Chính vì vậy, kế hoạch cắt giảm 12.000 lực lượng lao động khiến ai nấy đều sốc. Một nhân viên kỳ cựu nói: “Sự việc xảy ra bất ngờ và chưa từng có tiền lệ. Hai mươi năm niềm tin được nhân viên xây dựng đã tan biến ngay lập tức”.
Tình trạng sa thải nhỏ giọt tiếp tục kéo dài đến năm 2024 và nỗi lo lắng hiện rõ. “Bây giờ nó là một trò chơi sinh tồn”, một nhân viên kỳ cựu nói thêm. “Ai cũng cảm thấy bị áp lực”.
Trước đó vào năm 2018, hơn chục phó chủ tịch đã gửi thư cho Pichai nói rằng công ty đang tiến triển quá chậm và cần sự lãnh đạo quyết đoán hơn. Các nhân viên từ lâu cũng đã lưu hành một tài liệu có tựa đề “Tại sao mọi thứ ở Google lại quá khó khăn”.
Nỗi bất hạnh đó vẫn chưa biến mất. Trong một cuộc khảo sát toàn công ty năm 2023 do Business Insider thực hiện, hơn 3/4 số người được hỏi cho biết họ tự hào khi được làm việc tại Google, song có đến 45% – hàng chục nghìn nhân viên – thừa nhận tình trạng quan liêu đang làm chậm công việc của họ.
Có thời điểm Google không còn đóng góp phần lớn cho tổng doanh thu toàn ngành quảng cáo, lần đầu tiên sau gần một thập kỷ. Mảng kinh doanh quảng cáo vẫn phát triển, song dữ liệu từ Insider cho thấy tốc độ đang chậm hơn đáng kể so với phần còn lại của thị trường. Theo chuyên gia phân tích nội bộ Zachary Goldner, sự xói mòn thị phần chủ yếu đến từ việc các thương hiệu có cơ hội tiếp cận nhiều định dạng quảng cáo hơn.
“Tất cả các nhà tiếp thị đều muốn có nhiều lựa chọn”, ông Goldner nói.
Không những vậy, bản thân Google cũng đang ‘phát hoảng’ vì ChatGPT – một chatbot do Open AI phát triển và ra mắt vào ngày 30/11/2022. Đây được đánh giá là công cụ ‘trả lời câu hỏi như người thật’, có thể trình bày ý tứ logic, có chiều sâu và cực kỳ trôi chảy, ngay cả với các câu hỏi phức tạp.
“Có thể trong 1 hoặc 2 năm nữa, Google sẽ bị ảnh hưởng hoàn toàn. AI sẽ loại bỏ trang kết quả của công cụ tìm kiếm – nơi Google kiếm được nhiều tiền nhất”, Paul Buchheit, một trong những người tạo ra Gmail chia sẻ.
Theo: BI, Bloomberg
Nguồn tin: https://genk.vn/ky-tich-20-nam-cua-google-vo-vun-co-may-kiem-tien-sa-co-vi-ai-tinh-trang-sa-thai-nho-giot-keo-dai-den-nam-2024-6-nam-truoc-noi-bo-da-bat-dong-20240302085244521.chn