Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã đề nghị truy tố các bị can thuộc nhóm Công ty TNHH Thành An Hà Nội về tội Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, gồm Nguyễn Đăng Thuyết (SN 1970, Tổng giám đốc), Nguyễn Nhật Linh (SN 1986, phó Tổng giám đốc, vợ Thuyết), Đỗ Thị Hoa (SN 1974, kế toán trưởng), Nguyễn Thị Hòa (SN 1978, giám sát kế toán thuế, đang bỏ trốn).
Cùng bị đề nghị truy tố tội danh trên còn có bị can Nguyễn Quý Khái (SN 1983, giám đốc Công ty TNHH thiết bị y tế Danh), Bùi Thị Mai Hương (SN 1982, kế toán trưởng Công ty TNHH thiết bị y tế Danh).
Ngoài ra, 32 bị can bị đề nghị truy tố tội In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước.
Theo kết luận, ông Nguyễn Đăng Thuyết thành lập Công ty Thành An, Công ty Danh, Công ty Tràng Thi và trực tiếp điều hành, chỉ đạo kế toán lập 2 sổ kế toán tài chính để theo dõi số liệu thực tế và số liệu đã ghi tăng chi phí đầu vào để kê khai, báo cáo thuế. Mục đích nhằm che giấu lợi nhuận, giảm tiền thuế phải nộp để hưởng lợi bất chính.
Trích xuất từ hệ thống phần mềm nội bộ tại 3 công ty Thành An, Danh, Tràng Thi cho thấy, tổng tài sản và tổng nguồn vốn là hơn 12.828 tỷ đồng; tổng lợi nhuận trước thuế là hơn 2.655 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế là hơn 2.563 tỷ đồng.
So với số liệu của Cục thuế TP Hà Nội, 2 hệ thống sổ sách kế toán có sự chênh lệch rất lớn.
Từ năm 2017-2022, các bị can mua 19.167 hóa đơn khống (mặt hàng là danh mục vật tư y tế) của 110 công ty/hộ kinh doanh với tổng giá trị tiền hàng trước thuế là hơn 3.689 tỷ đồng, thuế VAT là hơn 75 tỷ đồng; tổng số tiền hàng sau thuế là hơn 3.765 tỷ đồng, tổng chi phí mua hóa đơn là hơn 257 tỷ đồng.
Các bị can sử dụng hóa đơn khống để hạch toán kế toán, kê khai khấu trừ thuế giá trị gia tăng khiến nhà nước thiệt hại hơn 743 tỷ đồng tiền thuế.
Cơ quan điều tra cũng xác định 32 bị can có hành vi mua bán hóa đơn khống, hưởng lợi hơn 200 tỷ đồng.
Theo cơ quan điều tra, nhiều năm qua, các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp kinh doanh trang thiết bị y tế nói riêng đã sử dụng phần mềm kế toán như FAST, MIMOSA… để cập nhập 2 hệ thống sổ tài chính theo dõi số liệu thực thu, thực chi (sổ nội bộ) và số liệu báo cáo các cơ quan chức năng thuế, kiểm toán.
Quá trình kinh doanh, doanh nghiệp thực hiện một số khoản chi không có chứng từ và không thể hạch toán được theo quy định của pháp luật kế toán. Để bù đắp các khoản chi phí đó và để hưởng lợi bất chính, doanh nghiệp có hành vi mua hóa đơn khống, tăng doanh thu đầu vào dưới hình thức nâng giá vốn hàng bán, che giấu lợi nhuận thực tế và giảm thuế phải nộp cho Nhà nước.
Trong vụ án này, có 110 công ty/hộ kinh doanh được lập ra chỉ để xuất bán hóa đơn không cho nhóm Công ty Thành An, các mặt hàng trên hóa đơn là vật tư tiêu hao y tế nhập khẩu nhưng các công ty/hộ kinh doanh không có giấy phép nhập khẩu của Bộ Y tế.
Bộ Công an cho rằng, cơ quan quản lý thiếu thanh tra, kiểm tra để các đối tượng bán hóa đơn sử dụng chứng minh nhân dân của một số người quen thiếu hiểu biết, nhặt được của người khác để tự thành lập một hoặc chuỗi công/hộ kinh doanh có cùng địa chỉ hoặc đặt trụ sở tại “văn phòng ảo”, thuê người làm đại diện pháp luật.
Có đối tượng mua lại công ty/hộ kinh doanh sắp giải thể, phá sản rồi thay đổi đại diện pháp luật chỉ để xuất bán hóa đơn khống hưởng lợi.
Mặt hàng đăng ký kinh doanh là vật tư tiêu hao y tế kỹ thuật cao nhưng không có cửa hàng, không có kho hàng, thay đổi địa điểm kinh doanh nhưng không thay đổi cơ quan quản lý thuế.
Cơ quan điều tra cũng chỉ ra có việc thiếu kiểm tra thực tế hàng hóa (hóa đơn đầu vào không có nhưng đầu ra rất nhiều). Các hộ kinh doanh cũng không phải thực hiện kê khai…
Từ đó, các chủ hộ kinh doanh lợi dụng việc không phải kê khai, không mở sổ kế toán để chứng minh đầu vào, trong khi thấy nguồn thu ổn định nên duy trì việc xuất bán hóa đơn khống một thời gian dài mà không bị phát hiện.
Từ các nguyên nhân trên, Bộ Công an kiến nghị 5 nội dung.
Thứ nhất, cơ quan quản lý thuế báo cáo cấp có thẩm quyền quy định về hạn mức doanh thu của hộ kinh doanh. Đối với các hộ kinh doanh có doanh thu “vượt ngưỡng” thì bắt bược phải đăng ký thành lập doanh nghiệp quy định tại Luật Doanh nghiệp, phải kê khai, mở sổ sách kế toán, chứng minh hàng hóa đầu vào, lưu giữ đầy đủ hồ sơ đầu vào.
Thứ hai, cơ quan quản lý Nhà nước về thuế cần ban hành quy định cụ thể về các mặt hàng đặc thù liên quan trực tiếp đến sức khỏe người bệnh (nhất là mặt hàng vật tư tiêu hao kỹ thuật cao, trang thiết bị y tế) mà các công ty được phép kinh doanh. Ví dụ đối với mặt hàng vật tư tiêu hao kỹ thuật cao ngoài Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp phép còn phải được Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu…
Thứ ba, Cơ quan quản lý thuế các cấp tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế đối với các công ty/hộ kinh doanh có doanh thu cao bất thường, tài sản không tương xứng với doanh thu; xem xét, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật với các công ty/hộ kinh doanh liên quan đến việc ký hợp đồng, xuất hóa đơn giá trị gia tăng trái phép từ năm 2017-2022.
Thứ tư, các cơ quan quản lý Nhà nước cần quy định chặt chẽ đối với việc cung cấp, sử dụng phần mềm kế toán doanh nghiệp (như mỗi doanh nghiệp chỉ được cung cấp, sử dụng 1 phần mềm kế toán).
Thứ năm, ngoài các bị can bị đề nghị truy tố, còn có một số cá nhân có hành vi, vi phạm liên quan ở các mức độ khác nhau nhưng chưa đủ xem xét trách nhiệm hình sự hoặc chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Căn cứ tính chất, mức độ, cơ quan điều tra kết luận và có văn bản kiến nghị các cơ quan chủ quản xử lý nghiêm theo quy định.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/bo-cong-an-dua-ra-kien-nghi-de-phong-tranh-mua-ban-hoa-don-khong.htm