Gần đây, tôi nhận được nhiều câu hỏi, rằng trường quốc tế có thể phá sản không, và nếu phá sản thì học sinh làm thế nào để không gián đoạn việc học do chương trình khác biệt, không tương thích với chương trình quốc gia ở trường Việt Nam?
Khoảng 5 năm trước, tôi hiếm khi gặp những băn khoăn như vậy. Trường tư nói chung có vẻ là một mô hình khá ổn trước khi có những sự cố của một số trường học và trung tâm Anh ngữ – thu trước tiền của phụ huynh dưới dạng “gói đầu tư học phí” rồi phải dừng hoạt động. Trường hợp gần đây nhất là Trường Quốc tế Mỹ, vừa bị đề nghị thu hồi giấy phép thành lập.
Sự ổn thỏa của mô hình trường tư giai đoạn trước trùng hợp với giai đoạn nền kinh tế ổn định, tăng trưởng tốt. Tầng lớp trung lưu có điều kiện thuận lợi để đầu tư cho việc học của con. Nhưng sau Covid-19, khi các gia đình phải thắt chặt chi tiêu – nhiều phụ huynh buộc phải rời trường tư học phí cao để quay lại trường công với chi phí chỉ bằng một phần nhỏ – trường tư đứng trước vô vàn khó khăn.
Trường tư ở Việt Nam không hẳn giống trường tư ở nhiều nước. Ví dụ ở Mỹ, rất nhiều trường tư là trường phi lợi nhuận, được lập nên vì một sứ mệnh nào đó và nhận được bảo trợ tài chính của các tổ chức hay cá nhân hảo tâm… Còn ở Việt Nam, tuyệt đại đa số trường tư hoạt động vì lợi nhuận và vận hành như các doanh nghiệp, nguồn thu duy nhất là học phí.
Trường tư ở Việt Nam phải thực hiện nhiệm vụ “kép” có vẻ như mâu thuẫn nhau: vừa tối đa hóa lợi nhuận, vừa đảm bảo chất lượng giáo dục. Hai mục tiêu kinh tế và giáo dục này không dễ hài hòa. Đôi khi ngay trong nội bộ trường học cũng có sự chia rẽ về quan điểm phát triển, giữa một bên là đội ngũ nhà giáo chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục, một bên là đội ngũ tuyển sinh – marketing chịu trách nhiệm về sự tồn tại của trường. Nếu hai bên đều cực đoan, không thỏa hiệp, thì những mâu thuẫn nội bộ sẽ kìm hãm trường phát triển.
Trước khi có những trường tư phá sản, chưa có tiền lệ liên quan tới các gói đầu tư tài chính thông qua danh nghĩa học phí thu trước. Do vậy chưa có quy định để ngăn ngừa các quan hệ tín dụng không lành mạnh trong môi trường giáo dục, cũng như kịch bản xử lý hậu quả. Với một doanh nghiệp thông thường, chuyện lời ăn lỗ chịu, hoạt động theo cơ chế thị trường là điều đã được chấp nhận rộng rãi. Nhưng trường tư thục khác doanh nghiệp thông thường ở chỗ cung cấp dịch vụ giáo dục cho trẻ em, cũng là dịch vụ thiết yếu. Nếu trường đóng cửa, hệ lụy nghiêm trọng là sự gián đoạn học tập.
Khi một trường quốc tế phá sản, trên lý thuyết học sinh có thể quay về trường công, nhưng trường quốc tế dạy chương trình nước ngoài, khác hẳn trường công, nên các em sẽ gặp thử thách lớn về ngôn ngữ giảng dạy, sự liên tục và thống nhất của chương trình học, văn hóa trường học, mục tiêu học tập, các kỳ thi và chứng chỉ, bằng cấp kèm theo…
Cách nghĩ đơn giản rằng trường tư là doanh nghiệp kinh doanh giáo dục lúc này không còn đúng nữa.
Tuy các gói tín dụng hình thành ở trường học chưa được quản lý theo luật đối với các tổ chức tín dụng nhưng khoảng 15 năm trước, đã xuất hiện các trường quốc tế chào mời gói đầu tư học phí trước với mức giảm ưu đãi lên tới 40%.
