Trên khắp thế giới, không riêng gì Việt Nam, có điều gì đó đang xảy ra với các trường đại học, khiến công chúng phải quan tâm.
Đây không phải là vấn đề khác biệt quan điểm gây ra những tranh cãi, mà là chuyện chúng ta sẽ chuẩn bị như thế nào để các thế hệ tiếp theo có thể đóng góp tốt nhất cho sự phồn vinh của thế giới.
Kinh tế ngày một phát triển sôi động và phức tạp, đòi hỏi phải chuẩn bị lực lượng lao động trình độ cao tương ứng. Dù như vậy không có nghĩa là cần khuyến khích tất cả các bạn trẻ vào đại học, đặc biệt là vào các trường đắt đỏ, đào tạo đại học vẫn rất cần thiết. Khi tỷ lệ sinh đang giảm mạnh trên toàn cầu, chúng ta cần trang bị tốt hơn cho một số lượng trẻ em ít hơn trong tương lai.
Vì vậy, các trường đại học cần mở rộng, theo nghĩa trở nên dễ tiếp cận, với chi phí phải chăng cho số đông, đồng thời cung cấp nhiều chương trình hơn nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của xã hội.
Các trường đại học ở Việt Nam thì không chỉ cần mở rộng, mà còn cần phát triển về chiều sâu.
Để tôi giải thích. Con người có thể học từ sách vở, nhưng kiến thức không giống như các chương của một cuốn sách, chương này tiếp nối chương kia. Kiến thức đi từ giai đoạn này đến giai đoạn khác, tính phức tạp tăng dần. Điều này dễ nhìn thấy nhất trong lĩnh vực công nghệ. Sự phát triển của công nghệ không chỉ là thêm các bộ phận, mà là sử dụng cỗ máy cũ làm nền tảng để xây dựng cỗ máy khác, mới và tốt hơn.
Về mặt kinh tế, giáo dục đại học sẽ ngày càng đắt đỏ hơn. Nhất là khi sinh viên cần được tiếp cận công nghệ hiện đại. Như thế, chi phí đầu tư không chỉ lớn mà còn cần phải liên tục.
Kết quả của “quá trình phát triển sâu và rộng” là tất cả những người liên quan đều phải đối mặt với tình thế đầy mâu thuẫn. Giáo dục đại học phải phổ cập, học phí không quá đắt. Nhưng nhà trường lại cần nâng cấp, trang bị hiện đại. Làm thế nào để đáp ứng những điều này cùng lúc?
Tôi có ba nguyên tắc áp dụng cho các tình thế khó. Tất cả xoay quanh thực tế rằng, trong những tình huống này, dù chọn gì, bạn cũng không tránh được khó khăn.
Thứ nhất, đừng né tránh, phải chấp nhận thực tế: không có lựa chọn dễ dàng. Thứ hai, một khi đã chọn, đừng cứ thế mà lao đi, phải liên tục đánh giá lại. Cuối cùng, tình thế khó không hẳn là điều tệ hại, đối mặt và vượt qua là cách nhanh nhất để ta tiến bộ.
Với quan điểm này, bước đầu tiên là xem xét việc không nên làm. Theo tôi, các trường đại học ở Việt Nam không nên giải quyết tình huống theo cách đang diễn ra ở Mỹ. Vì tình hình ở Mỹ quá khác biệt. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có thể học hỏi một số điều bằng việc xem xét kỹ tại sao phương pháp của Mỹ lại không phải là lựa chọn cho Việt Nam.
Trong nhiều thập kỷ, các trường đại học ở Mỹ tăng doanh thu bằng cách mở rộng quy mô. Họ xây thêm các tòa nhà, nới rộng khuôn viên, nhận nhiều sinh viên hơn và tăng học phí. Những phương thức này giúp họ có kinh phí đầu tư vào công nghệ mới và mở rộng chương trình đào tạo.
Ngoài ra, nhiều trường có điều kiện rất thuận lợi về nguồn tiền bởi hai lý do. Thứ nhất, vay tiền để trang trải học phí là chuyện bình thường ở Mỹ. Thứ hai là những đại học hàng đầu, như Harvard – với lịch sử thành lập từ năm 1636 – có tiềm lực đủ mạnh và uy tín đủ lớn để vay vốn dễ dàng. Họ có thể huy động tiền theo cách mà rất ít trường đại học trên thế giới làm được.
Rõ ràng cách thức này không hiệu quả ở Việt Nam. Tôi cũng không chắc nó còn tiếp tục hiệu quả ở Mỹ hay không. Giới trẻ và các gia đình ở đây đang còng lưng vì nợ, do học phí đã rất cao và còn tiếp tục tăng. Nhiều trường đại học nhỏ cũng đang rơi vào khủng hoảng tài chính. Điều mà tôi biết rõ là các quốc gia bên ngoài không thể đơn giản sao chép mô hình của Mỹ và mong đợi thành công.
