Thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội ngày 24/5, các đại biểu thống nhất cao với việc ban hành nghị quyết và kiến nghị nên sớm ban hành nhằm tạo hành lang thông thoáng, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người lao động.
Theo các đại biểu, nghị quyết ban hành sẽ tháo gỡ được các nút thắt trong phát triển nhà ở xã hội và người thu nhập thấp sẽ có nhiều cơ hội để tiếp cận, mua nhà ở xã hội. Việc thực hiện chính sách thí điểm thành công sẽ tạo tiền đề để nhân rộng mô hình trên cả nước, nâng cao nguồn cung nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu thực tiễn, từ đó thực hiện mục tiêu xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp trong giai đoạn 2021-2030.
CƠ CHẾ ĐẶC THÙ THÁO GỠ VƯỚNG MẮC, ĐÁP ỨNG NGUỒN CUNG NHÀ Ở XÃ HỘI
Nêu ý kiến vấn đề này, đại biểu Dương Khắc Mai, đoàn Đăk Nông, cho biết theo báo cáo của Chính phủ, thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”, tính từ năm 2021 đến năm 2025, cả nước mới xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng được 66.755 căn, mới đạt hơn 15% mục tiêu của đề án đến năm 2025. Trung bình giai đoạn 2021-2025, mỗi năm chỉ có hơn 13.300 căn hộ… Như vây, mục tiêu đến năm 2030 chỉ còn 5 năm nhưng số lượng căn hộ cần phải hoàn thành là rất lớn, trung bình mỗi năm phải xây dựng 186.000 căn mới đạt được.
Bên cạnh đó, “hiện nay, chúng ta đang thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính, số lượng công chức viên chức ở các tỉnh sắp xếp sẽ phải di chuyển đến các đơn vị mới để công tác. Những công chức trẻ trong các cơ quan nhà nước chưa có điều kiện nên sẽ khó để mua nhà, đất”. Nêu rõ thực trạng này, đại biểu Mai cho rằng việc ban hành Nghị quyết về cơ chế chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội là rất kịp thời và cấp bách để tháo gỡ khó khăn kéo dài trong những năm qua.

Đại biểu nhấn mạnh sự hợp lý, đồng tình với phạm vi điều chỉnh và dự thảo nghị quyết đã mở rộng hơn đối tượng cán bộ công chức, viên chức trong diện sáp nhập tỉnh và một số đối tượng khác. Đại biểu cũng tán thành việc thành lập quỹ nhà ở quốc gia để thực hiện chức năng đầu tư xây dựng, tạo lập quỹ nhà ở cho cán bộ công chức, người lao động thuê, thuê mua theo đề xuất của Chính phủ.
Còn theo đại biểu Tạ Văn Hạ, đây không chỉ là một chính sách mang tính chính trị, nhân văn cao mà còn thể hiện tính ưu việt của chế độ trong chăm lo hỗ trợ những người thu nhập, công nhân lao động khó khăn nhà ở, đảm bảo an sinh xã hội. Chúng ta đã có nhiều chính sách để phát triển nhà ở xã hội nhưng hiện nay nhu cầu ngày càng tăng, đặc biệt sau chủ trương sắp xếp tinh gọn bộ máy, sáp nhập thì nhu cầu nhà ở xã hội sẽ tiếp tục tăng cao hơn.
Tuy nhiên, nguồn cung đáp ứng hiện vẫn còn hạn chế. Không những thế, giá nhà ở vẫn còn cao so với thu nhập của những đối tượng mua nhà ở xã hội. Do đó, cần có giải pháp thúc đẩy lượng cung, đáp ứng nhu cầu thực tiễn đặt ra.
UBND CẤP TỈNH CẦN ĐƯỢC PHÉP LINH HOẠT HƠN TRONG BỐ TRÍ QUỸ ĐẤT
Theo đại biểu Trần Đình Gia, đoàn Hà Tĩnh, hiện nay, nhiều dự án nhà ở thương mại được quyết định chủ trương đầu tư trước ngày 1/8/2024 là thời điểm Luật Nhà ở năm 2023 và Nghị định số 100/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội có hiệu lực thi hành đã phải bố trí quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội tương ứng 20% quỹ đất của dự án.
Tuy nhiên, theo đại biểu thực tế việc xây dựng nhà ở xã hội tại các quỹ đất này lại không phù hợp với điều kiện địa phương do xa nơi làm việc, công tác, không thuận tiện với đối tượng được thuê, mua hoặc quy mô của dự án quá lớn. Điều này dẫn đến việc nếu tiếp tục xây dựng sẽ khó thu hút được người thuê, mua nhà ở xã hội.
Trong khí đó Luật Nhà ở năm 2023 và Nghị định 100 không quy định rõ cơ chế cho phép UBND cấp tỉnh quyết định xử lý quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội đối với các dự án này như quy định. Vì vậy, đại biểu cho rằng cần có quy định để xử lý các trường hợp trên và tạo điều kiện cho UBND các tỉnh linh hoạt trong việc bố trí quỹ đất và bổ sung quỹ nhà ở quốc gia để phát triển nhà ở xã hội tại khu vực khác phù hợp hơn.

