Nếu bạn nghĩ việc chuột cắn ô tô của ca sĩ Duy Mạnh, gây cháy, rồi phải chịu trách nhiệm hình sự chỉ là một ý tưởng gây cười, thì bạn đã nhầm. Vào năm 1522 ở Pháp, người ta đã thực sự mở không chỉ một mà tới 4 phiên tòa để xét xử lũ chuột vì hành vi phá hoại.
Những con chuột ở giáo phận Autun, miền trung nước Pháp đã bị triệu tập tới tòa án vì hành vi ăn trộm lúa mạch và phá hoại mùa màng. Phiên tòa có đầy đủ thẩm phán, luật sư và những dân làng là nguyên đơn bị hại.

Trớ trêu thay, Barthélemy de Chasseneuz, một luật sư được giao nhiệm vụ bào chữa cho lũ chuột lại có quá nhiều kinh nghiệm và am hiểu luật pháp. Chasseneuz cuối cùng đã cãi cho lũ chuột ở Autun được trắng án, mà không một thẩm phán, luật sư hay người dân nào có thể hành hình chúng.
Vụ xét xử chuột này đã đi vào lịch sử, là một trong số các ví dụ kinh điển cho một thời kỳ đầy trào phúng của nền tư pháp, khi mà không có chỉ có con người…
Cả động vật và đồ vật vô tri cũng bị đem ra tố tụng
Đó là Châu Âu thời Trung Cổ, trong khoảng thế kỷ thứ 13, nơi xã hội bị ảnh hưởng nặng nề bởi Giáo hội Công giáo. Thế giới quan của Giáo hội khi đó cho rằng động vật, dù là vật nuôi như lợn, bò, gà, hay các loài dịch hại trong tự nhiên như chuột, sâu bọ đều là một phần tạo vật của Chúa.
Bởi vì động vật là tạo vật của Chúa, mọi sự kiện, hành vi do chúng gây ra đều nằm trong kế hoạch vĩ đại của ngài. Hoặc giả nếu chúng gây ra tổn hại cho con người, người ta sẽ cho rằng hành vi đó đã bị ma quỷ tác động.
Những con vật vì vậy phải bị đem ra xét xử.

Tiến trình tố tụng đối với động vật cũng tương tự như đối với con người. Bị cáo sẽ bị triệu tập đến tòa, với đủ mọi cáo buộc từ gây rối, phá hoại tài sản cho đến giết người.
Các nhân chứng cũng có mặt và trong một số trường hợp, con vật được chỉ định luật sư bào chữa. Nếu luật sư bào chữa không thành công, căn cứ theo luật, con vật sẽ phải chịu hình phạt giống với con người, từ bị cầm tù, lưu đày cho đến xử tử.
Các phiên tòa xét xử động vật không chỉ nhằm mục đích trừng phạt mà còn mang ý nghĩa nghi lễ. Do đó, chúng thường được tổ chức rất long trọng và công khai. Khi con vật bị hành quyết, đôi khi chúng còn được cho mặc quần áo của con người.
Ngoài ý nghĩa tôn giáo, người ta không rõ các buổi xét xử động vật này đem lại lợi ích gì mà đã được tiến hành khá phổ biến ở nhiều vùng Châu Âu trong suốt 800 năm, từ thế kỷ thứ 13 đến tận thế kỷ 20.
Theo các tài liệu ghi nhận được, Pháp là quốc gia xét xử động vật nhiều nhất. Các phiên tòa này cũng được tổ chức ở Thụy Sĩ, Đức và Hà Lan. Một số hiếm hơn ở Ý và Tây Ban Nha, nơi động vật thỉnh thoảng cũng bị đưa ra tòa.

