Bạn tôi đùa rằng “Việt Nam sẽ sớm là đất nước miễn phí vì con em bác sĩ được khám bệnh miễn phí, con em ngành điện dùng điện miễn phí, con em hàng không sẽ được bay miễn phí”.
Anh nói, như vậy mới “công bằng” và “hợp lý” nếu đề xuất miễn, giảm học phí cho con em giáo viên của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong Luật Nhà Giáo được thông qua.
Theo đại diện của Bộ, ước tính ngân sách sẽ tiêu tốn khoảng 9.200 tỷ đồng mỗi năm nếu đề xuất thành hiện thực. Đây là một con số lớn, đặt trong bối cảnh này lại càng dễ gây thêm bất bình.
Dư luận thường bức xúc nếu họ thấy một chính sách được đề xuất có thể gây ra “bất công”, giúp một nhóm đối tượng hưởng lợi hơn so với số đông. Điều này càng tế nhị nếu chính sách kể trên được đề xuất bởi chính cơ quan Nhà nước đại diện hoặc gần gũi với nhóm đối tượng hưởng lợi đó. Những chính sách như vậy rất dễ bị chụp mũ là “cục bộ”, “lợi ích nhóm”, vốn là những vấn đề mà Nhà nước vẫn tìm cách hạn chế trong quá trình làm chính sách. Ngoài việc chống tiêu cực, đây còn là chuyện công bằng, bình đẳng, không đặc quyền đặc lợi giữa mọi người trong cùng một quốc gia, vốn cũng là một nguyên tắc cốt lõi mà Hiến pháp Việt Nam ghi nhận.
Tuy nhiên, nguyên tắc công bằng, không cục bộ không phải là không có các ngoại lệ. Cũng giống như nguyên tắc không phân biệt đối xử trong cuộc sống, nguyên tắc công bằng, không cục bộ trong làm chính sách cũng cần “chiếu cố” các trường hợp cần thiết, thỏa đáng. Các quy định về chống “lợi ích nhóm” cũng gián tiếp không cấm việc làm chính sách có lợi cho một nhóm cụ thể nếu lợi ích đó là “thỏa đáng”. Điều đó nghĩa là trong việc phản biện một chính sách có dấu hiệu “cục bộ” như trên, cần phải đánh giá xem chính sách đó có rơi vào trường hợp ngoại lệ, “thỏa đáng” hay không. Và đây là việc làm đòi hỏi sự tỉnh táo. Bởi vì ngoài việc nếu ngoại lệ quá nhiều thì nguyên tắc sẽ trở nên vô ích, việc chấp nhận một trường hợp là ngoại lệ cũng có nghĩa là nếu có trường hợp tương tự khác, chúng ta sẽ phải chấp nhận thêm các ngoại lệ nữa. Không thể chỉ đòi ngoại lệ khi nó có lợi cho ta, và từ chối ngoại lệ khi nó có lợi cho người khác. Đó chính là tính nhất quán của pháp luật.
Nhưng như thế nào là ngoại lệ “thỏa đáng”? Không có định nghĩa về vấn đề này. Thực tế thì chúng ta không phải chưa bao giờ chấp nhận một chính sách có sự “ưu đãi” cho một nhóm đối tượng nào đó. Có một vài ngoại lệ điển hình, như “đền ơn đáp nghĩa” (các chính sách đối với con em thương binh, người có công với cách mạng), hỗ trợ người yếu thế (các chính sách với người nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật), thu hút nhân tài (các chính sách với học sinh giỏi, người có khả năng đặc biệt), đặc thù ngành (chế độ phúc lợi cho một số ngành), hay thậm chí vì lý do phát triển kinh tế (ưu đãi đầu tư). Các chính sách ngoại lệ này thường phải thỏa mãn ít nhất hai điều kiện: nhằm giải quyết một vấn đề cấp bách hoặc để đem lại lợi ích lớn, và ngoại lệ này chỉ được phép có tính tạm thời trong giai đoạn xã hội chưa tự điều tiết để đem lại cân bằng được. Nếu ngoại lệ không vì một lý do cấp bách, không đem lại lợi ích lớn, và đặc biệt là kéo dài, thì sẽ gây ra bất công và vi phạm nguyên tắc công bằng trong làm pháp luật.
Những gì vừa được thảo luận ở trên có lẽ sẽ giúp ích trong việc đánh giá một chính sách như của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cũng theo đại diện của Bộ, có hai lý do mà Bộ đề xuất như vậy, thứ nhất là “do nguyện vọng của các giáo viên”, và thứ hai là để giúp giáo viên an tâm công tác, không bỏ nghề. Lý do thứ nhất khó có thể xem là thỏa đáng, nhưng lý do thứ hai thì có thể cần bàn bạc thêm. Thực tế thì hiện tượng giáo viên bỏ nghề vì lý do tài chính, đãi ngộ không tương xứng với công sức và trách nhiệm bỏ ra không phải là hiếm gặp. Vì vậy, có thể xem đề xuất của Bộ như một nỗ lực (chưa biết có hiệu quả hay không) để vừa ưu đãi cho nhóm đối tượng quan trọng này, vừa giúp hỗ trợ những khó khăn mà nghề giáo viên đang gặp phải. Nhưng điều kiện tiên quyết là Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chứng minh được tính cấp thiết của vấn đề hoặc lợi ích lớn mà đề xuất này có thể giải quyết hoặc đem lại, và lộ trình cụ thể của việc chấm dứt biện pháp đãi ngộ này.
Sau khi nghe tôi chia sẻ những ý kiến trên, anh bạn tặc lưỡi “làm chính sách hóa ra dễ gây hiểu lầm như vậy”. Tôi cho rằng anh nói đúng, nhưng vấn đề đó không phải không khắc phục được. Giải pháp chính là trách nhiệm giải trình minh bạch và rõ ràng với những đề xuất mình đưa ra. Điều này vừa tránh những dư luận nghi kị như thời gian vừa qua, vừa là cơ sở cho Quốc hội ra quyết định và nhân dân thực hiện quyền giám sát của mình trong xây dựng chính sách.
Lê Nguyễn Duy Hậu
Nguồn tin: https://vnexpress.net/ngoai-le-cua-cong-bang-4803627.html