Theo vợ chồng kỳ thủ Phạm Lê Thảo Nguyên – Nguyễn Ngọc Trường Sơn, vị trí 23 của Việt Nam tại Olympiad cờ vua 2024 là hợp lý và hy vọng có thể lọt vào top 10 kỳ sau.
“Tôi hài lòng với kết quả này vì đội nam có cơ hội gặp nhiều đối thủ mạnh hơn những kỳ trước”, Trường Sơn nói với VnExpress. “Nhưng tôi hơi tiếc vì đội không thể đạt kết quả tốt hơn, dù kết quả cuối cùng của đội là hợp lý so với hạt giống trước giải. Toàn đội đều buồn nhưng đã cố gắng cật lực nên không có gì thất vọng”.
Đội nam là hạt giống số 21 tại Olympiad cờ vua 2024, có thời điểm đứng nhì bảng sau vòng sáu, nhưng kết thúc ở vị trí 25. Trong bảy vòng liên tiếp từ vòng bốn đến vòng 10, đội đều gặp đối thủ trong Top 15 hạt giống, với chiến thắng trước đương kim vô địch Uzbekistan, hạt giống số 11 Ba Lan hay cầm hòa Trung Quốc.
Trường Sơn ngồi bàn hai, đạt hiệu suất thi đấu 2.711 so với Elo 2.633, với ba ván thắng, bảy hòa, không thua. Anh cũng tích lũy thêm 12,6 Elo để trở lại Top 90 thế giới. “Kết quả cá nhân của tôi tốt ngoài dự kiến vì đã không thi đấu trong gần một năm trước giải”, kỳ thủ 34 tuổi nói thêm.
Thảo Nguyên – vợ của Trường Sơn – ngồi bàn một đội nữ, đạt hiệu suất thi đấu 2.408 so với Elo 2.380, và cũng tích lũy thêm 3,9 hệ số Elo. Đội nữ đứng thứ 11 sau vòng áp chót, nhưng kết thúc giải ở vị trí 23 vì thất bại trước ứng viên vô địch Trung Quốc ở vòng cuối.
“Gặp Trung Quốc ở vòng cuối là bất lợi trong việc tích lũy điểm, vì họ mạnh”, Thảo Nguyên nói. “Chỉ cần một điểm từ một trận hòa là thứ hạng đã thay đổi rất nhiều. Nhưng ở góc độ khác, đây là cơ hội để đội tập luyện và cọ xát. Olympiad là giải hiếm hoi giúp chúng tôi gặp những đội mạnh như vậy”.
Kỳ thủ 37 tuổi còn cho rằng đội nữ đáng ra phải có kết quả tốt hơn, là 15 thay vì 14 điểm. Nếu điều đó xảy ra, đội nữ đã có thể đứng vị trí 16, với tư cách hạt giống số 20. “Thành tích cá nhân của tôi vừa phải, không tệ, nhưng sẽ tốt hơn nếu tôi không mắc sai lầm ở giai đoạn cuối”, cô nói.
Trường Sơn và Thảo Nguyên đều cho rằng đội hình Việt Nam dự Olympiad 2024 khá ổn, nhưng khó nói là tốt nhất vì ở bàn bốn và năm có những lựa chọn khác tương đương. Hai kỳ thủ phấn đấu tiếp tục dự Olympiad cho tới khi đội có những lựa chọn tốt hơn.
Trưởng bộ môn cờ thuộc Tổng cục Thể dục Thể thao, ông Nguyễn Minh Thắng, và HLV Bùi Vinh cùng cho rằng Việt Nam có thể đặt mục tiêu cạnh tranh huy chương đồng đội Olympiad 2026 và 2028. Tuy nhiên, Trường Sơn không nghĩ đội nam và nữ có đủ khả năng làm vậy.
“Ở kỳ tiếp theo tại Uzbekistan, đội hình hai đội vẫn sẽ như hiện tại, có thể gây bất ngờ trong vài trận cụ thể với đội mạnh, nhưng không đủ sức cạnh tranh huy chương”, kỳ thủ số hai Việt Nam nói. “Trong các kỳ tới, vào Top 10 đã là thành công lớn với đội. Vì kết quả đều phụ thuộc vào nỗ lực phát triển cá nhân và phong độ từng kỳ thủ, chứ không phải kết quả của quá trình đầu tư lâu dài mang lại”.
Việt Nam dự Olympiad cờ vua từ năm 1990, trong đó đội nam ba lần, đội nữ một lần vào Top 10. Thành tích tốt nhất của đội nam là vị trí thứ bảy năm 2012 và 2018, và đây cũng là thứ bậc cao nhất của đội nữ năm 2016. Còn thành tích toàn đoàn tốt nhất của Việt Nam là thứ chín, năm 2018.
Một giả thiết được quan tâm tại Olympiad vừa qua mà người hâm mộ đặt ra, đó là liệu Việt Nam có thể đăng ký từ đầu kỳ thủ có Elo thấp đánh bàn một, còn kỳ thủ Elo cao nhất thi đấu ở bàn hai hay không. Về điểm này, Thảo Nguyên cho biết một số đội đã áp dụng chiến thuật đó, và Việt Nam cũng đã tính đến khả năng này.
“Nhưng chúng tôi không sử dụng vì không thấy lợi ích rõ ràng”, cô nói thêm. “Vì không có gì bảo đảm kỳ thủ Elo thấp ngồi bàn cao sẽ lấy được điểm từ các đối thủ mạnh hơn, và cũng chưa chắc kỳ thủ Elo cao sẽ thắng toàn bộ ván đấu với các đối thủ ở bàn thấp”.
Xuân Bình
Nguồn tin: https://vnexpress.net/ky-thu-truong-son-chi-mong-viet-nam-vao-top-10-olympiad-4797463.html