Mừng tuổi, xin tiền bằng cách quét mã QR
“Năm nay có mốt in mã QR cho con làm cặp tóc, dán vào túi đeo hay sao ấy, sáng mùng 1 tôi đi từ tầng 5 khu chung cư xuống mà gặp đứa trẻ con nào cũng thấy được dán mã. Nhìn hình ảnh này tôi không thấy vui, chỉ thấy kỳ. Rồi trước Tết nữa, các nam thanh nữ tú đua nhau đăng mã QR trên facebook xin ông đi qua bà đi lại “bao nhiêu cũng lấy”. Đó là lý do tôi muốn tổ chức buổi trò chuyện “Trưng QR chờ lì xì, hay hay gì” để lắng nghe ý kiến của các bạn, mọi người nghĩ sao về cách “gợi ý” mừng tuổi này?”. Tiến sĩ xã hội học Trương Văn Hải giải thích về lý do mở talk “sớm nhất Vịnh Bắc Bộ”, trước cả khi các công sở trở lại làm việc.
Câu chuyện anh Hải đặt ra có lẽ “đụng chạm” nên số người đăng ký tham gia trực tuyến ở cả ba đầu cầu Bắc, Trung, Nam đều đông gấp đôi so với dự kiến. Buổi trò chuyện thay vì gói gọn trong 2 giờ như Ban tổ chức thông báo thì kéo dài đến hơn 3 tiếng đồng hồ, trong khi rất nhiều người vẫn còn “muốn nói tiếp”.
“Trong mắt tôi thì những hành động này rất giống mấy người đi bình luận vào các trang từ thiện hoặc bài viết của những người có lượt theo dõi cao, trình bày hoàn cảnh đáng thương, khổ sở hay bị mất ví mất tiền gì ấy, kèm theo số tài khoản, mã QR, xin mọi người chuyển khoản”, một tài khoản bình luận.
“Người ta quảng cáo đây là cách xin lì xì duyên dáng và hài hước, không đặt nặng giá trị vật chất, nhưng thật ra nó đã biến tướng rồi. Rất nhiều người trên trang cá nhân đã thẳng tay gắn thẻ, nhắc nhở những người mà họ cho là “mười mươi phải lì xì” khiến các khổ chủ rất khó xử. Rồi có bạn còn trưng ra cả sao kê ngân hàng ai mừng nhiều, ai mừng ít, ai chưa mừng… khiến câu chuyện bị đẩy đi rất xa cái sự duyên rồi”, nhà văn Nguyễn Thủy bày tỏ.
“Những người đăng QR đa số sẽ kèm theo câu nhắn “mọi người cho em xin lộc, tuỳ tâm ạ”, chính là ăn xin trong phòng máy lạnh chứ còn gì”, kỹ sư Nguyễn Tuấn, người thường được biết với vai trò Mạnh Thường Quân của nhiều tủ sách vùng cao, phản ứng gay gắt hơn.
Thực tế, sau khi việc thanh toán online được phổ cập, hành động in mã QR để “nhắc lì xì” đã được nhiều thanh niên và phụ huynh trẻ hưởng ứng. “Vui mà, được thì tốt không được cũng không mất gì”. Song số ý kiến phản đối cách làm này lại khá quyết liệt. Nhiều người chia sẻ các “kinh nghiệm đau thương” khi trông thấy trẻ con cứ “lủng lẳng cái mã QR trước ngực (hoặc trên đầu)”. Họ đánh giá “nó giống như một hành động vòi tiền trắng trợn” khiến người ngoài “nhìn mà cũng ngại giùm”.
Cũng nằm trong “hệ sinh thái tung QR mọi lúc mọi nơi”, một số người lên án luôn cả vụ mời cưới online trên trang cá nhân kèm mã chuyển tiền với câu: Biết nhiều người có việc bận không đến dự đám cưới em được nên em đăng số tài khoản lên đây để mọi người gửi quà; hoặc: mọi yêu thương từ xa không đến được xin gửi theo số tài khoản…
“Tôi thấy khó hiểu thật, vậy người ta ăn cỗ online hay gì. Người ta chỉ để mã QR khi bán hàng thôi chứ”. “Nếu muốn mừng cưới, thì thiếu gì cách, người ta có thể xin số tài khoản cô dâu chú rể từ bạn bè, người thân, hoặc gửi người mừng hộ, chứ đăng số tài khoản đòi mừng sát sạt như thế, không mấy người sẽ thấy thoải mái đâu”…
Là một người trực tiếp tham gia xu hướng “xin lì xì bằng mã QR”, chị Trương Minh Ngọc (TP Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Tôi thấy mọi người làm nên đu theo, thực tâm cũng nghĩ là vui thôi. Mà đúng là vui thật, tôi đăng cả tháng chả có ai chuyển đồng nào, đừng nói là trăm nghìn, một nghìn cũng không có. Khi cơn hăng hái qua đi, nhìn lại chính tôi cũng thấy cách này nhảm thật. Là tôi, tôi cũng không chuyển khoản ơi hời như vậy”.
