Bóng rổ tác động tích cực đến quá trình phát triển thể chất, đồng thời là nơi giúp học sinh rèn luyện tính kỷ luật, đồng đội, giải tỏa căng thẳng sau giờ học.
Những năm qua, bóng rổ có thể nói là môn thể thao được yêu thích hàng đầu trong lứa tuổi học sinh THCS và THPT. Cùng với các trung tâm thể dục thể thao, học viện, bóng rổ được nhiều trường phổ học lựa chọn đưa vào chương trình học như một môn bắt buộc. Đề án phát triển bóng rổ học đường đến năm 2030 do Bộ Giáo dục và đào tạo, Tổng cục Thể dục thể thao, Ủy ban Olympic Việt Nam và nhiều đơn vị phối hợp thực hiện cũng đặt mục tiêu phổ cập bộ môn đến hơn 40.000 trường học trong cả nước. Với bóng rổ, học sinh có một môn dễ chơi và nhiều lợi ích.
Phát triển thể chất
Môn này đòi hỏi sự phối hợp của nhiều động tác như di chuyển, ngồi bóng, ném bóng, bật cao. Cường độ vận động mỗi trận đấu lớn. Ở độ tuổi dậy thì, hệ cơ, xương của học sinh trở nên cứng cáp hơn, có thể chịu được cường độ vận động khi tập luyện thi đấu. Ngược lại, việc tập bóng rổ thời gian dài sẽ tác động tích cực đến sự phát triển cơ xương.
Động tác cơ bản là bật nhảy, úp rổ giúp các cơ – xương được giãn tối đa từ đó kích thích phát triển chiều cao. Đây cũng là lý do các VĐV chơi môn này đều có chiều cao nổi bật. Chẳng hạn, theo số liệu của Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam, tại giải U20 quốc gia năm nay, 6 trên tổng số 9 đội bóng nam có chiều cao trung bình hơn 1m8. 4 đội nữ đều có chiều cao trên 1m65.
Hoạt động thể chất cường độ cao làm tăng mật độ xương, cải thiện thể lực, sức bền, sức khỏe tim mạch. Hơn nữa, việc thực hiện liên tục các động tác chân, tay cùng khả năng quan sát đồng đội, đối thủ, diễn biến trên sân giúp học sinh tăng sự linh hoạt, khả năng phối hợp nhiều giác quan.
Xây dựng sự đoàn kết
Bóng rổ là môn thể thao tập thể, giúp gắn kết các đội, nhóm, CLB. Sinh hoạt, tập luyện giúp học sinh phát triển được tinh thần đồng đội, ý thức trách nhiệm và kỷ luật.
Bên cạnh các lợi ích thể chất, hoạt động này còn tạo nhiều giá trị trong quá trình học tập. Một nghiên cứu đăng trên Journal of School Health (2013) cho thấy rằng hoạt động thể chất thường xuyên như bóng rổ, có thể cải thiện khả năng tập trung và chú ý của học sinh, giúp nắm bắt bài học và hoàn thành các bài tập tốt hơn. Còn nghiên cứu của Journal of Clinical Sleep Medicine (2015) cho thấy chơi bóng rổ giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ từ đó tăng khả năng học tập, cải thiện trí nhớ và tiếp thu kiến thức tốt hơn.
Một số nghiên cứu khác cũng chỉ ra chơi thể thao như bóng rổ giúp trẻ giảm căng thẳng, lo âu, duy trì động lực học tập, phát triển kỹ năng xã hội.
Hiện tại, bóng rổ Việt đang trên đà phát triển. Ngoài mục tiêu đưa môn thể thao đến hàng chục nghìn trường học, các đơn vị đang tích cực phát triển hệ thống giải đấu đa dạng dành cho nhiều đối tượng, nhất là lứa trẻ để tìm kiếm tài năng. Hệ thống cơ sở vật chất của môn cũng đang dần được đầu tư.
Hiện có nhiều giải đấu bóng rổ cho lứa tuổi học sinh phổ thông trên toàn quốc. Vừa qua, Báo VnExpress và công ty Cổ phần Dịch vụ Trực tuyến FPT công bố tổ chức giải bóng rổ trẻ 2024 – Cup Ziaja. Giải đấu quy tụ các đội bóng mạnh đến từ các trường THPT Hà Nội. Các trường có thể lập tối đa 2 đội bóng, đăng ký thi đấu tại website từ ngày 12/9 đến hết 20/9.
Trận mở màn vòng bảng khởi tranh vào ngày 29/9. Các trận còn lại thi đấu đến hết 3/11. Sau đó là vòng tứ kết (16/11-17/11), vòng bán kết (23/11) và chung kết (24/11). Các trận thi đấu bán kết và chung kết được phát sóng trực tiếp trên fanpage.
Hoài Phương
Nguồn tin: https://vnexpress.net/vi-sao-bong-ro-pho-bien-o-cac-truong-trung-hoc-pho-thong-4793691.html