Bộ Xây dựng vừa ban hành Thông tư 12/2024/TT-BXD quy định quy trình kỹ thuật kiểm kê khí nhà kính và đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính ngành Xây dụng.
Có hiệu lực từ ngày 5/2/2025, Thông tư này hướng dẫn quy trình, quy định kỹ thuật kiểm kê khí nhà kính và đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp lĩnh vực và cơ sở thuộc phạm vi quản lý ngành Xây dựng.
Thông tư của Bộ Xây dựng nêu rõ, yêu cầu về kiểm kê khí nhà kính và đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phải đảm bảo các yêu cầu được quy định tại khoản 1 Điều 10 và khoản 1 Điều 11 Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ôzôn.
Theo Thông tư, kiểm kê khí nhà kính và đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phải đầy đủ, nhất quán, minh bạch và chính xác.
Cụ thể, thực hiện kiểm kê khí nhà kính và đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đối với tất cả các nguồn phát thải khí nhà kính. Các số liệu thu thập liên tục, không gián đoạn và có giải trình khi có bổ sung, loại trừ so với quy định.
Thực hiện kiểm kê khí nhà kính và đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đảm bảo thống nhất về số liệu, chuỗi số liệu và phương pháp tính toán. Khi có sự thay đổi cần có báo cáo so sánh, đối chứng.
Kiểm kê khí nhà kính và đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính bao gồm các tài liệu, dữ liệu giả định, số liệu hoạt động, các hệ số áp dụng, phương pháp tính toán được giải thích rõ ràng, trích dẫn nguồn và lưu giữ để đảm bảo độ tin cậy và tính chính xác cao.
Tính toán kiểm kê khí nhà kính và đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đảm bảo độ tin cậy theo phương pháp luận lựa chọn và giảm tối đa các sai lệch.
Yêu cầu về thẩm định kết quả kiểm kê khí nhà kính và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính được quy định tại Điều 9 Thông tư 01/2022/TT-BTNMT ngày 7/1/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường về ứng phó với biến đối khí hậu.
Theo Thông tư, việc kiểm kê khí nhà kính được thực hiện theo trình tự 10 bước gồm: Xác định phạm vi kiểm kê; Xác định phương pháp thu thập số liệu hoạt động phục vụ kiểm kê; Thu thập số liệu hoạt động phục vụ kiểm kê; Lựa chọn hệ số trong tính toán phát thải; Tính toán phát thải; Kiểm soát chất lượng và đảm bảo chất lượng kiểm kê. Tiếp đó đánh giá độ không chắc chắn kết quả kiểm kê khí nhà kính; Tính toán lại kết quả kiểm kê; Xây dựng báo cáo kiểm kê; Thẩm định và nộp kết quả kiểm kê khí nhà kính.
Ngoài ra, Thông tư cũng quy định rõ quy trình đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính được thực hiện theo trình tự các bước: Xây dựng kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; đo đạc kết quả thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; báo cáo giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Theo Quyết định số 13/2024/QĐ-TTg ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính (cập nhật) mới đây, sẽ có 2.166 cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính cập nhật năm 2024; trong đó có 1.805 cơ sở thuộc ngành công thương; 75 cơ sở thuộc ngành giao thông vận tải; 229 cơ sở thuộc ngành xây dựng và 57 cơ sở thuộc ngành tài nguyên và môi trường.
Chia sẻ về giảm phát thải khí nhà kính trong công trình xây dựng và việc lựa chọn chiến lược, giải pháp phù hợp với Việt Nam, tại hội thảo về vấn đề này mới đây, đại diện Viện Khoa học công nghệ xây dựng cho biết một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành xây dựng từ nay đến năm 2030 là xây dựng chiến lược giảm khí nhà kính trong công trình xây dựng để đáp ứng mục tiêu thực hiện cam kết Net Zero vào năm 2050.
Theo đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật năm 2022 và Nghị định 06, mục tiêu ngành xây dựng phải giảm tối thiểu 74,3 triệu tấn CO2 tương đương trong 3 lĩnh vực chính: Quá trình công nghiệp; Tiêu thụ năng lượng trong sản xuất xi măng và Vận hành tòa nhà.
Thống kê trong giai đoạn 2014- 2020, lượng phát thải từ sản xuất vật liệu xây dựng đã gia tăng từ 60,33 triệu tấn lên 95,95 triệu tấn, trong khi lượng phát thải từ tiêu thụ điện trong tòa nhà cũng tăng mạnh từ 38,01 triệu tấn lên 61,72 triệu tấn.
Để đạt được mục tiêu này, ngành xây dựng cần phải giảm phát thải khí nhà kính trong quá trình công nghiệp, tiêu thụ năng lượng trong sản xuất vật liệu xây dựng (xi măng) và năng lượng trong vận hành các tòa nhà…
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/10-buoc-kiem-ke-bao-cao-tham-dinh-giam-nhe-phat-thai-khi-nha-kinh-nganh-xay-dung.htm