Quay trở lại với việc in mã QR cho con đeo để đi chúc Tết, các ý kiến phản đối đa phần đến từ những người lớn tuổi. “Cứ thế này, bọn trẻ con sẽ không còn hiểu thế nào là tục lì xì mừng tuổi nữa”. “Tại sao một phong tục tốt đẹp lại trở thành thứ ép cho, ép tặng như vậy”. “Phụ huynh vô tư nhưng trong mắt nhiều người lại là vô duyên”. “Nhìn thế nào cũng giống một kiểu xin tiền thô thiển”. “Lì xì qua mã QR vào tài khoản của bố mẹ khác nào là cách đòi nợ lẫn nhau”…
“Nhiều người trẻ văn minh đã mất rất nhiều thời gian để lan tỏa phong trào lì xì bằng sách, bằng hạt giống thay vì lì xì cho trẻ bằng tiền, năm nay không hiểu sao lại có biến tướng xấu xí này. Tôi phản đối mọi hình thức mừng tuổi bằng tiền. Đừng để những hành động thực dụng của người lớn làm méo mó nhân sinh quan của trẻ con”, Tiến sĩ Trương Văn Hải chia sẻ.
Xu hướng thôi, xin đừng phán xét nặng nề!
Bên cạnh những ý kiến phản đối, nhiều người vẫn bảo vệ việc mừng tuổi, mừng cưới… bằng cách chuyển khoản.
“Nhanh, tiện, phù hợp xu hướng không dùng tiền mặt, nghĩ cho cùng là văn minh đấy chứ”, tiktoker Huy Quân nêu ý kiến. Anh này còn nói thêm: “Nghĩ thoang thoáng chút thôi vì hiện giờ nó chưa đến nỗi thành vấn nạn. Với lại, họ để vậy còn ai cho hay không thì là tùy chứ, họ có ép uổng đâu”.
Một số người đã tham gia trưng QR code xin lì xì đều khẳng định họ làm cho vui. Nhiều người khoe màn hình sao kê các chuyển khoản một, hai nghìn đồng kèm biểu cảm thích thú. Một số khác “nhắc nhẹ” những người phản đối đừng quá khắt khe khi đánh giá một xu hướng bởi nếu xu hướng này không phù hợp hoặc “lạc loài” nó sẽ tự biến mất. Trong khi nhiều người tham gia thì công khai bày tỏ: cách xin này dù sao cũng còn hay ở sự công khai, “hơn nhiều so với lừa ngầm, xin đểu”.
Một khách mời tự giới thiệu là “fan trung thành” của mã QR chia sẻ: “Mọi người chỉ nhắc đến những biến tướng mà quên mất ý định thú vị ban đầu của xu hướng này. Lì xì online tức là bạn có thể mừng tuổi bất kỳ số tiền nào, kể cả rất nhỏ, rất lẻ. Tôi lấy ví dụ, khi bạn muốn mừng tuổi người ta một con số đẹp, kiểu lộc phát (68.68) hoặc phát lộc (86.86), hoặc bày tỏ tình cảm kiểu thiên trường địa cửu (99.99), hay là mừng tuổi bằng đúng số tuổi của người ta… thì bạn làm thế nào bằng bao lì xì truyền thống? Chưa kể cách lì xì này xét theo khía cạnh tích cực còn có thể giúp tiết kiệm chi phí mua bao lì xì, hạn chế rác thải ra môi trường sau Tết…”.
Chuyện ủng hộ, phản đối các cách xin tiền online vẫn chưa có hồi kết và hiện nó đang trở thành câu chuyện tranh cãi trên nhiều diễn đàn sau Tết. Một số KOL (người có ảnh hưởng trên mạng xã hội) cũng đã đem đề tài này về thảo luận trên trang cá nhân của mình. Chủ tài khoản “Anh Ba Sài Gòn” sau khi nêu ý kiến phản đối tục xin lì xì online và nhận được hơn 3.000 lượt thích đã đưa ý kiến: “Đến một lứa tuổi nào đó anh chị em sẽ sợ cả việc nhận quà. Dù chỉ là món quà bé tí cũng sợ. Một đồng cũng là nợ. Mà mắc nợ rồi thì mệt lắm” thu hút sự chia sẻ của đông đảo cư dân mạng.
Trên thực tế, tín đồ của việc “xin tiền online” rất đông. Bằng chứng là việc xuất hiện liên tục của những cơ sở “chuyên in mã QR lên những đồ vật xinh xắn để mang theo người”. Dịch vụ dạng này ngày càng đa dạng và dễ tìm hơn. Với người lớn, mã QR được tư vấn in lên ốp điện thoại, móc đeo chìa khóa bằng mica. Còn các bé nhỏ, mã QR của phụ huynh có thể in trực tiếp lên kẹp tóc, dây đeo tay, cài áo…
Được biết, mỗi một mã QR được thiết kế và in trên chất liệu mica có giá dao động từ 30.000 đồng – 50.000 đồng/sản phẩm. Chủ một cơ sở in mã QR được quảng cáo mạnh trên sàn điện tử shopee khoe, chỉ riêng trong đợt Tết Giáp Thìn vừa rồi, cơ sở của anh nhận in gần 10 ngàn sản phẩm “QR dính theo người”. Người này cũng dự đoán, những năm sau tình hình làm ăn có thể còn khởi sắc hơn.
Nguồn tin: https://genk.vn/an-xin-online-2024021917322103.chn