Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (Vars), bán lẻ là một ngành kinh tế năng động, bởi luôn duy trì tốc độ tăng trưởng liên tục và ấn tượng trong hàng thập kỷ. Đây cũng là ngành được đánh giá có tốc độ phục hồi rõ nét nhất, dù bị ảnh hưởng mạnh bởi đại dịch Covid – 19.
TỶ LỆ LẤP ĐẦY CÁC TRUNG TÂM THƯƠNG MẠI VƯỢT 90%
Cụ thể, ngay từ thời điểm đầu năm 2022, sau thời gian dài giãn cách vì dịch bệnh, ngành bán lẻ đã nhanh chóng chuyển biến tích cực với hàng loạt hoạt động đón đầu cơ hội, lựa chọn mặt bằng tốt cho chiến lược dài lâu tại thị trường Việt Nam của nhiều “ông lớn” bán lẻ trên thế giới, khi mức giá cho thuê mới bắt đầu tăng nhẹ.
Theo đó, tính chung cả năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 5.679,9 nghìn tỷ đồng, tăng 19,8% so với năm trước và tăng 15% so với năm 2019 – năm trước khi xảy ra dịch Covid-19. Cho tới thời điểm hiện tại, mặc dù chưa đạt mức tăng trưởng hai chữ số như giai đoạn trước dịch, nhưng ngành bán lẻ Việt Nam vẫn ghi nhận tốc độ phục hồi tốt.
Năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 6.231,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6% so với năm trước. Quý 1/2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 1.537,6 nghìn tỷ đồng, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước.
Cùng với sự khởi sắc của ngành bán lẻ, thị trường bất động sản bán lẻ Việt Nam cũng không ngừng phát triển. Tỷ lệ lấp đầy các trung tâm thương mại khởi sắc, vượt trên 90% với giá thuê vẫn tăng trưởng. Tại Hà Nội, giá thuê ở trung tâm thương mại dao động từ 45-60 USD/m2/tháng. Trong khi tại TP. Hồ Chí Minh, khu vực trung tâm duy trì giá thuê cao, khoảng 140 USD/m2/tháng. Còn giá thuê khu vực ngoại trung tâm tăng nhẹ, đạt 40 USD/m2/tháng.
Bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc cấp cao, Bộ phận cho thuê thương mại, Savills Hà Nội, nhận định: “Tính từ giai đoạn sau Covid-19, Việt Nam nổi lên như một thị trường tiềm năng với sức hút mạnh mẽ. Sự gia tăng trong sức tiêu dùng nội địa là yếu tố thúc đẩy sự quan tâm ngày càng tăng của các thương hiệu quốc tế đối với thị trường này”.
Cũng theo bà Minh, một yếu tố quan trọng khác tạo nên sức hút của thị trường bán lẻ Việt Nam là so với quốc gia lân cận: Singapore, Thái Lan, Indonesia, số lượng thương hiệu quốc tế có mặt tại Việt Nam hiện còn hạn chế. Điều này tạo ra cơ hội lớn cho các thương hiệu muốn mở rộng thị trường, đặc biệt khi họ tìm kiếm những bước tiến đầu tiên tại đây.
Trong đó, Hà Nội đang thu hút sự chú ý như một “điểm nóng” cho sự phát triển của bán lẻ, nhờ tốc độ đô thị hóa nhanh, mật độ dân số cao, số lượng hộ dân có thu nhập trung bình gia tăng, đi kèm lực lượng trong độ tuổi lao động lớn… Những yếu tố nền tảng mạnh mẽ này đã tạo nên nhu cầu khổng lồ về bán lẻ đối với thị trường Thủ đô.