Một con lợn bị cho mặc quần áo con người rồi treo cổ.
Một số nhà sử học nhìn vào các phiên tòa này nhận định đó có thể là một cách để giúp cộng đồng và người dân cảm thấy được xoa dịu trước những thảm họa mà động vật gây ra, ví dụ như khi một con vật tấn công con người, hoặc khi chúng phá hoại mùa màng gây ra nạn đói.
Các phiên tòa trừng phạt động vật đem lại cho người dân cảm giác trật tự được tái lập trong một thế giới đầy bất an và hỗn loạn. Đỉnh điểm của các phiên tòa này là, đôi khi, ngay cả các đồ vật vô tri cũng bị đem ra xét xử.
Ví dụ, một bức tượng rơi xuống và gây chết người, nó đã bị “trừng phạt” bằng cách phá hủy. Một cái chuông nhà thờ bị kết tội gây rối vì rung không đúng giờ, nó sau đó đã bị tháo xuống và nhốt lại.
Những vụ án này phản ánh quan niệm rằng đồ vật cũng có thể mang “ý định” hoặc bị ma quỷ thao túng, đòi hỏi sự can thiệp của pháp luật để xoa dịu cộng đồng.
Những vụ án xét xử động vật nổi tiếng
Trong số những động vật bị đem ra xét xử ở Châu Âu thời Trung Cổ, lợn thường là loài vật chiếm đa số. Đó là bởi loài vật này sống giữa con người, thường xuyên gây ra xung đột và trong một số trường hợp, chúng trở nên đặc biệt nguy hiểm.
Chẳng hạn như một vụ án được ghi lại vào năm 1379, hai đàn lợn ở một ngôi làng tên là Saint-Marcel-le-Jeussey thuộc Pháp đã nổi loạn, dẫn đến việc một đứa trẻ sơ sinh của nhà chủ bị giẫm đạp đến thiệt mạng.
Những người làm chứng đã chỉ ra 3 con lợn đầu đàn đã khởi xướng cuộc nổi loạn này. Cả 3 con bị xử tử, trong khi những con lợn khác được ân xá.
Năm 1936, một con lợn ở thành phố Failaise, tây bắc nước Pháp cũng đã bị kết tội tử hình vì tấn công một đứa trẻ sơ sinh. Con lợn sau đó đã bị tùng xẻo, trước khi cho lên giá treo cổ.

Một sự việc tương tự xảy ra vào năm 1492, ở Abbeville miền bắc nước Pháp. Tòa án công giáo cũng tuyên tử hình bằng hình thức kéo lê một con lợn vì nó cũng gây ra cái chết một đứa trẻ.
Tổng cộng các hồ sơ, người ta đã thống kê được ít nhất 15 vụ án xét xử lợn ở Châu Âu trong khoảng thời gian từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 16.
Một vụ án nổi tiếng khác xảy ra vào năm 1474 ở Thụy Sĩ, nơi một con gà trống đã bị đem ra xét xử vì tội đẻ trứng. Theo quan niệm công giáo, việc một con gà trống đẻ trứng là tội tày đình, bởi nó là hành vi trái tự nhiên, trái với ý định của Chúa.
Con gà được cho là đã đẻ ra quả trứng của quỷ Satan, thứ sẽ nở ra một con rồng ác. Do đó, cả quả trứng và con gà trống đã bị kết án tử hình bằng hình thức hỏa thiêu. Một sự việc gà trống đẻ trứng tương tự đã xảy ra vào năm 1730, cũng tại Thụy Sĩ và con gà cũng bị thiêu sống.
Thế nhưng ngày nay, các nhà khoa học cho rằng gà trống đẻ trứng thực ra là gà mái. Chúng đã phát triển tình trạng rối loạn nội tiết hoặc khối u buồng trứng khiến nó phát triển một bộ lông giống với gà trống chứ thực chất không phải là gà trống.

Năm 1474 ở Thụy Sĩ, nơi một con gà trống đã bị đem ra xét xử rồi thiêu sống vì tội đẻ trứng.
Năm 1750, một người đàn ông ở Pháp đã bị kết tội treo cổ vì giao cấu với một con lừa cái. Theo thông lệ ở thời Trung Cổ, những trường hợp người giao cấu với động vật thì con vật cũng bị xử tử.
Nhưng trong vụ án này, một linh mục giáo xứ và các người dân đã đứng ra làm chứng cho con lừa rằng nó là một con vật ngoan ngoãn, tử tế và bị người đàn ông ép giao cấu.
Tòa Công giáo sau đó đã tha bổng và thả tự do cho con lừa.
Vụ án xét xử chuột ở Autun
Quay trở lại với những con chuột ở Autun vào năm 1522 ở miền trung nước Pháp. Đó là khoảng thời gian mà giáo phận này trải qua một mùa vụ thất bát. Những con chuột được cho là đã phá hoại mùa màng, đột nhập vào kho và ăn hết lúa mạch của người dân.
Những người đàn ông trong giáo phận đã đặt vô số bẫy chuột, họ đã nuôi mèo còn những người phụ nữ thì luôn cầu nguyện. Nhưng lũ chuột sinh sản với tốc độ chóng mặt, đã khiến mọi nỗ lực của con người ở Autun thất bại.
Những người đàn ông một lần nữa họp lại để xem họ nên làm gì tiếp theo. Trong buổi họp đó, có một người đã đề xuất họ nên mở một phiên tòa để xét xử lũ chuột.

