Dự án công trình đường bộ Vành đai 4 TP.HCM có chiều dài 207 km đi qua các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (dài 18,7 km), Đồng Nai (45,6 km), Bình Dương (47,45 km), TP.HCM (17,3 km) và Long An (dài nhất với 78,3 km) với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 136.000 tỷ đồng (đã điều chỉnh).
Đầu tháng 9 vừa qua, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, các đơn vị liên quan xem xét kiến nghị của Ủy ban nhân dân TP.HCM về dự án đường Vành đai 4 TP.HCM (báo cáo nghiên cứu tiền khả thi), và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/9.
Để kịp trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án , Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và lãnh đạo Ủy ban nhân dân TP.HCM khẩn trương hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV vào tháng 10 sắp tới. Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chịu trách nhiệm gửi văn bản đến Tổng thư ký Quốc hội đăng ký nội dung trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án tại kỳ họp này.
Cuối tháng 8/2024, Ủy ban nhân dân TP.HCM đã thành lập tổ công tác chuẩn bị, tham mưu, trình chủ trương đầu tư dự án, đồng thời đề nghị ủy ban nhân dân các tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu tập trung cao độ, khẩn trương phối hợp với thành phố hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án tổng thể, trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Sau đó, Ủy ban nhân dân TP.HCM đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án tổng thể đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 TP.HCM.
TP.HCM cho biết, khái toán tổng mức đầu tư của dự án khoảng 136.590 tỷ đồng. Dự kiến vốn ngân sách Trung ương khoảng 42.554 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương khoảng 33.584 tỷ đồng, cùng vốn nhà đầu tư trên 60.000 tỷ đồng. Kế hoạch phân bổ vốn ngân sách dự kiến giai đoạn 2021 – 2025 khoảng 16.025 tỷ và giai đoạn 2026 – 2030 cần khoảng 59.581 tỷ đồng. Trong các địa phương dự án đi qua, đoạn qua địa phận tỉnh Long An có mức đầu tư lớn nhất, với khoảng 69.300 tỷ đồng; Đồng Nai hơn 23.600 tỷ đồng; Bình Dương hơn 20.400 tỷ đồng; TP.HCM khoảng 14.540 tỷ đồng và Bà Rịa – Vũng Tàu hơn 8.570 tỷ đồng.
Dự án được chia thành 2 nhóm dự án thành phần. Nhóm thành phần 1 về bồi thường giải phóng mặt bằng và xây dựng đường gom dân sinh có 6 dự án thành phần, riêng tại TP.HCM có 2 dự án thành phần. Nhóm dự án thành phần 2 xây dựng đường cao tốc có 5 dự án thành phần tại các địa phương dự án.
Lãnh đạo Ủy ban nhân dân TP.HCM cũng cho biết, trong giai đoạn 1 sẽ giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch, đồng thời xây dựng 4 làn cao tốc hoàn chỉnh và làn dừng khẩn cấp. Các tuyến đường song hành và đường dân sinh sẽ được đầu tư tùy theo nhu cầu giao thông tại từng khu vực.
Dự án đường Vành đai 4 TP.HCM được đầu tư xây dựng theo phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT. Cơ cấu nguồn vốn như sau: Vốn ngân sách trung ương 42.554 tỷ đồng, ngân sách địa phương hơn 33.584 tỷ đồng, vốn huy động từ các nhà đầu tư khoảng 60.000 tỷ đồng.
Thủ tướng Chính phủ, ngày 01/9/2021 đã ban hành Quyết định số 1454/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050. Theo quyết định này, hệ thống đường vành đai đô thị TP.HCM có tổng chiều dài 291 km; trong đó, đường Vành đai 3 dài 92 km và đường Vành đai 4 dài 199 km, quy mô đầu tư 8 làn xe.
Theo tính toán sơ bộ lúc đầu, tổng mức đầu tư khoảng 105,964 tỷ đồng; trong đó chi phí xây dựng 33.095 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng 47.258 tỷ đồng, các chi phí quản lý dự án và tư vấn khoảng 25.611 tỷ đồng. Cơ cấu vốn và phương thức đầu tư: Chủ trương chung 50/50, gồm vốn ngân sách (trung ương và địa phương) chiếm 50%, vốn huy động PPP 50%.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/trinh-quoc-hoi-thong-qua-du-an-duong-vanh-dai-4-tp-hcm-trong-ky-hop-thang-10.htm