Danh mục được thông qua gồm 2.839 công trình, dự án thu hồi đất năm 2024 với diện tích 12.722,55ha.
Trong đó, số dự án thu hồi đất năm 2023 chuyển tiếp sang danh mục thu hồi đất năm 2024 là 2.306 dự án, với diện tích 9.486,3ha. Danh mục 3 dự án chuyển mục đích đất trồng lúa năm 2024 với diện tích là 3,844ha.
Về mức kinh phí bố trí để bồi thường, giải phóng mặt bằng, trên cơ sở danh mục dự án được HĐND TP thông qua: Đối với dự án sử dụng vốn ngân sách Thành phố đã có trong kế hoạch đầu tư công của Thành phố, được cân đối trong Nghị quyết về phân bổ dự toán ngân sách Thành phố năm 2024 của HĐND TP, và cơ chế thanh toán linh hoạt trong tổng nguồn vốn giao theo dự toán năm 2024 được duyệt (không phụ thuộc mức vốn giao của từng dự án thuộc Kế hoạch đầu tư công năm 2024 và Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 của Thành phố).
Các dự án thuộc ngân sách cấp quận, huyện để các quận, huyện bố trí.
Còn các dự án ngoài ngân sách do chủ đầu tư bố trí theo tiến độ đầu tư, đảm bảo bố trí đủ kinh phí phần giải phóng mặt bằng trong năm 2024.
Trước đó, trình bày Tờ trình về việc thông qua danh mục, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Huy Cường cũng thông tin về kết quả thực hiện công tác thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đến hết ngày 30/11/2023 là 1.932 công trình, dự án với tổng diện tích khoảng 7.078,9ha, đạt 61,5% kế hoạch.
Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, các dự án đủ hồ sơ pháp lý đã được thẩm định đúng quy định của pháp luật, đảm bảo đúng thời gian quy định góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư công trên địa bàn Thành phố. Kết quả thu hồi đất, giao đất, đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất góp phần tạo nguồn thu cho ngân sách; đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của quốc gia và của địa phương. Tuy nhiên, vẫn có một số dự án trong danh mục công trình, dự án thu hồi đất năm 2023 được HĐND TP thông qua, nhưng còn chậm triển khai, chưa hoàn thành theo tiến độ.
Được biết, UBND TP.Hà Nội đã có công văn số 3220/UBND-TNMT tập trung đến nội dung cần tạo sự đồng thuận của người dân trong các dự án thu hồi đất, giải quyết dứt điểm các vướng mắc ngay từ cơ sở.
Cụ thể, các sở, ngành theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm tập trung tham mưu cho UBND TP chỉ đạo, điều hành; UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về đầu tư, xây dựng, đất đai, tuyên truyền, công khai, minh bạch. Từ đó, tạo sự đồng thuận của người dân, tuân thủ đúng quy trình, quy định pháp luật trong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, kịp thời đối thoại, giải quyết dứt điểm các vướng mắc ngay từ cơ sở.