Khi còn là sinh viên trường Trung cấp Quân y, Trang mơ hồ về hình ảnh nữ điều dưỡng mà mình sẽ trở thành. Khoảng thời gian thực tập tại các bệnh viện, có cơ hội tiếp xúc với nhiều người, đặc biệt là bệnh nhân, cô mới hiểu được ý nghĩa của ngành mình học.
Có lẽ sinh ra trong một gia đình có cả bố và mẹ đều là bác sĩ nên từ nhỏ Trang không sợ máu, không sợ kim tiêm và cũng không sợ bệnh viện.
Vậy mà, lần đầu tiên cầm kim tiêm để tiêm cho ai đó, cô lại run đến vậy. Cô run không phải vì sợ mình không làm được mà cô sợ mũi kim nhọn kia đi vào thân thể bệnh nhân sẽ khiến họ nhói buốt.
Những lần như vậy, Trang lại nhẩm thầm trong đầu “Cố gắng lên!”. Mẹ chính là người thường xuyên đóng vai bệnh nhân để giúp cô vượt qua nỗi xót xa người bệnh.
Lần đầu tiên tiêm cho người khác, trước sự chần chừ của con gái, chính mẹ đã đẩy tay cô khiến mũi kim đâm vào chỗ đã được bôi cồn.
Nhờ có mẹ, Trang hiểu, những tích tắc nhói đau do mũi kim đâm vào chính là một cách để mình giúp người bệnh nhanh bình phục.
Dần dần, Trang đã mạnh dạn hơn trong các lần tiêm cho người bệnh. Thậm chí, khi thực hành học phần đông y, cô còn tự tay châm cứu cho mình.
Hơn 2 năm công tác tại Bệnh viện TƯQĐ 108 là chừng ấy thời gian Trang xa nhà. Cô vẫn còn nhớ quyết tâm của mình khi tạm biệt bố mẹ, không ngừng cố gắng và luôn cầu thị.
Khoa Hồi sức Tích cực là nơi Trang bắt đầu cái duyên với Bệnh viện TƯQĐ 108. Lần đầu tiên trong đời, cô được trải nghiệm công việc làm vệ sinh cá nhân cho người bệnh.
Nếu là một người bình thường, chăm sóc cho người khác, đặc biệt là dọn vệ sinh cho người lạ sẽ cảm thấy sợ hãi nhưng với cô, là một điều dưỡng, nhìn thấy người bệnh phải nằm một chỗ, phải thở máy, phải chịu đựng nỗi đau thể xác tưởng chừng như không thể, cô chỉ thấy thương họ.
Từ sự đồng cảm đó, Trang lao vào dọn dẹp, lau chùi… đảm bảo những điều tốt nhất cho người bệnh. Khi nhìn lại, chính cô cũng không hiểu sao cô lại có thể làm một cách chẳng nề hà gì như vậy.
5 tháng làm việc tại nơi đa số người bệnh cận kề với cái chết, Trang từng chứng kiến sự ra đi của không ít người.
Đó là ca bệnh cô trực tiếp chăm sóc được vài ngày thì người bệnh qua đời. Cái chết của bệnh nhân này lúc 4 giờ sáng giúp Trang hiểu sự sống thật mong manh.
Đến bây giờ, khi không còn là điều dưỡng tại Khoa Hồi sức Tích cực, thi thoảng trong giấc ngủ, Trang vẫn nghe đâu đó có tiếng máy thở kêu liên tục, vẫn hiện lên các thao tác theo dõi dấu hiệu sinh tồn của người bệnh…
Trang được luân chuyển tới Viện lâm sàng các bệnh truyền nhiễm rồi dừng chân tại Khoa Ngoại Tiết Niệu.
Trang lấy sự đồng cảm và chia sẻ với người bệnh là kim chỉ nam cho công việc điều dưỡng tại 3 chuyên khoa cô đã đi qua. Mỗi khi nhìn thấy bệnh nhân, câu hỏi mình cần phải làm gì để giúp được họ đã trở thành phản xạ của nữ điều dưỡng trẻ.
– Cháu chào bác ạ. Cháu là Trang ban công tác xã hội của bệnh viện. Cháu có thể giúp gì cho bác ạ?
– Tôi đến bệnh viện để thăm người nhà đang điều trị ở đây. Tôi muốn hỏi cô về quy định vào thăm bệnh nhân. Tại sao lại phải quy định giờ thăm và chúng tôi có 1 đoàn 5 người đến thăm tại sao không được vào thăm 1 lúc cả 5 người luôn?
