Siêu bão Yagi, với sức mạnh cực đại, sẽ đổ bộ vào vịnh Bắc Bộ vào sáng 7/9, buộc gần 13.000 hộ dân tại Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình phải sơ tán khẩn cấp. Gần 6,5 triệu học sinh tại 14 tỉnh, thành được cho nghỉ học để tránh bão. Các sân bay đóng cửa, giao thông gián đoạn. Nguy cơ lũ lụt, sạt lở và lũ quét đe dọa nhiều khu vực.
Theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, Yagi là siêu bão có “cường độ mạnh nhất trong khoảng 30 năm qua tại Việt Nam”, với sức gió cấp 16, giật trên cấp 17 – mức cao nhất, có khả năng đánh đắm tàu thuyền trọng tải lớn.
Quá trình tăng cấp nhanh bất thường của bão Yagi qua bản đồ vệ tinh
Điểm bất thường đầu tiên của Yagi là hình thành ngay trên Biển Đông, thay vì từ Tây Bắc Thái Bình Dương và giảm cấp khi vào Biển Đông như các siêu bão thông thường. Thứ hai, đây là siêu bão mạnh lên nhanh nhất trong lịch sử với tốc độ trung bình cứ ba giờ tăng một cấp, đạt cấp 16 chỉ trong vòng hai ngày.
Theo thống kê của Viện Khoa học Khí tượng Thuỷ văn và Biến đổi khí hậu, trung bình mỗi năm Việt Nam chịu ảnh hưởng của trên 7 cơn bão và áp thấp nhiệt đới. Vùng từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa, bao gồm cả đồng bằng Bắc Bộ, có cường độ gió bão lớn nhất cả nước, trung bình đạt cấp 14, giật cấp 15-16, thường xảy ra trong khoảng tháng 7 đến tháng 9. Thống kê giai đoạn 1961-2014 có 116 cơn bão đổ bộ và ảnh hưởng đến vùng này với cường độ gió mạnh ở ngưỡng cao phổ biến là cấp 14.
Với siêu bão Yagi, lần đầu tiên, Vịnh Bắc Bộ phải ban hành rủi ro thiên tai cấp độ 4, và là lần thứ ba Việt Nam ghi nhận mức rủi ro này trong lịch sử.
Bão Yagi hình thành từ một áp thấp nhiệt đới ở ngoài khơi Philippines hôm 1/9. Trước khi vào Biển Đông sáng 3/9, cơn bão gây mưa lớn, cướp đi ít nhất 16 mạng người do lũ lụt và sạt lở, gây thiệt hại 4 triệu USD.
Khi đổ bộ lên đảo Hải Nam (Trung Quốc) chiều qua, siêu bão thậm chí thổi bay người đi đường với sức gió lên tới 234 km/h. Từ năm 1949 đến 2023, hòn đảo này có 106 cơn bão đổ bộ, nhưng chỉ 9 cơn được phân loại là siêu bão, trong đó có Yagi.
Đường đi của bão Yagi trên Biển Đông và ảnh hưởng đến các tỉnh Bắc Bộ theo quy mô dân số
Sau khi vượt qua đảo Hải Nam (Trung Quốc), bão sẽ đi vào vịnh Bắc Bộ, Việt Nam. Khoảng trưa 7/9, tâm bão đổ bộ Quảng Ninh – Nam Định, cường độ cấp 11-12, giật cấp 15. Bão sau đó giữ hướng tây tây bắc, tốc độ 15-20 km/h.
Theo Đài khí tượng Nhật Bản, khi vào vịnh Bắc Bộ, bão sẽ duy trì sức gió ở mức 168 km/h, trong khi Đài Hải quân Mỹ dự báo cơn bão sẽ duy trì ở mức 185 km/h khi đến giữa vịnh.
Dự báo, tâm bão lần lượt đi qua các tỉnh thành: Quảng Ninh – Hải Phòng – Hải Dương – Bắc Ninh – Bắc Giang – Vĩnh Phúc – Phú Thọ – Thái Nguyên – Tuyên Quang.
Ảnh hưởng của siêu bão gây mưa lớn trên diện rộng, với cảnh báo lũ lụt cấp độ 1 do mưa, lốc, sét và sạt lở – mức thấp nhất trong 4 cấp độ, theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thuỷ văn quốc gia. Riêng tại Hà Nội và Thanh Hóa, dù bão chưa đổ bộ, mưa giông đã làm hàng trăm cây xanh gãy đổ, khiến một phụ nữ tử vong.
Theo Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, quân đội đã huy động 457.460 người sẵn sàng ứng phó bão Yagi. Hơn 10.100 phương tiện, gồm 400 xe đặc chủng, 4.770 ô tô, 4.940 tàu thuyền và 6 máy bay cũng sẵn sàng ứng phó bão. Tính đến đêm 6/9, bão Yagi giảm xuống cấp 14, không còn là siêu bão. Tuy nhiên, sức tàn phá vẫn ở mức cao nhất.
Theo bản đồ dự báo bão của Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn quốc gia, tối 8/9, sau khi đi sâu vào đất liền Việt Nam, bão sẽ dần suy yếu trên biên giới Việt – Lào.
Nội dung, Dữ liệu: Quang Tuệ – Phùng Nguyên
Đồ hoạ: Khánh Hoàng – Đăng Hiếu
Nguồn tin: https://vnexpress.net/yagi-con-bao-tang-cap-bat-thuong-4789948.html