Năm 2022 được xem như một năm hiếm thấy của Việt Nam khi hàng loạt đại gia Việt đã bị khởi tố và xét xử vì liên quan đến những sai phạm kinh tế gây rúng động trong dư luận.
Một điểm chung dễ nhận thấy là khi người bị khởi tố là lãnh đạo cấp cao có sở hữu cổ phần lớn tại doanh nghiệp thì đa phần doanh nghiệp đều báo lỗ ngay sau đó, thậm chí là lỗ rất lớn như các trường hợp của Ocean Group, Thiết bị Y tế Việt Nhật (JVC) từ cách đây cả chục năm hay những vụ việc mới đây tại FLC/Bamboo Airways, Trí Việt…
Bên cạnh việc hoạt động chính bị ít nhiều tác động, một trong những nguyên nhân chính gây ra khoản lỗ của doanh nghiệp đó là do khoản dự phòng phải thu tăng cao đột biến ghi nhận vào chi phí quản lý doanh nghiệp .
Ví dụ như Bamboo Airways, năm 2022, hãng bay này phải trích lập dự phòng phải thu khó đòi gần 12.500 tỷ đồng, được ghi nhận vào khoản mục chi phí quản lý doanh nghiệp. Ngoài ra còn có 731 tỷ đồng dự phòng đầu tư vào công ty liên kết, được ghi nhận vào chi phí tài chính. Như vậy, trong khoản lỗ 17.600 tỷ đồng, khoảng 4.800 tỷ đồng mới là thực sự lỗ từ hoạt động kinh doanh chính hàng không của công ty. Bamboo Airways không nói rõ phải dự phòng cho những khoản nào.
Hay như CTCP Thiết bị Y tế Việt Nhật (JVC), tại ngày 31/3/2016, sau khi vụ việc của ông Lê Văn Hướng xảy ra, JVC đã phải trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi gần 1.127 tỷ đồng trong khi tại ngày 1/4/2015 chỉ là 1,4 tỷ đồng. Điều này khiến JVC lỗ hơn 1.300 tỷ đồng.
Hầu hết các khoản dự phòng phải thu khó đòi của JVC là các khoản phải thu của những công ty liên quan đến các thành viên tiền nhiệm của ban giám đốc hoặc các thành viên mật thiết trong gia đình họ. Các khoản phải thu cũng chiếm tỷ trọng khá lớn trong cơ cấu tài sản của JVC.
Các khoản phải thu này thường khó đòi lại được. Đến ngày 31/12/2022, JVC vẫn đang trích lập dự phòng phải thu khó đòi 1.213 tỷ đồng.
Như trường hợp của OGC, năm 2014, sau khi ông Hà Văn Thắm bị bắt, công ty đã phải trích lập dự phòng phải thu khó đòi gần 1.700 tỷ đồng sang năm 2015, số tiền phải trích lập dự phòng phải thu khó đòi lên hơn 2.900 tỷ đồng.
Đến năm 2022, sau khi nhóm cổ đông mới lên nắm quyền đã thông qua điều chỉnh đưa nợ phải thu khó đòi ra theo dõi ngoại bảng trên báo cáo tài chính kết thúc ngày 31/12/2021 đối với các khoản nợ phải thu khó đòi đã được trích lập dự phòng 100% với tổng số tiền là 2.553 tỷ đồng.
HĐQT OGC cho biết các khoản phải thu khó đòi đã được trải qua quá trình thu hồi kéo dài nhiều năm, khó có khả năng thu hồi và cũng không có đối tác quan tâm mua nơ. Về trích lập dự phòng rủi ro, các khoản nợ phải thu khó đòi của công ty đều đã được trích lập dự phòng 100% từ khi phát sinh năm 2014 đến nay.