Sáng tạo bây giờ không chỉ dành cho nghệ sĩ, mà đã trở thành một ngành công nghiệp. Làm thế nào để giữ được một tâm hồn mộng mơ, khi bị thách thức bởi những yếu tố vật chất?
Năm 1989, cô đạo diễn Julia Cameron trình làng bộ phim điện ảnh đầu tiên của mình, “Ý Chúa” tại thủ đô Washington. Bộ phim hài về một đứa trẻ mồ côi, tuy vậy, lại không nhận được những đánh giá tích cực mà cô hi vọng.
Một nhà phê bình trên tờ Washington chỉ trích, buộc tội Cameron đã chôm chỉa phần lớn những đoạn hội thoại của mình trong bộ phim lãng mạn “Casablanca.” Nhưng đối với Cameron, lời nhận xét cay nghiệt này đã trở thành một vũ khí giúp cô tôi luyện thế giới quan: rằng dân nghệ sĩ phải học được cách bảo vệ cảm xúc của mình trước những con sóng dữ tiêu cực – cả từ bên trong lẫn bên ngoài.
Hai năm sau, Cameron xuất bản cuốn sách The Artist’s Way một tác phẩm có thể được phân vào danh mục sách self-help, nhưng có phạm trù rộng hơn nhiều. Với chủ đề “12 tuần phóng thích năng lượng sáng tạo”, cuốn sách là một khóa học được thiết kế để giúp độc giả rũ bỏ những con quỷ của sự hoài nghi bản thân trên vai và theo đuổi hoạt động sáng tạo không như một công việc mà là một dạng trị liệu tâm lý.
Trọng tâm của quá trình là một nghi thức đặt tên là “bài tập chào buổi sáng,” với niềm tin rằng nếu bạn tự do viết hết 3 trang giấy mỗi buổi sáng, nó sẽ giúp bạn khai thông tất cả những tạp chất tồn đọng trong thế giới tinh thần và cảm xúc của bạn, khiến bạn có thể hạnh phúc, sáng tạo và làm việc năng suất. Đơn giản vậy thôi.
Những nghi lễ quan trọng khác bao gồm các bài tập như “Hẹn hò với nghệ sĩ” mỗi tuần – lên kế hoạch đi thăm các bảo tàng nghệ thuật hoặc những nơi truyền cảm hứng, giải tỏa gánh nặng trong cuộc sống cũng như công việc. Nghe hơi “đa cấp” phải không, và đúng thế đấy.
Tuy vậy, The Artist’s Way sau 25 tuổi đời, vẫn gần như miễn dịch với những đả kích thường thấy ở những cuốn sách self-help tương tự. Chính những kẻ hay chê các loại sách “đa cấp” cũng truyền tai nhau về cuốn sách đặc biệt này. Năm ngoái, không ít hơn 6 người bạn tôi đến từ nhiều ngành nghề khác nhau đã đề cập The Artist’s Way với tôi trong thời gian 2 tháng. Cameron sẽ gọi hiện tượng này là sự đồng điệu.
Thành công của cuốn sách nằm ở sự đơn giản trong thông điệp. Cameron có năng khiếu nhân cách hóa bản thân các cảm xúc và biết nhìn cốc nước đầy 1 nửa, thay vì vơi 1 nửa. Cô thúc giục độc giả đi tìm tên phản đồ bên trong mình, gọi tên chúng, và học cách bơ chúng giống như bơ những người hàng xóm khó chịu. (Những nhà thôi miên cũng sử dụng các kĩ thuật tương tự.)
Cameron cũng chỉ ra những cách để tách rời các cảm xúc của ta khỏi tâm trí, và điều khiển chúng sao có ích: “Lười biếng, thờ ơ, và tuyệt vọng là kẻ thù. Tức giận thì không,” cô viết. “Tức giận là người bạn. Không phải bạn tốt. Không phải bạn dịu dàng. Nhưng một người bạn rất rất trung thành. Cô ấy sẽ luôn nói cho bạn biết khi nào bạn bị phản bội.” Tôi sẽ chẳng có bất ngờ nếu những người sáng tạo bộ phim gần đây của Pixar Inside Out, trong đó những cảm xúc của cô bé được mô tả như những sinh vật, là những fan trung thành của cuốn sách The Artist’s Way.
Ngoài ra, Cameron cũng không giả vờ rằng mình có mọi câu trả lời cho bạn khi tham gia vào ngành công nghiệp sáng tạo. Cô sẽ không kể cho bạn biết làm thế nào để trúng tuyển một công ty quảng cáo hay vượt qua vòng sơ loại nghệ thuật. Cô biết rằng không ai lại đi xin lời khuyên vào Hollywood từ một người chưa bao giờ bước chân được vào chốn phù hoa đó cả. Thay vào đó, cô kích thích các độc giả của mình dịch chuyển nguồn năng lượng vào bên trong và trả lời các ham muốn của bản thân hơn là của thị trường việc làm.