Gói đầu tư học phí trả trước thực chất là quan hệ tín dụng được thể hiện dưới hình thức một hợp đồng dân sự: trường vay tiền của phụ huynh và trả lại bằng quyền lợi miễn giảm học phí. Rất nhiều gia đình nhìn thấy ngay cái lợi trước mắt: con được học với học phí thấp – có khi chỉ bằng một nửa so với bạn cùng lớp. Dưới góc độ kinh tế học, tính toán đó là đúng. Nhưng cũng dưới góc độ kinh tế học, các rủi ro đã bị bỏ qua. Phụ huynh chưa tính tới khả năng trường phá sản, học phí thu trước bị lạm dụng đem đi đầu tư bên ngoài. Rủi ro biến động xảy ra trong suốt 12 năm rất dài đó.
Khi trường tư thu phí trước nhiều năm, họ làm gì với số tiền đó? Có không ít trường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, đội ngũ nhân lực chất lượng… Khi trường làm đúng mục đích là chỉ đầu tư cho giáo dục và đầu tư đúng vào trường, thì giữa trường – phụ huynh là quan hệ hai bên cùng có lợi. Trường không phải vay vốn của ngân hàng. Trong khi phụ huynh có cảm giác đầu tư vào trường là đầu tư vào tương lai của con cái.
Nhưng chuyện gì xảy ra nếu trường đầu tư sai mục đích và thua lỗ? Họ lấy đâu ra tiền lời để trả cho phụ huynh với mức lên tới 40%? Nếu trường làm mất tiền qua các kênh có độ rủi ro cao như chứng khoán, bất động sản, thì phụ huynh cũng sẽ mất tiền. Khả năng này là không nhỏ vì trường học chỉ là tổ chức “nghiệp dư” về đầu tư.
Trường tư còn có một rủi ro nữa liên quan đến nhân sự. Nếu như ở trường công, người có thẩm quyền cao nhất là người có kinh nghiệm và hiểu biết trong lĩnh vực giáo dục, thì ở trường tư, bộ máy quản lý trường học tách rời với ban giám hiệu. Bộ máy kinh doanh này (hội đồng quản trị, ban giám đốc) có quyền lực cao hơn ban giám hiệu (chịu trách nhiệm chuyên môn), nhưng trong nhiều trường hợp, họ hoàn toàn là những người “nghiệp dư”, không đủ hiểu về giáo dục như một dịch vụ xã hội đặc biệt. Họ có thể chỉ quan niệm trường tư là tổ chức kinh doanh như mọi doanh nghiệp khác, học sinh là khách hàng, chương trình học là sản phẩm, thầy cô giáo là nhân viên làm thuê. Tầm nhìn, triết lý giáo dục, văn hóa trường học cũng có thể bị ảnh hưởng theo hướng tiêu cực.
Trường tư không thể và không nên là một doanh nghiệp thông thường. Cần có những điều kiện kèm theo khi kinh doanh dịch vụ này. Có những quan hệ tín dụng tại trường học cần tuân thủ khuôn khổ pháp lý chặt chẽ. Để bảo vệ lợi ích của người học, cần dự liệu về các khả năng có thể xảy ra để có cơ chế ngăn ngừa thiệt hại, đồng thời tạo điều kiện cho các trường tư tốt phát triển. Ví dụ, trường vay tiền thì phải trích lập quỹ dự phòng và công bố minh bạch tình hình tài chính cho các phụ huynh liên quan.
Trường học, bất luận công hay tư, đều phải có mục tiêu phụng sự xã hội, phục vụ và đảm bảo lợi ích cho học sinh, bên cạnh hoạt động kinh doanh, đem lại lợi nhuận cho nhà đầu tư. Cách thức để hài hòa các mục đích này là đặt ra yêu cầu và điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục, đảm bảo lợi ích của người học, và minh bạch thông tin để các thành phần khác nhau trong xã hội có thể tham gia vào quá trình giám sát những tuyên bố, cam kết và hành động thực tế của trường.
Hơn một doanh nghiệp thông thường, trường học cần sự ổn định và bền vững. Một lứa học sinh có thể chỉ cần dịch vụ trường học kéo dài 12-15 năm ở bậc giáo dục phổ thông, nhưng xã hội cần những ngôi trường có di sản tới hàng trăm năm.
Bùi Khánh Nguyên
Nguồn tin: https://vnexpress.net/truong-tu-truong-hoc-hay-doanh-nghiep-4786892.html