Các định hướng này đặt cho TP.HCM một vị trí rất quan trọng không chỉ của vùng Đông Nam Bộ, vùng TP.HCM mà còn của cả nước.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho rằng điều chỉnh quy hoạch là cơ hội, sức mạnh để kiến tạo các nền tảng phát triển của TP.HCM. Trong góp ý của Bộ Xây dựng về quy hoạch chung của TP.HCM cũng nêu rõ thành phố chưa nghiên cứu các nội dung như thiết kế đô thị, quy hoạch không gian ngầm, ứng phó với biến đổi khí hậu và những vấn đề lớn khác.
Theo đó, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện theo Luật Quy hoạch đô thị, TP.HCM đã triển khai lập “Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060”, nhằm điều chỉnh tổng thể đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2025 (được phê duyệt năm 2010).
MÔ HÌNH ĐÔ THỊ ĐA TRUNG TÂM
Đồ án Quy hoạch chung Xây dựng TP.HCM đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2010 (đang được TP.HCM thực hiện) xác định 2 hướng phát triển đô thị chính của thành phố là: Đông (TP. Thủ Đức) và Nam (các quận: 4, 7, 8, huyện Nhà Bè và huyện Cần Giờ), hai hướng phụ là Bắc – Tây Bắc (quận 12, huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi) và Tây – Tây Nam (huyện Bình Chánh).
Không gian phát triển đô thị của TP.HCM ngoài khu đô thị trung tâm là khu vực nội thành hiện hữu (quận 1, 3, 4 và Bình Thạnh) và khu đô thị mới Thủ Thiêm, thành phố sẽ phát triển các phân khu chức năng đặt trọng tâm là TP. Thủ Đức (theo mô hình đô thị sáng tạo tương tác cao), Khu đô thị – cảng Hiệp Phước, Khu đô thị Tây Bắc, Khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa, Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ.
Theo đề xuất của liên danh tư vấn tại hội nghị “Báo cáo đầu kỳ về điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060” (tháng 9/2023), định hướng phát triển không gian tổng thể TP.HCM theo 3 phân vùng, gồm: Vùng trung tâm đô thị lịch sử; Vùng trung tâm đô thị mở rộng và Các thành phố trong thành phố.
Theo đó, Vùng trung tâm đô thị lịch sử với tính chất chính là hành chính, thương mại, dịch vụ, kinh tế tri thức, đô thị sáng tạo… Vùng này bao gồm khu đô thị hành chính Sài Gòn và phụ cận các quận: 1, 3, 4, 10; khu Chợ Lớn và phụ cận các quận 5, 6, 11; đô thị sân bay các quận Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú; đô thị ven sông 2 quận Bình Thạnh, Gò Vấp, một phần quận 12 và vùng đô thị công nghiệp là một phần quận Bình Tân.
Vùng trung tâm đô thị mở rộng có tính chất chính là dịch vụ thương mại, công nghệ và dịch vụ chăm sóc sức khỏe, trung tâm y sinh hóa dược, giáo dục đào tạo, công nghiệp… Vùng này bao gồm một phần ngoài quốc lộ (vành đai 2) của quận 12 và quận Bình Tân; khu vực huyện Hóc Môn, phía bắc huyện Bình Chánh.
Các thành phố trong thành phố, ngoài TP. Thủ Đức đã hình thành, sẽ có thêm 3 thành phố, gồm: Nam Sài Gòn, Củ Chi và Cần Giờ. Cụ thể, TP. Nam Sài Gòn sẽ là đô thị công nghệ và sinh thái nước, trọng tâm là đô thị sáng tạo, kinh tế tri thức, công nghiệp văn hóa nghệ thuật, triển lãm, hội chợ, giải trí. TP. Cần Giờ sẽ là thành phố du lịch sinh thái, trung tâm kinh tế biển. TP. Củ Chi là đô thị dịch vụ sinh thái môi trường và nông nghiệp, sản xuất công nghiệp hỗ trợ và đào tạo công nghệ phục vụ nông nghiệp và công nghệ sinh thái môi trường.
Tại kỳ báo cáo lần 3 (ngày 28/12/2023), đề án cũng hướng đến việc TP.HCM sẽ phát triển theo hướng đô thị đa trung tâm, gồm: trung tâm chính là vùng Sài Gòn – Chợ Lớn; TP. Thủ Đức với khu Trường Thọ – Rạch Chiếc; TP phía Nam với trung tâm Phú Mỹ Hưng mở rộng về phía Nam; TP phía Tây với trung tâm là khu vực Tân Kiên (huyện Bình Chánh); TP phía Bắc với trung tâm là khu vực giao giữa vành đai 3 và Quốc lộ 22 đến đường cao tốc Mộc Bài – TP.HCM.
BĂN KHOĂN HƯỚNG PHÁT TRIỂN CHÍNH
Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM cũng xác định quy hoạch TP.HCM trong tương lai phải tránh được nguy cơ nước biển dâng. Vì thành phố đã được xác định là một trong 10 thành phố có khả năng chịu tác động nặng nề nhất và đứng hàng thứ 5 về số dân sẽ có thể phải chịu tác động vào năm 2070. Ngay như hiện nay, một phần đáng kể của thành phố thường xuyên ngập lụt do sự kết hợp của cả thủy triều, sóng lớn khi bão, mưa bão, lũ lụt và các công trình nhân tạo.
