Kết quả Kiểm toán Nhà nước về việc quản lý, sử dụng Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng giai đoạn 2020-2022 vừa được công bố cho thấy, diện tích rừng giảm do chuyển mục đích sử dụng đất rừng sang mục đích khác từ khi phát sinh việc trồng rừng thay thế đến 31/12/2022 là 34.346,95 ha. Hiện vẫn còn hơn 3.243 ha của 33 địa phương chưa được trồng rừng thay thế. Hơn thế, kinh phí tồn dư lũy kế từ khi thành lập các Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng địa phương (năm 2012) đến hết năm 2022 là hơn 1.647 tỷ đồng chưa trồng được rừng thay thế. Tính đến hết quý 1/2023, một số chủ dự án nợ trên 123 tỷ đồng tiền trồng rừng thay thế, làm ảnh hưởng nhất định đến việc thực thi công tác này.
THIẾU TRẦM TRỌNG ĐẤT ĐỂ TRỒNG RỪNG THAY THẾ
Tại tọa đàm “Trồng rừng thay thế: trách nhiệm thuộc về ai?” do báo Kiểm toán Nhà nước tổ chức mới đây, ông TS. Lê Đình Thăng, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành II, nhận định rằng quá trình phát triển đất nước rất cần triển khai dự án nhà ở, khu công nghiệp hoặc dự án thương mại,… tuy nhiên, phải hài hòa giữa việc bảo vệ môi trường và phát triển. Nguy cơ mất rừng và những hệ lụy để lại là khó tránh khỏi nếu các địa phương chỉ xem trọng việc lấy rừng làm dự án mà xem nhẹ các giải pháp kịp thời, căn cơ đối với việc trồng rừng thay thế. Hơn nữa, nước ta đang hướng tới phát thải ròng bằng 0, nghĩa là phải bảo vệ môi trường, trong khi đó, chúng ta lấy rừng để chuyển sang mục đích khác thì liệu có đạt được mục tiêu này hay không?
Theo quy định hiện hành, chủ dự án lấy bao nhiêu diện tích rừng để làm dự án thì phải trồng bấy nhiêu diện tích rừng thay thế, nếu không trồng thì nộp tiền vào Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng. Địa phương nào chưa bố trí trồng rừng được thì chuyển lên cho Trung ương. Trên thực tế, phần lớn doanh nghiệp chọn phương án nộp tiền. Nhiều địa phương nộp tiền vào Quỹ trung ương, Quỹ trung ương cũng không muốn nhận vì nhận rồi không biết điều tiết về địa phương nào. Bởi địa phương nào cũng muốn lấy đất rừng để chuyển mục đích khác, không có địa phương nào muốn nhận trồng cho địa phương khác, do chưa tìm ra đất để trồng rừng. Một số địa phương dù có quy hoạch cụ thể diện tích rừng trồng thay thế nhưng không có đất vì diện tích đất đã quy hoạch để trồng rừng thay thế đang là đất canh tác của người dân…
Nói về thực trạng này, ông Vũ Khánh Toàn, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước khu vực VI, lưu ý 3 nội dung.
Thứ nhất, ngay tại các địa phương có đất rừng được chuyển đổi mục đích cũng không còn đủ quỹ đất để bố trí cho việc trồng lại rừng. Bởi vì theo quy định, việc bố trí quỹ đất để trồng rừng thay thế là từ nguồn đất rừng quy hoạch của địa phương mà chưa có rừng hoặc từ những khoảng rừng đã không còn là rừng thì sẽ trồng lại vào diện tích đó. Thực tế ở Quảng Ninh nói riêng và một số địa phương được kiểm toán nói chung, nguồn đất, diện tích đất quy hoạch trồng lại thì chưa tìm được, chưa xác định được, đó là bất cập lớn nhất. Còn với một số địa phương khác, dù rất trách nhiệm nhưng để tìm được quỹ đất như vậy cũng rất khó khăn.
Thứ hai, cơ chế phối hợp giữa Trung ương và địa phương chưa rõ ràng. Điều 21 Luật Lâm nghiệp quy định đối với địa phương không bố trí được hoặc không bố trí đủ diện tích đất để trồng rừng thay thế trong thời hạn 12 tháng kể từ khi chủ dự án đã nộp tiền vào Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng ở cấp tỉnh chưa bố trí trồng rừng thì phải chuyển tiền trồng rừng thay thế vào Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam để tổ chức trồng rừng thay thế tại địa phương khác. Song, công tác này phối hợp chưa tốt, chưa có sự chia sẻ thông tin để thấy số tiền thu về từ việc chuyển đổi mục đích đã được trồng ở địa phương khác.
