Dự án đang được Bộ Giao thông vận tải thẩm định, phê duyệt để có cơ sở lựa chọn nhà đầu tư. Sau khi chọn lựa được nhà đầu tư, dự án dự kiến sẽ khởi công xây dựng trong quý I-2024, hoàn thành đưa vào khai thác trong quý I-2025.
Ban quản lý Dự án 7, Bộ Giao thông vận tải (chủ đầu tư cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết) cho biết thông tin như trên và nói thêm: Bộ Giao thông vận tải trước đó đã phê duyệt hai vị trí trạm dừng chân trên cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết, tại Km 144+560 thuộc xã Phong Phú, huyện Tuy Phong và Km 205+602 thuộc địa bàn xã Hàm Trí, huyện Hàm Thuận Bắc.
Hai trạm dừng chân này nằm đối diện nhau ở mỗi chiều đường trên tuyến cao tốc, diện tích mỗi trạm 5 ha. Đến nay, trên toàn hành trình cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây – Phan Thiết – Vĩnh Hảo, dài 250 km chỉ có một trạm dừng chân trên tuyến TP.HCM – Long Thành (thuộc địa bàn xã Sông Nhạn, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai).
Trong thời gian gần đây, trạm dừng nghỉ cao tốc Long Thành luôn quá tải, chật chội, lượng xe cộ luôn tăng đột biến. Khu vực bãi đỗ xe của trạm luôn chật kín. Vào giờ cao điểm từng đoàn xe khách, xe con ghé vào cho khách và tài xế ăn uống, nghỉ ngơi.
Đầu tháng 8/2023, Bộ Giao thông vận tải đã có quyết định phê duyệt hệ thống trạm dừng chân trên toàn tuyến cao tốc Bắc Nam phía đông, từ cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn đến đất mũi Cà Mau, gồm 36 trạm. Trong số 36 trạm dừng nghỉ được phê duyệt, có 6 trạm đã đầu tư đưa vào khai thác, 3 trạm đang đầu tư và 27 trạm chưa đầu tư. Trạm có quy mô lớn nhất lên đến hơn 13 ha mỗi bên; trạm có quy mô nhỏ nhất là 2,5 ha mỗi bên.
Bộ Giao thông vận tải cũng giao các chủ đầu tư chịu trách nhiệm tổ chức lập danh mục dự án, lựa chọn nhà đầu tư, triển khai đầu tư xây dựng công trình trạm dừng nghỉ thuộc dự án, dự án thành phần do bộ quản lý. Việc lựa chọn nhà đầu tư bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật, công khai, minh bạch và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu khai thác đồng bộ các đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc Nam phía đông.
Theo quy định tại Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 5729:2012, trên các tuyến cao tốc sẽ bố trí các trạm dừng nghỉ thông thường với khoảng cách từ 50 – 60 km và các trạm dừng nghỉ lớn với khoảng từ 120 – 200 km.
Như vậy, sớm nhất cũng phải một năm sau mới có các trạm dừng chân trên hai tuyến cao tốc dài 200 km, từ Dầu Giây đi Vĩnh Hảo. Đây là một quãng thời gian không ngắn cho một hành trình dài trên tuyến cao tốc. Vì cho đến nay, các dự án đường bộ cao tốc tại Việt Nam, hầu hết khi đầu tư xây dựng tuyến chính, đã không đồng thời xây dựng các trạm dừng chân, dừng nghỉ.
Áp lực không nhỏ trước hết là đối với giới tài xế do phải lái xe với một khoảng thời gian khá dài, khả năng mất tự chủ, lo ra hay ngủ gật,… là điều có thể xảy ra. Đối với hành khách, những nhu cầu cá nhân là hết sức cần thiết khi phải di chuyển trên một đoạn đường dài…