Cá hang động sống trong hang Sơn Đoòng bị mù nhưng sống sót nhờ dưỡng chất từ khu rừng, trong series tài liệu “Planet Earth III”.
* Bài viết tiết lộ nội dung phim
Dự án gồm tám tập, do nhà tự nhiên học người Anh David Attenborough, 98 tuổi, tường thuật. Ở mùa giải Emmy năm nay – sẽ trao giải ngày 15/9, Planet Earth nhận năm đề cử trong đó có hạng mục Quay phim xuất sắc cho chương trình phi hư cấu và Người kể chuyện xuất sắc (cho David Attenborough). Nội dung khám phá cảnh quan và tập tính sinh hoạt của các loài động vật ở nhiều môi trường, như vùng núi, đại dương, đồng cỏ, hang động và sa mạc.
Tác phẩm đầu tư kỹ thuật để mang đến nhiều hình ảnh sống động về thiên nhiên. Mở đầu là hình ảnh David Attenborough tại khu bảo tồn thiên nhiên Downe Bank (Anh). Tại đây, nhà sinh học Charles Darwin từng đi bộ và suy nghĩ ý tưởng mang tính đột phá về quá trình tiến hóa. Sau đó, êkíp dẫn dắt người xem đến với nơi sinh sống của nhiều loài vật, theo dõi quá trình chúng thích nghi với điều kiện sống.
Những thước phim được quay bằng định dạng 4K, ghi lại nhiều khung cảnh với đa dạng góc máy, toàn cảnh (establishing shot), cận cảnh (close up), đặc tả (extreme close up), với kỹ thuật tua nhanh thời gian (time-lapse) lẫn chuyển động chậm (slow motion). Đội ngũ sản xuất sử dụng công nghệ tiên tiến, một số trong đó được phát triển cho quá trình thực hiện tác phẩm.
Trong tập một, họ gắn camera trên thân con cá voi đầu bò phương nam ngoài khơi Argentina để theo dõi hành động của nó. Êkíp kết hợp với góc quay trên cao cùng lời tường thuật, cho thấy số lượng ít ỏi của loài sinh vật này.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu còn ghi lại sự tương tác giữa cá mập trắng và hải cẩu ở bờ biển Nam Phi, hành vi săn mồi ở vùng nước nông của rắn garter, hay cách kiếm ăn bằng hành động phun nước vào con mồi của cá bắn cung.
Không chỉ giới thiệu các sinh vật dưới nước lẫn trên cạn, tác phẩm đề cập đến tác động của biến đổi khí hậu và ảnh hưởng do con người gây ra. Ở tập hai, đoàn phim cho thấy hàng trăm con sư tử biển ngoài khơi Chile thay đổi hành vi do quá trình khai thác hải sản. Thay vì tự kiếm ăn, chúng đợi ngư dân đến bắt cá, sau đó bơi vào lưới. Hành động này đi kèm rủi ro lớn khi nhiều con sư tử biển không thể thoát ra kịp trong lúc lưới được thu lại.
Việc ghi hình mỗi tập đều có thách thức riêng. Để quay đàn sư tử biển săn cá cơm, êkíp phải chuẩn bị các máy móc, đồ lặn cần thiết. Bên cạnh đó, họ phối hợp chặt chẽ với ngư dân để tránh nguy hiểm xảy ra lúc lặn xuống lưới bắt cá.
Ở tập sáu, đoàn phim đến Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng để giới thiệu Sơn Đoòng – hang động lớn nhất thế giới. Trên đường đi, họ bắt gặp các loài cá và tôm trong suốt, chúng định hướng bằng cách chạm vào các vật thể xung quanh. Một vài nơi trong hang chỉ được chiếu sáng bằng ánh sáng mặt trời trong khoảng 30 phút mỗi ngày, nếu trời không âm u. Đoàn phim tận dụng điều này để điều chỉnh ánh sáng cho các cảnh quay.