Bên cạnh đó, có một số địa phương đã bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội nhưng chưa đủ nguồn lực tài chính để triển khai, nếu tiếp tục xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất do chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại bàn giao sẽ không hiệu và lãng phí nguồn lực. Nêu thực tế này, đại biểu Gia kiến nghị cần có cơ chế cho UBND tỉnh được điều chỉnh các quỹ đất này thành đất xây dựng nhà ở thương mại và tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất để bổ sung cho quỹ nhà ở quốc gia.
Quan tâm quỹ nhà ở xã hội, đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn Tp. Hà Nội, cho rằng đầu tư nhà ở xã hội có lợi nhuận rất thấp và nếu cho thuê thì lợi nhuận còn thấp hơn nên không có khả năng hoàn trả vốn. Do đó, cần phải có quỹ để tạo nguồn vốn đầu tư. Đặc biệt, trong quỹ này sẽ dành tiền thu từ quỹ 20% đất của nhà ở thương mại nếu như không dành để phát triển nhà ở xã hội thì được quyền chuyển thành tiền đóng vào quỹ. Theo đại biểu, quy định là rất phù hợp, thỏa đáng và công bằng.
Tuy nhiên, điều này chỉ được thực hiện với các dự án nhà ở thương mại được phê duyệt chủ trương đầu tư sau khi Luật Nhà ở 2023 có hiệu lực thực hiện; còn những dự án đã được phê duyệt trước khi luật có hiệu lực thì phần diện tích đất dành cho nhà ở xã hội này muốn chuyển thành nhà ở xã hội phải phê duyệt lại chủ trương đầu tư, làm lại thủ tục hành chính.

Do đó, đại biểu đề nghị trong điều khoản chuyển tiếp nên bổ sung thêm quy định với các dự án nhà ở thương mại đã được phê duyệt trước khi Luật Nhà ở 2023 có hiệu lực thì phần diện tích đất dành cho phát triển nhà ở xã hội được quyền chuyển sang thành đất thương mại và thực hiện đấu giá, dùng số tiền này đưa vào quỹ phát triển nhà ở xã hội mà không cần phải phê duyệt lại chủ trương.
Bên cạnh đó, cần phải đa dạng hóa các nguồn quỹ phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt phải khuyến khích những người dân mong muốn được mua, thuê nhà ở xã hội phải tích cực tiết kiệm tiền đóng góp vào quỹ. Thực tế, các nước trên thế giới đã có quỹ dành cho người mua nhà.
Do đó, đại biểu đề nghị mở rộng đối tượng đóng góp vào quỹ phát triển nhà ở xã hội, là những người có nhu cầu mua nhà ở xã hội sẽ đóng góp thường xuyên. Số tiền đóng vào quỹ sẽ được coi là tiêu chí xem xét lựa chọn đối tượng ưu tiên mua hay thuê mua, thuê. Cần phải mở rộng quy định nguồn tiền đóng góp này của người dân sẽ được dành để đầu tư xây dựng nhà bán chứ không chỉ thuê và thuê mua như hiện nay.
Cùng quan điểm này, đại biểu Phan Đức Hiếu, đoàn Thái Bình, cho biết theo Luật Nhà ở, trong điều khoản chuyển tiếp những dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư trước khi Luật Nhà ở 2023 có hiệu lực thì quỹ đất xây nhà ở xã hội phải tiếp tục xây nhà ở xã hội, trong khi những dự án mới cho 3 phương án lựa chọn, hoặc nộp tiền, hoặc xây nhà ở xã hội qua khu tỉnh quy hoạch thuận lợi hơn hoặc tiếp tục xây.
Do đó, theo đại biểu, trong nghị quyết thí điểm nên cởi mở vấn đề này, các dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư mà còn quỹ đất xây nhà ở xã hội nhưng chưa xây thì cho phép cơ chế hoặc nộp tiền, hoặc xây ở khu vực địa phương quy hoạch, đất còn lại thậm chí tỉnh có thể đấu giá để tiếp tục phát triển nhà ở thương mại… ”Nên bổ sung một quy định trong dự thảo nghị quyết cho phép áp dụng cơ chế mới của Luật Nhà ở để xử lý những dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư”, đại biểu đề xuất.

Giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh thông tin, trong 5 năm qua, cả nước mới có 679 dự án trong đó hoàn thành 108 dự án với 73.000 căn, tương đương 15% mục tiêu. Riêng năm 2025, chỉ tiêu đặt ra là 100.000 căn nhưng đến nay mới được 15.600 căn hoàn thành, còn 19.492 căn khởi công, như vậy mới đạt 44% mục tiêu.
Theo Bộ trưởng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này do vướng mắc ở thế chế, chính sách, quy trình, thủ tục, nên Chính phủ xây dựng dự thảo Nghị quyết để đề xuất các cơ chế chính sách tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư tham gia nhà ở xã hội.
Ông nêu thực tế, nếu theo quy định hiện hành, để giao chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở thông qua đấu thầu, riêng thực hiện trình tự, thủ tục có khi mất đến 300 ngày. Do đó, dự thảo Nghị quyết đã có nhiều quy định được lược giản, lồng ghép giúp giảm đáng kể thời gian làm thủ tục.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/de-xuat-xu-ly-quy-dat-20-danh-cho-nha-o-xa-hoi-voi-du-an-truoc-thoi-diem-luat-nha-o-2023.htm