Để thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, nhiều chuyên gia khi góp ý cho việc điều chỉnh đồ án quy hoạch, đề xuất TP.HCM nên xác định lại hướng phát triển không gian đô thị chính là Đông và Bắc – Tây Bắc. Lý do là hướng Nam của TP.HCM nằm trong khu vực thấp trũng, gần biển là hướng thoát nước chính của thành phố, nền địa chất yếu nên chỉ phát triển đô thị một cách có chọn lọc. Cùng với hướng Tây – Tây Nam, hướng Nam nên là hướng phát triển phụ.
Nên xác định hướng Tây – Tây Bắc là phát triển đô thị chính của TP.HCM trong thời gian tới. Hướng phát triển này cùng với hướng Đông – TP. Thủ Đức sẽ trở thành hai khu vực phát triển đô thị mạnh mẽ của thành phố. Đây cũng là đề xuất của nhiều doanh nghiệp trong Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA).
Bên cạnh đó, việc phát triển đô thị ở khu vực Tây Bắc đã được xác định trong Đồ án quy hoạch chung xây dựng TP.HCM mà hiện thành phố đang thực hiện dưới tên gọi đô thị vệ tinh Tây Bắc. Đô thị này có diện tích quy hoạch 6.000 ha bao trùm 2 huyện Hóc Môn và Củ Chi. Khu vực Tây Bắc hiện là một trong những khu vực có quy mô rộng lớn bậc nhất thành phố.
Khu vực này kết nối với trung tâm hiện hữu qua hệ thống giao thông như sau: đô thị đường ven sông Sài Gòn (từ cầu Sài Gòn đến Bến Súc, huyện Củ Chi), kết nối vào quốc lộ (QL) 22, cao tốc TP.HCM – Mộc Bài, QL 13, tỉnh lộ 8.
Qua cao tốc TP.HCM – Mộc Bài và một số đường liên tỉnh khác, thành phố Tây Bắc sẽ kết nối với huyện Trảng Bàng (Tây Ninh), huyện Bến Cát (Bình Dương), huyện Đức Hòa (Long An). Như vậy, khu vực Tây Bắc có nhiều tiềm năng sẽ là trung tâm nối kết của vùng phía Tây.
UBND huyện Củ Chi cũng đã đề nghị UBND TP.HCM có chủ trương xây dựng thành phố Củ Chi, phát triển Củ Chi theo hướng đô thị vệ tinh của TP.HCM trên cơ sở liên kết 3 quận, huyện (huyện Củ Chi, Hóc Môn và quận 12). Việc trở thành “thành phố” sẽ là cơ sở để xử lý các vấn đề kìm hãm sự phát triển của huyện, cũng như của khu vực lâu nay.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Đoàn Chính Thanh, Tổng giám đốc Công ty địa ốc Hoàng Anh Sài Gòn, nhìn nhận rằng đô thị Tây Bắc là ý tưởng rất tốt cho sự phát triển của TP.HCM. Nhìn thành phố theo 4 hướng: Đông và Bắc có TP. Thủ Đức, phía Nam đã có khu đô thị Phú Mỹ Hưng; riêng phía Tây Bắc phát triển rất trì trệ so với các khu vực khác. “Như vậy, muốn phát triển cho cân bằng, góp phần giãn dân, TP.HCM nên định hướng phát triển mạnh mẽ cho khu vực này”, ông Đoàn Chính Thanh khuyến nghị.
Đặc biệt, cao tốc TP.HCM – Mộc Bài nối liền với Campuchia sẽ mở rộng điều kiện phát triển kinh tế cho khu vực; thêm tuyến đường chạy dọc sông Sài Gòn sẽ giúp cả khu vực này giao thương thuận lợi. “TP.HCM là siêu đô thị hơn 10 triệu dân nhưng cho đến nay một khu giải trí đúng nghĩa chưa có. Khu phía Đông không còn quỹ đất rộng, còn Cần Giờ là khu dự trữ sinh quyển không thể động vào. Do đó, nhờ quỹ đất rộng, khu vực Tây Bắc có thể quy hoạch với hạt nhân phát triển thiên về văn hóa, giải trí như phim trường, khai thác địa đạo Củ Chi làm khu du lịch văn hóa, phát triển du lịch xanh…”, ông Đoàn Chí Thanh đề xuất.
Còn theo ông Khương Văn Mười, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM, nếu Củ Chi trở thành thành phố thì đây là một cơ hội. Vì vùng này chưa khai thác hết tiềm năng khi có liên kết các trục đường với các địa phương, quốc gia khác, nhưng hiện năng lực khai thác có giới hạn, phát triển chậm làm mất cơ hội phát triển khu đô thị Tây Bắc.
Ông Dư Phước Tân, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, đề xuất huyện Bình Chánh là thành phố, Hóc Môn chuyển thành vùng trung tâm đô thị, Nam Sài Gòn chuyển thành vùng trung tâm đô thị, vì trong đề án chuyển đổi thành quận, huyện lên thành phố thì năm 2025 huyện Bình Chánh sẽ lên thành phố. Vì vậy, huyện Bình Chánh cần nhanh chóng lên thành phố để liền mạch với trung tâm, nối kết với tỉnh Long An và các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Lãnh đạo thành phố cho rằng quy hoạch chung cần làm rõ tính hệ thống, đồng bộ giữa các quy hoạch, tính động, mở trong liên kết vùng, có tính khả thi trong triển khai.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/tp-hcm-dinh-huong-phat-trien-do-thi.htm