Theo nhà quay phim Luke Nelson, anh và đội ngũ trang bị máy quay, ống kính và hệ thống đèn chiếu sáng chuyên dụng để đảm bảo từng chi tiết được ghi lại một cách sống động và chân thực, tránh tình trạng hình ảnh tối đen khi lên màn ảnh.
Cả nhóm mất hai ngày đi bộ, xuyên qua hang Én để đến được Sơn Đoòng. Đồng thời, đoàn thuê 10-15 người khuân vác mang pin, máy phát điện, drone (thiết bị bay không người lái) và ống kính. Để tạo ánh sáng, Nelson sử dụng đèn đội đầu, đèn điện thoại di động và tấm đèn LED tự chế.
Theo ông David Attenborough, vạn vật tự nhiên thay đổi nhiều hơn bao giờ hết trong vài thập niên qua, phản ánh những thách thức mới mà các giống loài phải đối mặt trong thế giới hiện đại. Qua đó, các nhà làm phim gửi thông điệp về tầm quan trọng của việc giữ gìn và bảo vệ mọi sự sống trên Trái Đất.
Dự án lồng ghép một số video của David Attenborough thời trẻ, khi ông đến đảo Raine (Australia) để quan sát nơi sinh sản lớn nhất của rùa xanh, vào năm 1957. Sau hơn nửa thế kỷ, nhà tự nhiên học suy ngẫm về những thay đổi kể từ chuyến thăm của ông.
Trong phim, Attenborough tiết lộ 99% rùa ở đảo Raine đều là rùa cái, do nhiệt độ tại đây hiện ở mức cao kỷ lục. Hòn đảo cũng đang thay đổi hình dạng do thủy triều và mực nước biển dâng cao, được dự đoán chìm hoàn toàn trong 30 năm tới.
Bên cạnh hình ảnh, âm thanh đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên sự chân thực cho phim. Tiếng chim hót, sóng vỗ, gió rít, lẫn tiếng hải cẩu con gọi mẹ đều được thu âm và xử lý, giúp người xem dễ theo dõi.
Đoàn phim đến 43 quốc gia và vùng lãnh thổ ở sáu châu lục, trong quá trình sản xuất kéo dài 5 năm. Lúc đại dịch, do hạn chế việc đi lại, đoàn phim ở Anh nhờ tới các nhóm nghệ sĩ khắp thế giới thu thập tư liệu cho các cảnh quay. Trên BBC, nhà sản xuất kiêm đạo diễn tập một – Nick Easton – cho biết đoàn phim phải tìm hiểu nhiều kiến thức về đặc điểm và lối sống của từng loài sinh vật để ghi lại trọn vẹn câu chuyện.
Theo Attenborough, trong các series tài liệu về tự nhiên, các nhà làm phim chỉ đóng vai trò quan sát và ghi lại những gì diễn ra, không được tác động đến hành vi của các loài vật. Tuy nhiên, khi ghi hình, êkíp nhiều lần can thiệp và giải cứu rùa biển, hải cẩu bị mắc vào lưới đánh cá hoặc ngư cụ. “Việc này nêu bật thực tế mới về việc quay phim động vật hoang dã trong thế giới đang thay đổi”, ông đúc kết.
Phần ba nhận nhiều lời khen từ giới phê bình. Trên Guardian, nhà phê bình Rebecca Nicholson chấm tác phẩm 5/5 sao, nhận xét: “Bạn có thể xem vì những cảnh quay kinh ngạc, có thể khiến bạn bất ngờ”. Financial Times viết: “Planet Earth nhắc nhở mọi người về vẻ đẹp choáng ngợp của hành tinh này”.
Quế Chi
Nguồn tin: https://vnexpress.net/giai-tri/phim/thu-vien-phim/planet-earth-iii-726?fbclid=iwy2xjawfbax1lehrua2flbqixmaabhqwwgpshhbzh7v7bjtv09g37f5ows5__mmb04eklp8fh-ktxjxheg_em7q_aem_olfzrcg3wz3i7hwytmtpmg