Người dân mở tài khoản giao thông để thanh toán điện tử các loại phí, giá dịch vụ như phí đường bộ, trông giữ xe, đăng kiểm…, theo Nghị định 119/2024.
Ngày 30/9, Chính phủ ban hành Nghị định 119 hướng dẫn điều 43 Luật Đường bộ về thanh toán điện tử giao thông, trong đó quy định thanh toán các loại phí, giá, tiền dịch vụ của chủ phương tiện thông qua tài khoản giao thông.
Theo đó, phương tiện phải được gắn thẻ đầu cuối để mở tài khoản. Thẻ này là thiết bị điện tử gắn trên phương tiện để giao tiếp thông tin với hệ thống thu phí điện tử không dừng và lưu trữ thông tin liên quan đến kiểm định an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Việc gắn và kích hoạt thẻ do nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ thực hiện. Chủ xe phải trả chi phí gắn thẻ cho nhà cung cấp.
Mỗi tài khoản có thể chi trả cho nhiều xe, song mỗi xe chỉ được nhận chi trả từ một tài khoản và được kết nối với một phương tiện thanh toán. Chủ xe phải đảm bảo đủ tiền trong phương tiện thanh toán; được thanh toán cho nhiều lĩnh vực và được kết nối với phương thức thanh toán theo nhu cầu, không phải chi trả qua ví điện tử của nhà cung cấp dịch vụ thu phí như hiện nay.
Văn bản này nhằm tạo hành lang pháp lý để phát triển thanh toán điện tử trong giao thông như trông giữ xe, thu phí sân bay, cảng biển, đăng kiểm… Các quyết định hiện hành mới cho phép thu phí đường bộ điện tử trên quốc lộ, cao tốc.
Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/10/2024. Theo ông Tô Nam Toàn, Trưởng phòng Khoa học Công nghệ Môi trường và Hợp tác quốc tế (Cục Đường bộ Việt Nam), chủ phương tiện có một năm (đến ngày 1/1/2025) để chuyển đổi tài khoản thu phí sang tài khoản giao thông kết nối phương tiện thanh toán. Bộ Giao thông Vận tải sẽ xây dựng hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu thanh toán điện tử giao thông đường bộ để chia sẻ cho nhà cung cấp dịch vụ.
Trong giai đoạn chuyển tiếp từ ngày 1/10/2024 đến 1/7/2026, Bộ Giao thông Vận tải duy trì hình thức thu phí dịch vụ đường bộ theo hình thức điện tử không dừng. Các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán kết nối hệ thống điều hành và trung tâm dữ liệu để chia sẻ thông qua tài khoản giao thông. Từ 1/7/2026, Bộ vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu thanh toán điện tử giao thông đường bộ.
Để tài khoản giao thông có thể kết nối trực tiếp tài khoản ngân hàng, ông Nguyễn Hoàng Long, Phó tổng giám đốc Napas, cho biết hiện hạ tầng thanh toán bán lẻ của ngân hàng có độ phủ sóng cao với số thẻ ngân hàng cả quốc tế, nội địa đã gấp 1,5 lần so với tổng dân số Việt Nam. Còn theo Ngân hàng Nhà nước, hơn 87% công dân Việt Nam ở độ tuổi trưởng thành có tài khoản ngân hàng.
Các ngân hàng sẵn sàng hạ tầng cũng như kinh nghiệm triển khai trong nước và thế giới. Riêng ở Việt Nam, Napas đã có kinh nghiệm triển khai kết nối liên thông với một số đơn vị dịch vụ giao thông như VETC, Vinbus… Tuy nhiên, để đưa nghị định vào cuộc sống, các cơ quan liên quan cần bàn thảo xem hệ thống tài khoản giao thông vận hành theo phương thức như thế nào, quy chuẩn ra sao.
Phó cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Mạnh Thắng khẳng định ngành đường bộ đã và đang nỗ lực đổi mới, tạo thuận lợi nhất cho người dân khi tham gia giao thông bằng thanh toán điện tử. Minh chứng rõ nét là hệ thống thu phí tự động không dừng trên các cao tốc, quốc lộ đã giúp công khai minh bạch, chủ xe thanh toán thuận lợi. Đến nay đã có hơn 5,6 triệu phương tiện áp dụng hình thức này, chiếm tới 97% lượng xe lưu thông.
Hiện nay, ngoài thanh toán điện tử với đường bộ, một số thành phố đã thí điểm thanh toán điện tử trong trông giữ xe nội đô, thu phí đỗ xe tại các sân bay lớn.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/nguoi-dan-se-thanh-toan-dien-tu-cac-loai-phi-duong-do-xe-4798681.html