Luật sư Barthélemy de Chasseneuz.
Ban đầu, ý tưởng bị cho là điên khùng, nhưng người đàn ông đã viện dẫn ở những nơi khác ở nước Pháp, người ta đã xét xử lợn làm loạn và sau đó, chúng không làm loạn nữa.
Thế là người dân ở Autun đã quyết định truy tố toàn bộ những con chuột trong thị trấn.
Họ đi dán cáo thị ở khắp nơi, yêu cầu những con chuột nào ở giáo phận Antun ăn trộm lúa mạch và phá hoại mùa màng phải ra trình diện. Nghe được những cáo thị đó, một luật sư trẻ tên là Barthélemy de Chasseneuz đã xung phong bào chữa cho lũ chuột. Vai trò của anh ta được tòa án Công giáo chấp nhận.
Nhưng khi phiên tòa diễn ra, đã chẳng có con chuột nào đến. Thẩm phán vẫn quyết định sẽ xử chúng vắng mặt. Ông ấy đã hỏi Chasseneuz: “Tại sao thân chủ của anh không đến?”.
Chasseneuz đáp rằng những con chuột của ông đã không nhận được cáo thị, vì chúng chỉ được dán ở những địa điểm mà con người nhìn thấy. Lý do này được tòa án chấp nhận và thẩm phán yêu cầu trong vòng một vài tuần lễ sau đó, các giáo dân phải đi khắp các cánh đồng, hét lên để thông báo cho lũ chuột ở Autun đến hầu tòa.
Họ cũng phải thì thầm vào những ngóc ngách ẩm thấp, nơi lũ chuột thường xuyên ẩn nấp. Trong mọi buổi giảng đạo ở nhà thờ, cha xứ cũng sẽ đọc một bản cáo thị yêu cầu lũ chuột phải tới tòa án.

Vài tuần lễ sau, phiên tòa được mở lại. Một lần nữa, tất nhiên, chẳng có con chuột nào đến. Luật sư Chasseneuz sau đó đã hỏi thẩm phán: “Liệu có bất công không khi từ chối quyền được giữ an toàn cho một bị cáo trên đường anh ấy đến phiên tòa xét xử chính mình?”.
Thẩm phán đồng ý rằng bị cáo có quyền được bảo đảm an toàn cho đến khi bị kết tội. Chasseneuz sau đó lập luận rằng các thân chủ chuột của ông không xuất hiện bởi ở Autun có quá nhiều mèo. Phiên tòa một lần nữa được hoãn lại để người dân đi nhốt mèo. Nhưng vào ngày nó được mở lại lần thứ ba, lũ chuột một lần nữa không đến.
Lần này, Chasseneuz đổ lỗi cho những người nông dân đang tức giận. Họ sẵn sàng giết bất cứ con chuột nào xuất hiện để trả thù cho kho lúa mạch của mình. Hơn nữa, vì những người nông dân thuộc về bên nguyên đơn, lũ chuột càng có lý do để không đến.
Cuối cùng, khi phiên tòa phải mở lại đến lần thứ tư, những người nông dân ở Autun đã hết kiên nhẫn. Họ bắt đầu tự hỏi: “Ai là người đã nghĩ ra ý tưởng ngớ ngẩn là xét xử chuột?”. Thẩm phán sau đó ra phán quyết cuối cùng là phiên tòa sẽ bị hoãn vĩnh viễn, lũ chuột không bị kết án, do đó không có tội.

Vụ án xét xử chuột ở Autun cho thấy các phiên tòa xét xử động vật ở Châu Âu thời Trung Cổ không chỉ là một sản phẩm của sự cuồng tín, trần tục và đôi khi có phần man rợ.
Việc những con chuột được phép có luật sư, được bảo vệ quyền sống, tham gia đầy đủ các quy trình tố tụng như con người, và thực tế đã thắng vụ kiện đã thể hiện chúng cũng nhận được sự tôn trọng.
Phiên tòa xét xử chuột ở Autun cuối cùng đã truyền cảm hứng cho một bộ phim nổi tiếng ở Mỹ năm 1993, The Hour of the Pig, trong đó một con lợn cũng bị truy tố và thoát án tử nhờ sự trợ giúp của một luật sư.
Những nhà hoạt động vì quyền động vật ngày nay cũng thường viện dẫn sự chiến thắng của những con chuột ở Autun là một phần lịch sử chiến thắng của họ. Thế còn về phần mình, phiên bào chữa thành công cho những con chuột ở Autun đã giúp tên tuổi của luật sư Chasseneuz lan rộng.
Ba năm sau vụ án, ông đã trở thành thành viên của hội đồng thành phố Dijon vào năm 1525 và là chủ tịch hội đồng thành phố Aix vào năm 1532. Hơn thế nữa, tên tuổi của Chasseneuz đã vĩnh viễn được nhắc lại, cho tới tận bây giờ, nhờ lòng nhân từ mà ông dành cho lũ chuột.
Nguồn tin: https://genk.vn/nam-1522-nguoi-ta-da-thuc-su-mo-mot-phien-toa-de-xet-xu-chuot-chung-bi-trieu-tap-ket-toi-nhung-mot-luat-su-da-cai-cho-lu-chuot-duoc-trang-an-20250423185121576.chn