Cuốn sách “Tổng biên tập – Chuyện người trong cuộc” vừa ra mắt bạn đọc nhân Ngày báo chí cách mạng VN 21-6.
Hai quyển sách được xem là cẩm nang của nghề báo đương đại cũng vừa được NXB Trẻ ấn hành: Tin tức kiến tạo và Cẩm nang báo chí trực tuyến – Kỹ năng sinh tồn và lớn mạnh trong kỷ nguyên số.
Chuyện của tổng biên tập (TBT) không phải là những chuyện ly kỳ khi tác nghiệp một bài báo, mà là những chồng chất – ngổn ngang – bòng bong khi điều hành một tờ báo. Nội dung – TBT chịu trách nhiệm. Chiến lược phát triển – TBT phải tính toán. Tài chính – TBT phải lo toan… Gần nửa nội dung trong những bài báo tự bộc bạch của các TBT là những ngỡ ngàng, trăn trở, sốt ruột của họ khi cứ ngỡ làm TBT là “nhà báo của các nhà báo” nhưng rồi lại phải mang trên vai gánh nặng cơm áo gạo tiền của cả đội ngũ.
Tâm sự của các TBT từ nhiều năm về trước chắc hẳn sẽ đi thẳng vào lòng các TBT của ngày hôm nay khi đang phải đứng trước những thử thách cam go nhất từ trước đến nay của nghề báo đang đến từ mọi phía: công nghệ, mạng xã hội, kinh tế…
Thế nhưng cũng chính những câu chuyện tưởng như đã xa xưa sẽ lại là động lực. TBT báo Khăn Quàng Đỏ ngày ấy đã giải quyết vấn nạn không có giấy in bằng một sáng kiến giản dị: kêu gọi các độc giả nhí góp giấy vụn để sản xuất bột giấy đổi cho nhà in. TBT báo Pháp Luật đã ngay lập tức xuống tận địa phương xin lỗi vì một câu viết hớ hênh, kém khéo léo của phóng viên. TBT VnExpress đã xây dựng tờ báo điện tử số 1 từ con số 0 tròn trĩnh. TBT Thời báo Kinh Tế giữ nhiệm vụ đến tận tuổi 93. TBT Tuổi Trẻ đối mặt với áp lực khởi tố nhưng bài viết bảo vệ quyền lợi người dân vẫn nóng rẫy trên mặt báo…
Câu chuyện của 40 TBT quy nạp về một điểm chung: không có công chúng, báo chí là vô nghĩa. Để giành được công chúng ấy, các TBT gọi chức vụ – công việc của mình là: đầu đội trời – chân đạp đất, ngồi trên chảo lửa, đi xiếc trên dây, đánh võng đánh vẽ. Họ kể về những đêm không ngủ, những buổi rón rén về nhà khi không ai còn thức, những phong bì lận trong tập hồ sơ, những chỉ đạo từ trên xuống, những đấu tranh từ dưới lên, những tai tiếng bỗng từ bốn phía đổ đến, những khiếu nại, những tường lửa luật pháp…
Và chắc chắn còn rất nhiều những chuyện mà người trong cuộc vẫn chưa kể, còn rất nhiều những TBT chưa lên tiếng. Tổng biên tập – Chuyện người trong cuộc như một khởi đầu tốt tạo nên cảm hứng thúc đẩy các nhà báo mở ra cánh cửa tòa soạn của mình với công chúng. Biết đâu những câu chuyện ấy lại chẳng nối cho bền chặt thêm mối dây giữa tờ báo và bạn đọc vốn đang trở nên lỏng lẻo giữa ma trận thông tin của thời đại…
Bí kíp làm báo trong kỷ nguyên số mới
Cuốn sách Tin tức kiến tạo (Constructive News – của Ulrik Haagerup) chia sẻ các cách làm truyền thông trong thời hiện tại, phân tích những ưu, khuyết của môi trường báo chí hiện nay.
Trong xã hội hiện đại, tin tức được quan tâm dường như đang tập trung nhiều vào những câu chuyện tiêu cực, những xung đột kịch tính, ai là nạn nhân, ai là kẻ ác… Truyền thông dễ dàng tràn ngập “tin xấu” (negative) và sự lên ngôi của chủ nghĩa dân túy (populism) dần dà tạo nên mối hoài nghi ngày càng lớn trong dư luận.
Không chỉ lý giải những hậu quả của tiêu cực trên đối với công chúng, với ngay cả báo chí truyền thông và nền dân chủ, tác giả đề xuất giải pháp cải thiện tình hình theo hướng tích cực bằng cách thiết lập lại một nền truyền thông trung thực, đa chiều. Các khái niệm mới “tin tức xây dựng”, hay “tin tức kiến tạo” (constructive news) được giới thiệu như một phần nền tảng của môi trường truyền thông mới đang biến chuyển theo tốc độ chóng mặt nhờ vào sự hỗ trợ của công nghệ.
Bên cạnh đó, cuốn sách cũng trình bày nhiều dẫn chứng thực tế sinh động từ chính những kinh nghiệm của tác giả trong thời gian làm giám đốc điều hành tin tức tại Tập đoàn Phát thanh – truyền hình quốc gia Đan Mạch. Ulrik Haagerup cũng là nhà sáng lập và CEO của Viện Nghiên cứu tin tức xây dựng (Constructive Institute) có mục tiêu cải thiện văn hóa tin tức toàn cầu.
Trong khi đó, Cẩm nang báo chí trực tuyến – Kỹ năng sinh tồn và lớn mạnh trong kỷ nguyên số (The Online Journalism Handbook: Skills to Survive and Thrive in the Digital Age) của tác giả Paul Bradshaw là một hướng dẫn quan trọng cho nền báo chí kỹ thuật số đương đại trong một thế giới biến đổi không ngừng.
Paul Bradshaw là giáo sư đào tạo thạc sĩ về báo chí dữ liệu, báo chí di động và đa nền tảng tại Đại học thành phố Birmingham (Anh).
Hai tác phẩm đều là tài liệu quý dành cho những người làm trong ngành nghề báo chí, truyền thông cũng như rất phù hợp với sinh viên đang theo học các ngành báo chí, truyền thông.
Theo LAM ĐIỀN/Tuổi Trẻ