Năm 2024 được nhận định vẫn khó khăn đối với ngành bất động sản Việt Nam, tuy nhiên cũng đan xen nhiều cơ hội mới. Những yếu tố tích cực như chính sách hỗ trợ, quy hoạch mới, sự hồi phục của thị trường sẽ tạo ra môi trường thuận lợi cho nhà đầu tư…
NHIỀU TỈNH, THÀNH CÔNG BỐ QUY HOẠCH
Báo cáo thị trường quý 3/2023 của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (Vars) cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2023, Chính phủ cùng các cơ quan, bộ ngành rất tích cực can thiệp nhằm khôi phục thị trường bất động sản. Cụ thể, gần 20 động thái từ phía Chính phủ được thông báo một cách liên tục và mạnh mẽ, góp phần tăng cường niềm tin lẫn sức mạnh cho thị trường cùng các bên liên quan. Nhất là Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 là tín hiệu quan trọng, mang tính hướng dẫn và chỉ đạo rõ ràng.
Đặc biệt, việc có không ít tỉnh thành hiện nay công bố quy hoạch, như: TP.Hải Phòng, TP.Cần Thơ, TP.Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Phú Thọ, Ninh Thuận, An Giang, Cà Mau, Bến Tre, Kon Tum, Hải Dương, Bình Định… càng mở ra cơ hội cho thị trường bất động sản.
Ngoài ra, lần đầu tiên sau nhiều năm, các nhà đầu tư dự án đã thể hiện sự nhiệt tình bán hàng thông qua hàng loạt chính sách kích thích cầu hấp dẫn, gồm: chiết khấu, khuyến mãi, hỗ trợ lãi suất kéo dài, nhận nhà sớm, mở rộng thời gian thanh toán, trong đó có dự án thậm chí kéo dài đến 3 năm..
Thực tế, thời điểm cuối năm 2023 chứng kiến nhiều dự án quy mô lớn bắt đầu chiến dịch bán hàng, giúp đa dạng hóa nguồn cung và thúc đẩy giao dịch. Cả khu vực phía Bắc và Nam đều có dự án, như: Canopy Residences, The Moonlight 1 An Lạc, Akari City, Glory Heights, The Global City đều đóng góp vào nguồn cung mới. Phân khúc bất động sản du lịch nghỉ dưỡng cũng trở lại mạnh mẽ, tạo ra dấu hiệu tích cực cho thị trường.
Theo Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, với lãi suất ngân hàng ở mức thấp, nhà đầu tư sẽ tìm kiếm các kênh đầu tư như chứng khoán hay bất động sản. Thêm vào đó, chính sách bán hàng hấp dẫn tất yếu càng kích thích giao dịch. Mặt khác, những thay đổi mới trong bức tranh kinh tế vĩ mô và dự kiến tăng trưởng kinh tế cũng đem đến tín hiệu tích cực.
Nêu quan điểm, Chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển, cho rằng đến nay chính sách điều hành của Chính phủ đang từng bước phát huy hiệu quả, điều chỉnh thị trường bất động sản về vùng ổn định. “Quốc hội vừa thông qua Luật Nhà ở sửa đổi và Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi, sắp tới có thể là Luật Đất đai sửa đổi. Điều này chưa từng có khi cả ba luật quan trọng liên quan tới thị trường bất động sản được thông qua gần như cùng một thời điểm, nên hứa hẹn tạo chuyển biến lớn”, chuyên gia nhận xét.
TRIỂN VỌNG TỪ PHÂN KHÚC ĐÁP ỨNG NHU CẦU THỰC
Theo Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco), dù liên tục được tháo gỡ khó khăn nhưng một số vấn đề của thị trường bất động sản chưa thể giải quyết dứt điểm, thị trường bất động sản 2024 dự báo sẽ còn thách thức. Đó là sức cầu mua nhà hồi phục chậm, nguồn thu bất động sản giảm làm ảnh hưởng đến lợi nhuận năm 2024 và doanh nghiệp phải chịu áp lực trả nợ đáo hạn trái phiếu lớn trong khi khả năng trả nợ thấp, tỷ lệ nợ xấu tăng.