– Vâng ạ. Cháu xin được giải thích với bác và người nhà mình về quy định vào thăm bệnh nhân của bệnh viện. Giờ thăm bệnh là giờ ngoài giờ hành chính, khi bệnh nhân đã được thực hiện các y lệnh thuốc và điều trị của bác sĩ, và được làm các thủ thuật cần thiết. Lúc này, bệnh nhân đang được nghỉ ngơi và thư giãn thì người nhà mới có thể vào thăm…
Hơn một tháng nay, thời gian biểu của Trang có nhiều sự thay đổi. Trong lịch để bàn, cô đã thôi khoanh tròn vào những buổi trực cách nhau 3 ngày. Thay vào đó, cô bắt đầu ca làm việc của mình lúc 14 giờ và kết thúc vào lúc 21 giờ 30 phút. Bàn giao xong công việc, trở về nhà cũng đã gần 23 giờ.
Người bệnh sẽ nhìn thấy một Trang rất khác trong bộ đồng phục đón tiếp của Ban Công tác Xã hội thuộc Phòng Chính trị, Bệnh viện TƯQĐ 108.
Trang không còn khoác lên mình bộ đồng phục điều dưỡng suốt hơn 2 năm cô gắn bó. Cô vẫn gặp người bệnh hằng ngày, chỉ là trong một vị trí mới với vai trò khác.
Cô hướng dẫn tận tình, giải đáp tỉ mỉ mọi thắc mắc của bệnh nhân cũng người người nhà của họ khi đến đây.
Trang hiểu hơn về các chế độ bệnh nhân được hưởng, quy trình làm việc tại bệnh viện, thông tin về các gói dịch vụ, giờ được vào thăm người bệnh… Những thắc mắc của người bệnh, người nhà liên tục được chuyển tới, cô kiên nhẫn và ôn tồn giải đáp để họ hiểu.
Công việc mới cuốn Trang đi. Một vài phút giây ngắn ngủi, cô nhớ những mũi tiêm, truyền đưa vào cơ thể người bệnh, nhớ công việc chăm sóc họ hằng ngày… nhưng không nhiều. Nỗi nhớ đó chỉ như một sự thúc đẩy, giúp cô thêm vững vàng tiến về phía trước.
Làm công việc này, Trang tiếp xúc nhiều hơn với bệnh nhân và người nhà của họ và phải nói gần như suốt ca làm.
Cùng là công việc gắn bó với người bệnh và người nhà nhưng lại phần nào có sự đối lập. Một không gian yên tĩnh của phòng bệnh được thay thế bằng tiếng huyên náo không ngừng ở nơi đón tiếp tấp nập người qua lại.
Với Trang, càng có nhiều trải nghiệm trong công việc càng tốt.
Còn nhớ, trước đó khi còn làm việc tại Khoa Ngoại Tiết niệu, Bệnh viện Trung Ương Quân đội (TƯQĐ) 108, điều dưỡng Bùi Quỳnh Trang cùng nhiều y bác sĩ khác nhận nhiệm vụ đặc biệt: Chăm sóc cho bệnh nhân sau khi ghép thận.
Đây là ca ghép thận nằm trong khuôn khổ đề tài độc lập cấp Nhà nước và đề án thành lập Trung tâm Khoa học Công nghệ tăng cường nghiên cứu và phát triển kỹ thuật ghép mô ở cơ thể người của Bệnh viện TƯQĐ 108.
Được cấp trên giao nhiệm vụ, Trang lo lắng: “Không biết bệnh nhân sau khi được ghép thận thì sẽ thế nào? Với kinh nghiệm ít ỏi tích luỹ được, mình có thể giúp gì cho họ?”… Những suy nghĩ đó dẫn dắt nữ điều dưỡng 22 tuổi đến tinh thần quyết tâm cao độ: “Cố gắng hết sức để hoàn thành tốt nhiệm vụ được cấp trên tin tưởng”.
Ca phẫu thuật ghép thận được thực hiện vào ngày 24/12/2016. Đây có lẽ là dịp Giáng sinh Trang nhớ nhất trong cuộc đời mình.
Ngay sau khi được ghép thận là thời kỳ nhạy cảm về tiên lượng cho cả bệnh nhân và thận ghép. Vì vậy, Trang cũng như các y bác sĩ có nhiệm vụ luôn phải cẩn trọng trong từng việc mình làm cho người được ghép thận.
Công việc chăm sóc bệnh nhân ghép thận sau mổ được chia làm 3 kíp, mỗi kíp gồm 1 bác sĩ và 3 điều dưỡng, bên cạnh bệnh nhân 24/24 không rời 1 phút nào.
Thuốc của bệnh nhân phải được duy trì đúng liều lượng và thời gian nghiêm ngặt, theo dõi sát các chỉ số sinh tồn, các chỉ số trong máu và nước tiểu của bệnh nhân và đảm bảo chế độ dinh dưỡng theo khẩu phần ăn trong ngày. Bất cứ lúc nào, y bác sĩ cũng sẵn sàng để xử trí ngay lập tức các bất thường của bệnh nhân.
