Trước đây, người dân muốn cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) phải nộp hồ sơ tại cấp huyện. Từ đầu tháng 7, thẩm quyền này được giao cho UBND cấp xã với hộ gia đình và cá nhân đủ điều kiện, giúp người dân hoàn tất thủ tục ngay tại nơi cư trú.
Ngoài ra, thời gian giải quyết được rút ngắn còn tối đa 3 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ. Toàn bộ quy trình cấp sổ đỏ lần đầu không vượt quá 17 ngày, thay vì 20 ngày như trước.
Người dân cũng không phải nộp giấy xác nhận “không tranh chấp” như trước. Việc xác minh quy hoạch, nguồn gốc và tình trạng tranh chấp sẽ do cơ quan tiếp nhận tự thực hiện theo cơ chế hậu kiểm.
Theo Nghị định 151 của Chính phủ quy định rõ việc phân cấp mạnh trong quản lý đất đai, trao thêm quyền cho UBND cấp xã. Cụ thể, UBND xã sẽ tiếp nhận và giải quyết 14 thủ tục đất đai.
Trong đó, 5 thủ tục liên quan đến đăng ký, cấp giấy chứng nhận (sổ hồng), bao gồm: xác định lại diện tích đất ở đã được cấp sổ hồng trước ngày 1/7/2004; đính chính sổ hồng có sai sót; thu hồi và cấp lại sổ hồng cấp sai; đăng ký, cấp sổ hồng lần đầu cho tổ chức đang sử dụng đất; cấp sổ hồng cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư hoặc người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Liên quan đến thủ tục giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, UBND cấp xã thực hiện 5 thủ tục gồm: giao đất, cho thuê đất không qua đấu giá; chuyển hình thức giao/thuê đất; điều chỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất khi có thay đổi về cơ sở pháp lý hoặc ranh giới, diện tích; và giao đất ở không qua đấu giá cho một số nhóm đối tượng ưu tiên như cán bộ công chức, giáo viên, y tế vùng khó khăn, người thường trú tại xã chưa có đất ở.
Bên cạnh đó, UBND cấp xã còn thực hiện 4 thủ tục thể hiện rõ vai trò gần dân được quy định gồm: tặng cho quyền sử dụng đất cho Nhà nước hoặc cộng đồng; sử dụng đất kết hợp đa mục đích; giải quyết tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền của chủ tịch UBND cấp xã; tổ chức hòa giải tranh chấp đất đai tại cơ sở.
Từ tháng 7 này, người dân được nộp hồ sơ đăng ký đất đai tại bất kỳ điểm tiếp nhận nào trong cùng tỉnh hoặc thành phố, thay vì phải nộp tại nơi có đất như trước. Quy định này áp dụng cho cả đăng ký lần đầu và các giao dịch biến động như chuyển nhượng, thừa kế…
Thủ tục cấp sổ đỏ cũng có thể thực hiện trực tuyến qua hệ thống do Văn phòng Đăng ký đất đai cấp tỉnh vận hành. Người dân không cần trực tiếp đến bộ phận một cửa.
Cùng với đó, dữ liệu địa chính như bản đồ thửa đất, hiện trạng sử dụng… sẽ được số hóa và mở quyền tra cứu cho cá nhân, tổ chức có nhu cầu, thay thế việc xin xác nhận bằng giấy tờ.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng không được yêu cầu người dân điều chỉnh hồ sơ đất đai chỉ vì sáp nhập hành chính. Toàn bộ giấy tờ đất đai còn hiệu lực vẫn tiếp tục sử dụng.
“Việc chỉnh lý chỉ thực hiện khi người dân tự nguyện làm các thủ tục hành chính liên quan. Do vậy, người dân an tâm các giấy tờ về nhà đất lâu nay vẫn có hiệu lực và quy trình vẫn không có gì thay đổi so với trước. Đồng thời, cơ chế hậu kiểm thay vì tiền kiểm giúp giảm gánh nặng giấy tờ, nâng cao trách nhiệm thẩm định thực tế của cơ quan chuyên môn và thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực đất đai”, văn bản chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/phan-cap-14-thu-tuc-hanh-chinh-dat-dai-cho-ubnd-cap-xa-thuc-hien.htm