Vì vậy, đơn vị này cho rằng thị trường bất động sản chỉ bắt đầu khởi sắc hơn từ nửa cuối năm 2024, khi các nút thắt pháp lý, vốn, thanh khoản dần được tháo gỡ. Triển vọng phục hồi chủ yếu đến từ các phân khúc căn hộ đáp ứng nhu cầu ở thực ở nội đô hoặc ven trung tâm có vị trí, cơ sở hạ tầng phát triển. Đối với doanh nghiệp bất động sản trên sàn, kết quả kinh doanh năm 2024 khó tăng trưởng đột biến. Song “chúng tôi đánh giá tích cực kết quả kinh doanh của doanh nghiệp có năng lực bán hàng tốt và quỹ đất đang bàn giao phù hợp với nhu cầu ở thực”, Agriseco đưa ra ý kiến.
Tuy nhiên, TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Vars, phân tích: Năm 2024, nhu cầu ở thực để an cư vẫn luôn hiện hữu, do đó, khi thị trường đáp ứng được nguồn hàng phù hợp thì người dân vẫn mua. Đặc biệt, ở phân khúc chung cư, đây là dòng sản phẩm được ưa chuộng hơn cả. Nhưng nhìn vào nguồn cung, năm 2024, khả năng không có nhiều sản phẩm ra mắt thị trường, bởi dự án của các chủ đầu tư chưa được giải quyết tận gốc vướng mắc.
“Cuối tháng 11, Luật Nhà ở sửa đổi và Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi được thông qua, song còn Luật Đất đai sửa đổi chưa phê duyệt. Chưa kể hai luật vừa thông qua, phải đợi tới đầu năm 2025 mới có hiệu lực thi hành. Điều này có nghĩa trong cả năm tới, chính sách mới không mang vào áp dụng, để tháo gỡ cho loạt dự án đang nằm đợi cơ chế. Từ đây, kéo theo nguồn cung năm sau chưa cải thiện ngay”, chuyên gia lưu ý.
Căn cứ tình hình thực tế, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn dự báo: Thị trường bất động sản từ quý 2 – 4/2024 sẽ xuất hiện điểm đảo chiều. Thị trường sau đó mới bước vào chu kỳ mới và trải qua 4 giai đoạn: thăm dò, củng cố, khởi sắc, ổn định.
Cụ thể, giai đoạn thăm dò diễn ra vào nửa cuối năm 2024 với thanh khoản nhỏ lẻ đến từ sản phẩm chung cư đáp ứng nhu cầu ở thực. Tiếp theo, giai đoạn củng cố rơi vào quý 4/2024 – quý 1/2025, trong điều kiện công cụ, chính sách tiền tệ được đẩy mạnh ở diện rộng, giúp tháo gỡ khó khăn về nguồn tiền; Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi và Luật Nhà ở sửa đổi có hiệu lực từ đầu năm 2025 góp phần khơi thông nguồn tiền, tháo gỡ pháp lý.
Cũng theo vị Phó Tổng Giám đốc, thị trường bất động sản Việt Nam bước vào thời kỳ khởi sắc từ quý 2 – quý 4/2025. Ông kỳ vọng giai đoạn này ghi nhận sự phát triển kinh tế mạnh mẽ, nguồn tiền đầu tư vào lĩnh vực bất động sản tăng trưởng. Tiềm lực tài chính của chủ đầu tư và môi trường tiền tệ cải thiện dẫn đến sự phục hồi của nguồn cung và thanh khoản trên diện rộng, giá bất động sản trong giai đoạn này cũng cải thiện đồng thời với nguồn cung và thanh khoản.
“Từ sau quý 1/2026, ngành bất động sản có thể dần bước vào giai đoạn ổn định. Thị trường tiếp tục đà tăng trưởng tốt về thanh khoản và giá, đồng thời có sự xuất hiện của nhiều loại hình bất động sản”, chuyên gia nhận định.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/co-hoi-moi-cho-thi-truong-bat-dong-san-nam-2024.htm