Bộ trưởng Bộ Xây dựng vừa Ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 138/NQ-CP của Chính phủ về phát triển kinh tế tư nhân. Kế hoạch đã đề ra ba nhiệm vụ trọng tâm cho các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ xây dựng, nhằm hoàn thành các mục tiêu trong Nghị quyết của Bộ Chính trị, của Chính phủ, đưa kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia.
Nhiệm vụ thứ nhất là: đổi mới tư duy, thống nhất cao về nhận thức và hành động, khơi dậy niềm tin, khát vọng dân tộc, tạo xung lực mới, khí thế mới để phát triển kinh tế tư nhân, thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nhân tham gia phát triển đất nước.
Để thực hiện nhiệm vụ này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ nâng cao nhận thức cho công chức, viên chức, người lao động; Huy động, khuyến khích doanh nhân thành đạt tham gia hoạt động chia sẻ kinh nghiệm, truyền cảm hứng, khuyến khích, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp; Kiến nghị xử lý hoặc xử lý theo thẩm quyền doanh nhân, doanh nghiệp vi phạm đạo đức, văn hóa kinh doanh…
Nhiệm vụ thứ hai là: đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, chính sách để phát triển kinh tế tư nhân.
Với nhiệm vụ này, Bộ Xây dựng đưa ra hàng loạt giải pháp cụ thể, bao gồm: Rà soát, hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, chính sách trong công tác quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng; Quán triệt toàn thể công chức, viên chức, người lao động đổi mới mạnh mẽ tư duy hành chính từ kiểm soát sang đồng hành, coi doanh nghiệp là đối tượng “phục vụ” thay vì đối tượng “quản lý”, đảm bảo nguyên tắc “nói đi đôi với làm”, “thống nhất trong toàn hệ thống chính trị”; nghiêm cấm lạm dụng quyết định hành chính, cơ chế “xin – cho”; thống nhất trong thực thi chính sách giữa trung ương và địa phương, giữa các Bộ ngành.

Đồng thời, rà soát, đề xuất sửa đổi Luật và các văn bản quy định chi tiết nhằm thu hút, khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực được giao quản lý.
Trong đó, với lĩnh vực đường sắt, sẽ xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật Đường sắt số 95/2025/QH15 ngày 27/6/2025, sửa đổi Nghị định quy định việc giao nhiệm vụ, đặt hàng và tiêu chí lựa chọn tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam chứng nhận sang thực hiện công bố và hậu kiểm, trừ một số lĩnh vực bắt buộc phải thực hiện thủ tục cấp pháp theo quy định và thông lệ quốc tế.
Với lĩnh vực hàng không, sẽ xây dựng Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (thay thế), các văn bản hướng dẫn.
Với lĩnh vực hàng hải và đường thủy, sửa đổi Bộ luật Hàng hải Việt Nam, Luật Giao thông đường thủy nội địa năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2014), các văn bản hướng dẫn.
Với lĩnh vực đường bộ, sẽ sửa đổi Luật Đường bộ, các văn bản hướng dẫn.
Với lĩnh vực quản lý nhà và thị trường bất động sản, sẽ thực hiện rà soát, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các văn bản quy định chi tiết.
Ngoài ra, tại Kế hoạch, lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng yêu cầu rà soát, phân loại đối tượng kiểm tra; chấm dứt tình trạng kiểm tra chồng chéo, trùng lắp, kéo dài về cùng một nội dung, lĩnh vực; số lần kiểm tra tại doanh nghiệp, bao gồm cả kiểm tra liên ngành không được quá một lần một năm, trừ trường hợp cần kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm rõ ràng. Xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng kiểm tra để nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp;
Ứng dụng chuyển đổi số nhằm cắt giảm tối đa thời gian xử lý thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ pháp luật và điều kiện kinh doanh trong các quy định về gia nhập, rút lui khỏi thị trường, đất đai, quy hoạch, đầu tư, xây dựng, thuế, hải quan, bảo hiểm… Triển khai cung cấp dịch vụ công cho doanh nghiệp không phụ thuộc vào địa giới hành chính. Trong năm 2025-2026, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu và lộ trình quy định tại Nghị quyết số 66/NQ-CP ngày 26 tháng 3 năm 2025 của Chính phủ về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2025-2026.
Nhiệm vụ thứ ba là tạo thuận lợi cho kinh tế tư nhân tiếp cận các nguồn lực, tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI. Theo đó, sẽ đẩy mạnh triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, chương trình hỗ trợ của ngành cho đối tượng doanh nghiệp, tập trung vào các hoạt động nâng cao năng lực quản trị, xây dựng hệ thống tài chính minh bạch, chuẩn mực, chuẩn hóa chế độ kế toán, kiểm toán…, để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng khả năng tiếp cận các nguồn lực tài chính, nâng cao năng lực để kết nối với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI…
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/tao-moi-dieu-kien-de-doanh-nghiep-xay-dung-phat-trien-dat-nuoc.htm