Bệnh nhân H.T.K (45 tuổi, tỉnh Bến Tre) hiện đang điều trị tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM. Cách đây 6 tháng, anh K. bắt đầu có biểu hiện khó nuốt và luôn cảm thấy thức ăn bị vướng ở thực quản, đặc biệt là khi ăn các loại thức ăn dạng đặc như thịt và cá. Tuy nhiên, anh không quá quan tâm vì nghĩ rằng đây chỉ là hiện tượng bình thường và sẽ tự khỏi.
Sau một thời gian ngắn, cảm giác nghẹn của anh ngày càng tăng. Ngay cả những loại thức ăn lỏng cũng khiến anh khó nuốt và cảm nhận rõ rệt hơn. Lúc này, anh K. mới đến bệnh viện để khám.
Sau khi thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán lâm sàng, anh K. được bác sĩ chẩn đoán bị ung thư thực quản giai đoạn 3 và cần can thiệp điều trị tích cực, bao gồm xạ trị.
“Thời gian đầu xạ trị, tôi cảm thấy cổ họng khó nuốt hơn, nhưng bác sĩ đã tư vấn rằng đó là tác dụng phụ của phương pháp điều trị. Tôi gặp khó khăn khi ăn uống, nhưng nhờ được can thiệp dinh dưỡng, tình trạng đã cải thiện,” anh K. chia sẻ.
Theo BS.CKII Trần Thị Anh Tường – Trưởng Khoa Dinh Dưỡng, Bệnh viện Ung bướu TPHCM, khi một bệnh nhân gặp vấn đề về nuốt, cần tìm nguyên nhân gốc rễ để có thể can thiệp đúng cách.
Nếu nguyên nhân do khối ung thư gây ra, bệnh nhân chắc chắn cần phải điều trị ung thư. Ví dụ, đối với bệnh nhân ung thư lưỡi gặp khó khăn khi nhai, cần cắt bỏ phần lưỡi bị ung thư để giải quyết vấn đề nuốt từ gốc.
Hoặc, với những bệnh nhân ung thư thực quản, cần tiến hành hóa trị và xạ trị khối ung thư để cải thiện tình trạng nuốt.
Như vậy, để xử lý rối loạn nuốt, cần giải quyết căn nguyên của vấn đề.
Trong trường hợp không thể giải quyết được căn nguyên, như bệnh nhân bị suy dinh dưỡng, bệnh nhân sẽ được can thiệp dinh dưỡng để tăng cường sức cơ.
Nếu ung thư đã vượt quá khả năng điều trị, bác sĩ sẽ tìm giải pháp giúp bệnh nhân thích nghi, nhằm đảm bảo bệnh nhân có thể tiếp tục ăn uống.
Nhiều bệnh nhân quan tâm đến việc chọn loại thực phẩm phù hợp khi gặp rối loạn nuốt. Theo nguyên tắc dinh dưỡng, người bệnh nên ăn các loại thức ăn sệt, giúp kiểm soát tốc độ nuốt và giảm nguy cơ sặc. Nếu nuốt nghẹn, thức ăn sệt cũng dễ nuốt hơn thức ăn đặc.
Trong chuyên ngành dinh dưỡng, thức ăn và đồ uống được phân chia thành 7 mức độ khác nhau về độ sệt. Vì vậy, những bệnh nhân có rối loạn về nuốt cần đến khoa dinh dưỡng để bác sĩ tiến hành bài kiểm tra đánh giá mức độ nuốt, từ đó tư vấn loại thức ăn phù hợp.
Một số loại thực phẩm không nên ăn, như các món ăn khô, cứng (đậu phộng, hạt điều, kẹo đậu phộng, bánh, món cay…), vì chúng dễ gây sặc và làm tình trạng nuốt trở nên trầm trọng hơn.
Một điều quan trọng nữa khi điều trị rối loạn nuốt là tăng cường sức cơ và lực nuốt cho bệnh nhân thông qua các bài tập vật lý trị liệu, giúp cải thiện chức năng nuốt.
Các bài tập này rất đơn giản, nhưng đòi hỏi sự kiên trì thực hiện hàng ngày.
Trong trường hợp tất cả các biện pháp can thiệp đã áp dụng mà vẫn không cải thiện được chức năng nuốt, bệnh nhân có thể cần đặt ống nuôi ăn để đảm bảo cơ thể được phục hồi đầy đủ. Dù đặt ống, bệnh nhân vẫn có thể ăn qua miệng.
Nguồn tin: https://laodong.vn/y-te/dinh-duong-cho-benh-nhan-ung-thu-mac-roi-loan-nuot-1391706.ldo