Khi Cameron công bố cuốn sách “Artist’s Way”, năm 1991, có lẽ cô đã không tiên đoán được khái niệm sáng tạo sẽ mâu thuẫn với thị trường kinh doanh thế nào. “Sáng tạo” nằm ngay trên “Đổi mới” và “Đột phá” trở thành những câu slogan luôn đậu trên môi giới doanh nhân. Tổ chức tư vấn giờ được gọi là những công ty tư vấn sáng tạo; các công ty quảng cáo giờ đổi tên thành những công ty sáng tạo. Năm 2014, “Sáng tạo” lọt vào trong top 10 từ ngữ được sử dụng nhiều nhất trong hồ sơ thuộc mạng xã hội nghề nghiệp LinkedIn, và ngày nay, “sáng tạo” là tính từ được sử dụng bởi bất cứ người đi làm nào, không liên quan đến các ngành như bác sỹ, luật sư, lập trình hay lao động chân tay. Gắn từ “sáng tạo” vào bất cứ thứ gì là cách nhanh nhất để khiến nó hoành tráng, và sáng tạo dường như đã trở thành một phẩm chất không thể thiếu…
Bản thân Cameron biết nỗi vất vả khi phải tách sáng tạo theo nghĩa nghệ sĩ, khỏi nghĩa thương mại. Cô giàu có cũng nhờ khuyên răn mọi người cách sáng tạo mà không tập trung vào kiếm tiền. Từ lần đầu xuất bản, The Artist’s Way đã bán được khoảng 4 triệu bản và truyền cảm hứng cho Cameron viết tiếp nhiều cuốn sách tương tự… Những ý tưởng nền tảng vẫn được giữ nguyên trong các cuốn sách mới, nhưng Cameron cũng thêm vào một vài ý. Giống như mọi lý thuyết của cô, chúng cực kì đơn giản. Bất cứ ai than thở rằng mình đã quá già để học một điều gì mới – thổi kèn, vẽ tranh, viết kịch bản – cô nhắc họ rằng dù họ có dám thử sáng tạo hay không thì họ vẫn sẽ phải già đi thôi. (Mất gì mà không thử chứ?)
Trong cuốn sách mới Không bao giờ là quá muộn (It’s Never Too Late Again), cô nhấn mạnh vai trò của việc đi bộ lang thang mà không biết điểm đến hay có điện thoại trong tay. Cô cũng gợi ý độc giả thỉnh thoảng hãy cố nhớ một khoảng khắc nào đó trong đời mình từ thời thơ ấu đến hiện tại, như thể một dạng viết hồi kí. Không đa cấp, không làm giàu, không thành công, như thói quen 30 năm nay của mình, Cameron chỉ đơn giản khuyến khích người đọc hãy cởi mở hơn, hãy kiên nhẫn hơn và tốt bụng hơn với chính mình.
Mặc dù hàng triệu độc giả trên toàn thế giới đã có trong tay cuốn sách của cô, tôi nghĩ vẫn cần một phiên bản được viết riêng cho một tầng lớp đặc biệt. Nếu có thể, tôi mong cô hãy viết 1 cuốn The Artist’s Way chỉ cho những bạn 10X, lớn lên trên mạng và gia nhập nền kinh tế freelance, khi các em sẽ phải thử nhiều ngành nghề khác nhau, thay vì ôm lấy một công việc từ khi còn trẻ đến lúc nghỉ hưu. Trong nền kinh tế freelance (gig economy), các em sẽ cần chia thời gian của mình thành các đơn vị kiếm tiền, và tìm ra những cách sáng tạo để kiếm thu nhập từ mọi kĩ năng mà mình sở hữu.
Lối sống này xung khắc với những bài học trong cuốn sách, khiến bạn khó có thể đi theo hết khóa học 12 tuần. Sở thích của bạn bây giờ phải tạo ra được kết quả, phải kiếm được tiền, phải ghi vào CV. Nếu bạn đang học piano, bạn phải cố quay được một bài để đưa lên Youtube. Nếu bạn có mối quan tâm về một chủ đề hay ho nào đó, bạn phải cố làm được một Fanpage dành riêng cho nó, xây dựng khán giả, và sau đó cố bán quảng cáo. Nếu bạn có chất giọng tốt, bạn phải đi làm MC. Chúng ta được khuyến khích “làm việc có mục tiêu” và đăng lên Facebook mọi thành tích mình giành được, và vì vậy ta cảm thấy mình cần phải biến mọi công việc sáng tạo thành một nghề kiếm tiền.
Chính não trạng mới này khiến các bài học của Cameron trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Nhưng, không giống như các thế hệ độc giả trước đây, chúng ta không cần Cameron để bảo vệ mình khỏi những kẻ khiến ta hoài nghi bản thân. Thay vào đó, chúng ta cần những người dám cất tiếng nói chống lại chủ nghĩa “làm tiền” để ta có thể theo đuổi sở thích chỉ vì chính nó.
Trạm Đọc
Theo Newyorker