Công việc chăm sóc bệnh nhân ghép tạng đòi hỏi nhân viên y tế phải tuyệt đối tuân thủ các nguyên tắc về kiểm soát nhiễm khuẩn, các y lệnh điều trị và bám sát theo dõi các chỉ số sinh tồn, các chỉ số cần thiết 24/24 để nắm chắc được tình hình tiến triển của bệnh nhân.
Trong thời gian bệnh nhân nằm trong phòng cách ly, Trang cùng các điều dưỡng khác là người đáp ứng tất cả mọi vấn đề, nhu cầu của bệnh nhân từ ăn uống, đi lại tập luyện, vệ sinh và trò chuyện, động viên khích lệ người bệnh.
Chăm sóc bệnh nhân sau ca ghép trong một phòng vô trùng, khoác lên mình bộ đồ màu xanh của phòng phẫu thuật, một cảm giác thật lạ cứ len lỏi trong từng tế bào cơ thể Trang.
Cô chứng kiến người bệnh đã mất đi cả 2 quả thận, phải lọc máu định kỳ để rồi, 3 ngày sau ca mổ, khoảnh khắc bệnh nhân chệnh choạng tỉnh dậy, cô vỡ oà hạnh phúc, thầm hét lên “Ca phẫu thuật thành công rồi!”
Cuối năm 2017, cái tên Bùi Quỳnh Trang – Điều dưỡng viên, Khoa Ngoại Tiết niệu được xướng lên trong buổi trao tặng Giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong triển khai và tổ chức thực hiện Dự án khoa học Phát triển kỹ thuật ghép mô, bộ phận cơ thể người tại Bệnh viện TƯQĐ 108.
Trang vẫn nhớ như in cảm giác tim đập nhanh hơn một nhịp khi đứng trên sân khấu nhận giấy khen cùng với các y bác sĩ khác. Cô tự hào vì là một trong những người tham gia ca ghép tạng đầu tiên của Bệnh viện TƯQĐ 108. Và đây là ca ghép tạo tiền đề cho thành lập Trung tâm ghép tạng của bệnh viện.
Rời xa bộ đồng phục của bệnh viện, Trang đến với các em nhỏ trong Câu lạc bộ “Ước mơ xanh” vào những cuối tuần không tham gia tình nguyện cùng hội từ thiện Hạnh phúc là sẻ chia – nơi cô là trợ lý.
Trang lập kế hoạch, lên giáo án với mục tiêu “Giáo dục nhân cách bằng những việc làm tử tế”. Những cuộc gặp gỡ, ríu rít với các bạn nhỏ cuối tuần với các bài học bé xinh về thế giới xung quanh mang đến các em học sinh những việc làm ý nghĩa, nhân văn và bổ ích.
Lần đầu tiên Trang tham gia tình nguyện là theo chương trình khám bệnh và cấp thuốc miễn phí của Bệnh viện TƯQĐ 108 tại Hà Giang vào cuối năm 2016. Cái duyên với công việc tình nguyện của cô cứ thế lớn dần. Mới đây nhất, cô lên chuyến xe tình nguyện tới xã Nghiên Loan, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn, cùng với đoàn giúp người dân nơi đây khắc phục hậu quả do trận mưa đá gây ra.
Đứng trong căn nhà có mái tôn bị thủng lỗ chỗ, nắng xuyên qua như hứng chiếc rổ dưới mặt trời, gom đống đá to đường kính từ 2-3 cm vào hai lòng bàn tay, Trang xót xa trước sự tàn phá của thiên nhiên, nghẹn ngào trước sự mất mát, thiệt hại mà nơi đây phải hứng chịu.
Công việc của một tình nguyện viên đã làm thay đổi suy nghĩ của Trang. Cô trở nên trách nhiệm và biết sẻ chia với những người xung quanh hơn.
Trong suốt 2 năm tham gia từ thiện, Trang đã tổ chức và thực hiện rất nhiều hoạt động hỗ trợ vùng cao như: Xây nhà tình nghĩa, tặng vật nuôi, kéo đường điện, hỗ trợ bà con vùng thiên tai… đặc biệt là các hoạt động giúp đỡ và chăm sóc bệnh nhân đang gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Dù là một điều dưỡng, một nhân viên đón tiếp bệnh nhân và người nhà nơi bệnh viện hay một thiện nguyện viên, Trang đều sống hết mình trong từng khoảnh khắc. Như tinh thần cô đang mang:
“Tôi là Bùi Quỳnh Trang. 24 tuổi. Kiên định với giá trị mình lựa chọn”.