Thứ ba, liên quan đến việc triển khai của địa phương, cũng có những địa phương trách nhiệm rất cao, nhưng có địa phương cũng chưa quan tâm, chú trọng trong việc tìm đất, bố trí đất triển khai việc trồng rừng thay thế.
Đồng quan điểm trên, ông Lê Văn Thanh, Phó Giám đốc phụ trách quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam, khẳng định: việc tìm quỹ đất ở các địa phương trồng rừng còn gặp rất nhiều khó khăn, bất cập do hiện nay tình trạng quỹ đất để trồng rừng ở các địa phương gần như không còn. Nếu có thì chỉ ở các vùng sâu, vùng xa có đơn giá rất khó để có thể triển khai trồng rừng thay thế ở các địa phương khác. Ngoài ra, các chủ dự án còn có khó khăn khác: nếu họ muốn xác định đơn giá ở địa phương có thể trồng thì phải chờ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gửi văn bản xuống các địa phương dự kiến trồng và họ phải xây dựng dự toán, thiết kế trình Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt…
Vì vậy, theo các chuyên gia, giải pháp chuyển đổi bao nhiêu m2 rừng thì trồng lại bấy nhiêu, về mặt lý thuyết là ổn, nhưng thực tế lại nảy sinh quá nhiều vấn đề. Hơn nữa, từ khi trồng đến lúc thành rừng cũng phải mất 50-70 năm, vì thế, sẽ có quãng thời gian trống không có rừng. Đó là chưa kể việc trồng rừng thay thế quy mô như thế nào, có đúng cây bản địa không, liệu cây có sống được không, việc giám sát thế nào cũng chưa rõ ràng. Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm giám sát nhưng liệu cơ quan này có đủ lực lượng để giám sát hay không, vấn đề này vẫn chưa quy định rõ. Đây là những khoảng trống chính sách. Nếu đi theo chiều hướng này thì rừng sẽ bị cạn kiệt, đất nước phát triển sẽ lệch pha. Kinh tế không thể bù lại môi trường.
Trên cơ sở đó, nhiều chuyên gia khuyến cáo, về dài hạn, chúng ta không nên lấy đất rừng để làm việc khác. Đất đang canh tác hoặc không phải rừng nhưng hiệu quả kinh tế thấp thì có thể chuyển đổi thành những mục đích kinh tế có hiệu quả cao hơn và có chính sách cho những người đang sinh sống ở đó được hưởng lợi. Phải có chính sách để bảo vệ, hạn chế đến mức thấp nhất việc lấy rừng.
TRƯỚC MẮT LÀ LÀM KINH TẾ, LÂU DÀI LÀ XÂM LẤN LỢI ÍCH CỦA THẾ HỆ SAU
“Đối với tương lai xanh của đất nước, việc bảo vệ môi trường là cần thiết. Theo tính toán của một số nhà khoa học, nếu Việt Nam bán tín chỉ carbon từ rừng thì nguồn kinh tế này mang lại giá trị lớn hơn việc lấy rừng để làm việc khác. Nếu chúng ta không nhìn nhận lại chính sách thì việc lấy đất rừng làm kinh tế chỉ là trước mắt, còn về dài hạn là đang xâm lấn lợi ích của thế hệ sau, của tương lai và sẽ phải trả giá về chuyện này”, ông Lê Đình Thăng nhấn mạnh.
Cùng chung nhận định, ông Nguyễn Sỹ Dũng phân tích thêm: chúng ta nên tư duy lại cách làm kinh tế, bởi thực chất, nếu phá rừng để làm kinh tế thì phải đánh giá tác động chi phí về dài hạn với thu lợi như thế nào. Chúng ta nên nghĩ cách khai thác giá trị kinh tế của rừng, bảo tồn và phát triển kinh tế của rừng. Chứng chỉ carbon là một hướng có thể mang lại thu nhập. Giữ được rừng là chúng ta góp phần ngăn chặn biến đổi khí hậu, bảo vệ những nguồn lợi về dài hạn, đó là sự đa dạng sinh học. Chúng ta cần tư duy theo hướng phát triển kinh tế rừng thay vì phá rừng để làm kinh tế…
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 50 – 2023 phát hành ngày 11 – 12- 2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây: