Nghiên cứu cho thấy những người từ 60 tuổi trở lên không kiểm soát được huyết áp cao có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer cao hơn đáng kể so với những người có huyết áp ổn định. Điều đáng lo ngại hơn là, việc không điều trị huyết áp cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc các chứng sa sút trí tuệ khác.
Bản phân tích tổng hợp được thực hiện dựa trên dữ liệu kéo dài 4 năm của 31.000 người với độ tuổi trung bình là 72 từ 14 quốc gia, trong đó có Brazil, Trung Quốc, Pháp, Đức, Hy Lạp, Italy, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nigeria, Cộng hòa Congo, Tây Ban Nha, Thụy Điển… Kết quả phân tích cụ thể cho thấy những không được điều trị huyết áp cao có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer cao hơn 36% so với những người không bị và cao hơn 42% so với những người đang dùng thuốc huyết áp để kiểm soát tình trạng này.
Theo Tiến sĩ Matthew Lennon tại Trung tâm nghiên cứu Não bộ khỏe mạnh ở tuổi già thuộc Đại học New South Wales (Australia), tác giả chính của nghiên cứu, mối liên hệ giữa cao huyết áp và Alzheimer không bị ảnh hưởng bởi tuổi tác ngày càng cao. Điều này cho thấy ngay cả những người trong độ tuổi 70 và 80 cũng có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer thấp hơn đáng kể nếu huyết áp được kiểm soát.
Tiến sĩ Lennon cho biết kết quả phân tích cũng cho thấy những người không dùng thuốc điều trị huyết áp cao có nguy cơ mắc các chứng sa sút trí tuệ khác ngoài Alzheimer cao hơn 69% so với những người không bị cao huyết áp. Ở những người bị huyết áp cao được điều trị nhưng kém hiệu quả, nguy cơ trên cao hơn 33% so với những người có huyết áp ổn định.
Tuy nhiên, nếu huyết áp được kiểm soát bằng thuốc, nguy cơ mắc các chứng sa sút trí tuệ khác ngoài Alzheimer, chẳng hạn như teo thùy trán và sa sút trí tuệ thể lewy, sẽ giảm đi đáng kể.
Mặc dù vậy, nhiều người được chẩn đoán cao huyết áp không tuân thủ việc dùng thuốc theo quy định hoặc gặp tình trạng kháng thuốc điều trị. Trên thực tế, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chỉ có khoảng 20% số người trưởng thành trên thế giới có thể kiểm soát được tình trạng bệnh của mình. WHO cũng ước tính 46% trong số 1,28 tỷ người trưởng thành trên toàn thế giới bị huyết áp cao nhưng không hề hay biết.
Dù không tham gia nghiên cứu, Tiến sĩ Andrew Freeman, Giám đốc phòng ngừa và chăm sóc sức khỏe tim mạch tại National Jewish Health ở Denver (Mỹ) đặc biệt bày tỏ quan ngại về thực tế này. Theo ông, nghiên cứu này là một lời cảnh tỉnh đối với những người coi bệnh huyết áp chỉ ảnh hưởng đến tim mạch.
Nguồn tin: https://baotintuc.vn/suc-khoe/huyet-ap-cao-ke-thu-tham-lang-de-doa-nao-bo-20240815181610537.htm