Vậy các trường đại học ở Việt Nam nên làm gì?
Mô hình của Mỹ có giá trị tham khảo nhất định. Nó cho ta biết rằng không nên lập tức theo đuổi các mục tiêu lớn và tìm cách đạt được nhiều thành quả cùng lúc. Vì vậy, cần đặt lại câu hỏi: Nếu phải tiến từng bước một, thì các trường đại học ở Việt Nam nên làm như thế nào?
Bất kỳ giải pháp nào cho vấn đề này đều sẽ luôn tạo ra những vấn đề mới. Các trường đại học được chia thành nhiều khoa. Sẽ rất rủi ro nếu áp dụng chung một chương trình lớn, bao quát, nhằm nâng cao nhanh chóng chất lượng của toàn trường. Thay vào đó, nên chọn một số chương trình có khả năng thu hút đầu tư và sớm tạo ra doanh thu. Những dự án này sẽ đóng vai trò như các “start-up” nội bộ, giúp trường đại học phát triển dần.
Giống như bất kỳ tổ chức nào khác, ngay cả khi bất ngờ nhận được một khoản đầu tư lớn (điều không dễ xảy ra), trường đại học cũng sẽ phải đáp ứng nhiều cam kết, đến độ chỉ có thể dành một phần rất nhỏ cho lĩnh vực mà trường muốn phát triển. “Một bước tiến, một bước lùi” là điều thường xảy ra. Để phá vỡ vòng lặp này, cách quen thuộc là áp dụng hệ thống học phí khác biệt. Giống như cùng vào một nhà hàng, khách sẽ chi trả khác nhau tùy vào món họ gọi, việc thu học phí cao hơn với các khoa đầu tư công nghệ lớn có thể hữu ích.
Mặt trái của giải pháp này là sẽ khắc sâu thêm sự phân biệt trong cấu trúc học phí. Nếu các chương trình có giá trị trở nên quá đắt đỏ với sinh viên bình thường thì cuối cùng, nhiều bên sẽ chịu thiệt. Vậy tôi muốn nhắc lại, áp dụng hệ thống học phí khác biệt không phải là xấu nhưng cần khôn ngoan và linh hoạt. Để làm được như thế, cần nhiều nỗ lực nghiên cứu tác động của học phí đến sinh viên và tìm cách giúp đỡ các tài năng có hoàn cảnh khó khăn.
Cuối cùng, nếu học phí và các nguồn thu mới vẫn chưa đủ để đầu tư vào công nghệ, trường học có thể cân nhắc hợp tác với doanh nghiệp. Nhưng một lần nữa, điều này cũng tạo ra tình thế khó. Trường học cần hướng đến phục vụ toàn thể công dân, không một nhóm nhỏ nào nên có quá nhiều quyền lợi trong việc điều hành trường. Trong khi doanh nghiệp, để đổi lấy khoản đầu tư của mình, sẽ luôn muốn có quyền kiểm soát đối với cách sử dụng nguồn vốn. Với xung đột này, không có công thức duy nhất đúng để chỉ ra chính xác bạn phải làm gì. Nhưng sẽ ít mạo hiểm hơn nếu việc hợp tác diễn ra trong ngắn hạn, với những kỳ vọng rõ ràng từ cả hai phía. Nhìn chung nên tập trung vào những lĩnh vực hoặc kỹ năng mà doanh nghiệp thực sự cần và nhà trường có khả năng cung cấp.
Tôi chưa đề cập đến đầu tư của chính phủ. Bởi chi nhiều vốn công cho một lĩnh vực đồng nghĩa với việc phải cắt giảm ở lĩnh vực khác, hoặc tạo ra các thách thức về thuế hay thâm hụt ngân sách. Nhìn chung, các chính phủ chỉ tăng đầu tư cho những chương trình giáo dục đã hình thành và hoạt động hiệu quả. Tôi nghĩ, phương án này nên để cuối cùng.
Những giải pháp tôi đưa ra ở đây đều sẽ mất rất nhiều thời gian. Nhưng cũng không có cách nhanh chóng nào để tăng doanh thu trường đại học, ít nhất là không có cách nhanh chóng nào khả thi và bền vững. Bước từng bước nhỏ, chậm và chắc, kết hợp với việc kiểm tra lại thường xuyên là cách an toàn nhất để tiến tới.
Tôi khuyến khích mọi người tham gia tranh luận và đề xuất những ý tưởng tốt hơn. Vấn đề này quá khó để bất kỳ cá nhân riêng lẻ nào đưa ra một bộ giải pháp đúng đắn mọi khía cạnh. Nhưng việc của thế hệ trước là tạo ra nền tảng và cơ hội giáo dục tốt nhất có thể cho thế hệ sau. Dù cần thận trọng, bắt tay vào hành động ngay vẫn tốt hơn sự chần chừ.
David Pickus
Nguồn tin: https://vnexpress.net/dai-hoc-nao-gia-re-4801809.html