Mục tiêu điều chỉnh Quy hoạch nhằm phát triển Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô thành khu vực kinh tế năng động, hoàn chỉnh về cơ cấu và chức năng; có khả năng cạnh tranh cao trong thu hút công nghiệp, công nghệ, du lịch và dịch vụ cũng như phát triển đô thị; Tạo lập môi trường đầu tư hấp dẫn, có khả năng tiếp cận nhanh về hàng hóa và dịch vụ với vùng và quốc tế với nguồn nhân lực được đào tạo có chất lượng cao và nền kinh tế chuyển dịch theo hướng hiện đại.
Đồng thời, xây dựng Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô thành khu kinh tế có hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại; không gian kiến trúc cảnh quan, đô thị văn minh, tiên tiến, môi trường bền vững và sử dụng đất đai hiệu quả; làm cơ sở để triển khai các quy hoạch, dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn.
Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô hướng đến xây dựng Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, là đầu mối giao thông quốc gia và quốc tế, cửa ngõ ra biển quan trọng, cung cấp các dịch vụ cảng nước sâu và điều phối hàng hóa trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và hành lang Đông – Tây; là một trong những trung tâm giao thương lớn và hiện đại, trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng tổng hợp mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước; là khu vực được ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp sạch và công nghiệp kỹ thuật cao, hiện đại, có khả năng cạnh tranh cao trong khu vực…
Mục tiêu và tính chất lập đồ án điều chỉnh quy hoạch tuân thủ theo Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 418/QĐ-TTg ngày 20/4/2023; cơ bản kế thừa các mục tiêu, tính chất theo đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1771/QĐ-TTg ngày 5/12/2008.
Theo đánh giá của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, trải qua hơn 15 năm thành lập và đi vào hoạt động, diện mạo vùng Chân Mây – Lăng Cô đã có những thay đổi đáng kể, phát triển đúng như định hướng, thực sự trở thành vùng động lực phát triển của tỉnh và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; hình ảnh và thương hiệu của Khu kinh tế ngày càng thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện theo đồ án quy hoạch chung hiện hành, địa phương này nhận thấy có một số hạn chế, bất cập nảy sinh so với thực tiễn, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan. Tình hình thu hút đầu tư và phát triển các dự án sản xuất kinh doanh chưa đạt mục tiêu dự kiến, giá trị sản xuất công nghiệp còn thấp, kết quả giải quyết việc làm cho người lao động chưa nhiều, bộ mặt đô thị chưa được phát triển…
Bên cạnh đó, hiện nay, các quy hoạch phát triển ngành toàn quốc đã được phê duyệt và Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, có nhiều định hướng mới cho việc phát triển của Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô. Vì vậy, điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô là cần thiết, nhằm đáp ứng với tình hình thực tế và nhu cầu thu hút đầu tư của địa phương.
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng cho biết, tại hội nghị thẩm định, Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô đến năm 2045, Bộ Xây dựng đánh giá cao các nội dung mà tỉnh đã chuẩn bị. Đồ án bám sát nội dung, tuân thủ theo Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Song Bộ đề nghị tỉnh tiếp tục hoàn thiện các ý kiến góp ý của thành viên Hội đồng thẩm định quy hoạch. Trong đó, lưu ý việc cập nhật ranh giới đồ án quy hoạch, theo nhiệm vụ phê duyệt quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đất lúa; phương án phát triển đô thị của quy hoạch Chân Mây trong tương lai phải đảm bảo thống nhất với những đồ án quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/tham-dinh-do-an-dieu-chinh-quy-hoach-chung-khu-kinh-te-chan-may-lang-co.htm