NHIỀU DƯ ĐỊA VÀ TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN
Theo Vars, hiện nay, một số tập đoàn dự định triển khai kế hoạch nhân rộng mô hình bán lẻ tại Việt Nam. Điển hình như Central Retail (Thái Lan) đã có mặt tại Việt Nam với mô hình GO! (BigC cũ), Tops Market, Family Mart, Mini go!, Lan Chi, Nguyễn Kim… Tuy nhiên, đơn vị này muốn tăng điểm bán hàng từ 40 tỉnh, thành phố hiện nay lên 55 tỉnh, thành phố cả nước.
Tương tự, Aeon (Nhật Bản) với Aeon Mall, Aeon Wellness, Aeon Bicycle, DAISO… đến năm 2025, sẽ phát triển thêm 16 dự án tại Việt Nam (3-4 dự án tại Hà Nội), kết hợp ra mắt các mô hình bán lẻ mới để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Hay FujiMart Việt Nam, gồm các chuỗi siêu thị liên doanh giữa Tập đoàn BRG (Việt Nam) và Sumitomo Corporation (Nhật Bản), cũng có kế hoạch nâng tổng cộng 50 siêu thị vào năm 2028.
Vars cho rằng thị trường bất động sản thương mại bán lẻ Việt Nam còn rất hấp dẫn với nhiều dư địa, tiềm năng phát triển. Bởi sự tăng trưởng nhanh chóng của dân số và thu nhập đã tạo ra nhu cầu lớn về bất động sản, đặc biệt là trong lĩnh vực bán lẻ, khi mà người dân đang tìm kiếm những không gian sống và mua sắm tiện nghi hơn.
Ngoài ra, chính sách đầu tư vào cải thiện hạ tầng giao thông, bao gồm các dự án xây dựng đường cao tốc và đường sắt đô thị, cũng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc di chuyển và kết nối giữa những khu vực đô thị. Các khu vực du lịch phát triển như Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng… đang thu hút sự quan tâm của đông đảo nhà đầu tư và doanh nghiệp bán lẻ với tiềm năng phát triển dài hạn.
Đặc biệt khi người tiêu dùng ở Việt Nam ngày càng trở nên thông thái và có nhu cầu cao về trải nghiệm mua sắm. Họ không chỉ tìm kiếm sản phẩm chất lượng, mà còn đòi hỏi sự đa dạng và tiện lợi trong việc mua hàng. Điều này vô hình chung tạo ra cơ hội cho các nhãn hàng bán lẻ, để phát triển mô hình kinh doanh mới, bao gồm cả trung tâm mua sắm tích hợp nhiều dịch vụ, khu vực mua sắm dành riêng cho giải trí và ẩm thực, cùng cửa hàng trải nghiệm sản phẩm.
Nhận định về triển vọng nguồn cung của thị trường, bà Phạm Ngọc Thiên Thanh, Phó giám đốc, bộ phận Nghiên cứu và tư vấn của CBRE tại TP.HCM cho biết: trong 5 năm tới, dự kiến tổng nguồn cung mới trung bình mỗi năm ở Hà Nội và TP.HCM khoảng 65.000 m2. CBRE kỳ vọng giá thuê tiếp tục tăng nhưng với tốc độ chậm hơn, cụ thể tăng từ 2-3% tại khu vực ngoài trung tâm, và 5-8% tại khu vực trung tâm.
Ngoài ra, đối với xu hướng trong thời gian tới, bà Hoàng Nguyệt Minh cho rằng sẽ được định hình bởi yếu tố tăng chi tiêu cho dịch vụ, hướng tới các cửa hàng có tính bền vững và thân thiện với môi trường, cùng với việc tập trung cung cấp trải nghiệm độc đáo cho khách hàng. Bên cạnh đó, hình thức kết hợp giữa mua sắm trực tuyến và ngoại tuyến thông qua chiến lược bán lẻ đa kênh sẽ trở nên phổ biến, mang đến trải nghiệm mua sắm linh hoạt và tiện lợi cho khách hàng.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/nganh-ban-le-tang-truong-keo-theo-su-phuc-hoi-bat-dong-san-ban-le.htm