Các quỹ đầu cơ đang lạc quan nhất trong 8 năm trở lại đây về triển vọng tăng giá của đồng yên Nhật Bản. Tuy nhiên, cùng với sự gia tăng của vị thế đặt cược tăng giá (long) vào yên, mức độ biến động tỷ giá của đồng tiền này cũng cao hơn trước – hãng tin Reuters cho hay.
Điều này đặt ra một câu hỏi rằng liệu sự phục hồi mạnh mẽ của đồng yên gần đây – phản ánh qua tốc độ đảo ngược vị thế đặt cược hết sức nhanh chóng của các nhà đầu cơ – có phải là “quá nhiều quá sớm” và tỷ giá đồng tiền này sắp bước vào một thời kỳ tích lũy (consolidation) hay không?
Từ giữa tháng 7 đến nay, đồng yên đã tăng giá 15% so với USD. Nếu tính từ đầu năm đến nay, yên đang tăng giá nhẹ so với bạc xanh.
Tỷ giá yên hiện đang ở vùng cao nhất 9 tháng, có lúc đạt 140,86 yên đổi 1 USD trong phiên giao dịch sáng nay (16/9). Mức tỷ giá này gần mức cao nhất kể từ cuối tháng 12 năm ngoái là 140,285 yên/USD thiết lập vào hôm thứ Sáu. Tuần trước, USD giảm giá 1,3% so với yên.
Theo dữ liệu từ Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai Mỹ (CFTC), các quỹ phòng hộ và các nhà đầu cơ đang nắm lượng ròng lớn nhất kể từ tháng 10/2016 của vị thế đầu cơ giá lên đồng yên. Trong tuần kết thúc vào ngày 10/9, các quỹ nắm vị thế ròng 55.770 hợp đồng đầu cơ giá lên đồng yên, tương đương lượng đặt cược gần 5 tỷ USD.
Nếu tính theo trị giá USD, đây là trị giá đầu cơ giá lên đồng yên ròng lớn nhất kể từ tháng 2/2021. Nếu xét theo số lượng ròng hợp đồng đầu cơ giá lên đồng yên mà CFTC thống kê, đây là mức đặt cược cao nhất vào sự tăng giá của đồng tiền này trong 8 năm trở lại đây.
Sự đặt cược như vậy càng đáng nói hơn khi được đặt trong một bối cảnh. Dữ liệu của CFTC cho thấy kể từ khi hợp đồng tương lai đồng yên được mở lần đầu vào năm 1986, các quỹ mới chỉ có 33 tuần có mức đặt cược ròng giá lên lớn hơn mức hiện nay. Trong đó, có 16 lần được ghi nhận trong thời gian từ tháng 2-10/2016.
Trong 10 tuần trở lại đây, dù là giảm lượng bán khống – tức giảm đặt cược vào sự mất giá của yên – hay gia tăng đặt cược vào sự tăng giá của đồng tiền này, vị thế của các quỹ ngày càng dịch chuyển theo hướng tin tưởng vào sự tăng giá của yên. Lần gần đây nhất ghi nhận chuỗi thời gian dài như vậy của xu hướng đầu cơ giá lên đồng yên là vào năm 2012.
Theo Reuters, có những yếu tố kinh tế căn bản làm nền tảng cho sự đặc cược này, trong đó đáng nói nhất là sự trái chiều triển vọng chính sách tiền tệ giữa Mỹ và Nhật Bản. Trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chuẩn bị hạ lãi suất trong tuần này, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã khởi động chu kỳ tăng lãi suất với 2 lần tăng từ tháng 3 đến nay và phát tín hiệu có thể tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian còn lại của năm nay.
Giới giao dịch dang kỳ vọng từ nay đến cuối năm 2025, Fed sẽ giảm lãi suất tổng cộng khoảng 2,5 điểm phần trăm, trong khi BOJ tăng lãi suất thêm 0,3 điểm phần trăm.
Chênh lệch lợi suất giữa lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ và Nhật Bản của các kỳ hạn 2 năm và 10 năm đang ở mức tương ứng lần lượt là 3,2 điểm phần trăm và 2,8 điểm phần trăm, đều là những mức thấp nhất trong 2 năm. Cuối năm ngoái, các con số tương ứng lần lượt là 5 điểm phần trăm và 4 điểm phần trăm.
Phần lớn sự rút ngắn chênh lệch lãi suất này sẽ sớm được phản ánh hết vào tỷ giá hối đoái giữa đồng yên và đồng USD. Có một số dự báo cho rằng đồng yên sẽ sớm tăng vượt mức 140 yên đổi 1 USD.
Tuy nhiên, các nhà giao dịch ngoại hối biết rằng sự tăng giá của yên, nhất là những đợt tăng bất ngờ và dữ dội, thường liên quan đến việc tâm lý ham thích rủi ro của nhà đầu tư suy giảm, thị trường tài chính hoặc nền kinh tế có biến động, và nhu cầu gia tăng đối với các tài sản an toàn khi xuất hiện tình trạng bấp bênh.
Ở thời điểm hiện tại, liệu có yếu tố nào trong số này đang hiện hữu? Câu trả lời có thể là có. Đồng yên đã tăng giá nhanh và mạnh trong bối cảnh các nhà giao dịch rút khỏi vị thế giao dịch chênh lệch lãi suất “carry-trade”, cũng như những bấp bênh trong triển vọng kinh tế Mỹ và chính sách tiền tệ của Fed và BOJ đang ở mức cao.
Bên cạnh đó, mức độ biến động của tỷ giá đồng yên cũng đang cao. Theo Bloomberg, mức biến động của tỷ giá giữa USD và yên trong 3 tháng qua là khoảng 12 điểm, mức cao nhất kể từ tháng 3 năm ngoái, trong khi mức biến động trong 1 tháng trở lại đây là 15 điểm, cao nhất kể từ tháng 1 năm ngoái.
Tuần này, cả Fed và BOJ đều đưa ra quyết định lãi suất và những dự báo kinh tế cập nhật. Trong bối cảnh đó, với lượng đầu cơ vào sự tăng giá của yên đang cao như hiện nay, mức độ biến động tỷ giá của đồng tiền này có thể sẽ duy trì cao hơn lâu hơn.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/gioi-dau-co-lac-quan-nhat-8-nam-ve-ty-gia-dong-yen.htm