Cảnh tượng hành khách phấn khích khi bước lên con tàu băng qua Bắc Đại Tây Dương được tái hiện trong “Titanic in Colour”.
Hơn 100 năm từ sự cố chìm tàu RMS Titanic, có nhiều phim điện ảnh, phim tài liệu, tiểu thuyết tái hiện thảm kịch. Mỗi dự án mang góc nhìn riêng về con tàu huyền thoại và số phận hành khách trên chuyến hải trình. Hôm 4/8, Titanic in Colour do Woodcut Media sản xuất ra mắt trên kênh Channel 4 (Anh), gây chú ý với khán giả khi phục chế màu các tư liệu, đồng thời khai thác ý kiến chuyên gia và người thân các hành khách trên tàu.
Tác phẩm gồm hai tập, theo trình tự tuyến tính. Phần đầu mô tả quá trình xây dựng và chuẩn bị hạ thủy tàu, phần còn lại kể về 24 giờ cuối cùng trước khi Titanic đâm tảng băng trôi. Bằng nhiều tư liệu hình ảnh, êkíp hé lộ nội thất xa hoa của con tàu, quần áo, đồ vật thuộc về hành khách và nhân viên.
Phim đề cập đến một số khoảnh khắc hiếm hoi, điển hình là cảnh quay duy nhất còn sót lại về tàu Titanic trong giai đoạn hoàn thiện cuối cùng, ghi hình vào ngày 3/2/1912. Trước khi trở thành biểu tượng của sự tráng lệ, Titanic thời điểm đó chưa được sơn mới, trông bẩn và thiếu nhiều chi tiết. Con tàu không được chú ý bằng Olympic – tàu hàng hải đầu tiên trong số ba con tàu hạng sang của hãng White Star Line, vốn có nhiều tư liệu hình ảnh hơn.
Sau gần một thế kỷ nằm trong kho lưu trữ, một số đoạn phim bị hư hỏng nghiêm trọng. Tuy nhiên, nhờ vào công nghệ hiện đại, các chuyên gia khôi phục tư liệu, giúp khán giả quan sát hình ảnh của con tàu khi lần đầu tiên được chỉnh màu. Trong đó, Titanic di chuyển hết tốc lực, những người đàn ông trên boong tàu vẫy tay chào, đồng thời cho thấy kích thước khổng lồ của nó.
Lúc bấy giờ, tàu đón nhiều hành khách đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Pháp, Mỹ, Trung Đông và Caribbean. Điển hình, phim nhắc đến nhà báo thời trang người Mỹ Edith Rosenbaum, rời Paris để về Mỹ sau chuyến công tác. Trên tàu, bà đặt hai phòng, để ở và chứa những món đồ mua được từ Pháp. Đồ vật còn sót lại của bà là đôi giày thêu hoa, hiện được cất giữ ở một bảo tàng.
Êkíp còn mời Jean Legg, con gái của Sidney Daniels, một quản gia được thăng chức từ người rửa chén dĩa. Qua lời kể của bà, khán giả biết sau khi con tàu đâm vào tảng băng trôi, Daniels vội vã thúc giục hành khách sơ tán. Tuy nhiên, một số người tỏ ra khó chịu khi bị một người có cấp bậc thấp như ông ra lệnh.
Các nhân viên trên tàu hầu hết đến từ Southampton, nơi con tàu khởi hành. Sau sự cố, nơi này trở thành “thành phố của những góa phụ” vì các gia đình mất đi trụ cột kinh tế, khiến nhiều phụ nữ và trẻ em rơi vào cảnh khó khăn, thiếu thốn.
Chỉ có một hành khách da đen trên tàu Titanic, là Joseph Philippe Lemercier Laroche. Anh sinh ra trong một gia đình giàu có và quyền lực ở Haiti, là cháu của tổng thống Haiti Dessalines M. Cincinnatus Leconte. Anh có vợ – Juliette Lafargue – là người Pháp da trắng và hai cô con gái, Simone và Louise. Khi phát hiện Juliette có thai, Joseph quyết định đưa gia đình mình trở lại Haiti.
Ban đầu, Joseph có vé hạng nhất để lên tàu LaFrance, nhưng do chính sách về việc tách biệt trẻ em và cha mẹ, Joseph chuyển sang vé hạng hai trên tàu RMS Titanic để ở cùng các con của mình. Cả Joseph và Juliette đều không thể lường trước được sự việc sau đó.
Những hình ảnh hiếm hoi về Titanic được Francis Browne, một trong bảy hành khách xuống tàu tại Cobh (Ireland). Francis mang theo máy ảnh và ghi lại cuộc sống trên tàu: Phòng tập thể dục, ghế gỗ trên boong tàu, hành khách, khoảnh khắc cậu bé Douglas, sáu tuổi, đến từ New York đang chơi với con quay ở khoang hạng nhất.
Không chỉ nói về lai lịch người trên tàu, tác phẩm trình bày mối liên hệ của Titanic với lịch sử. Những năm 1910 là giai đoạn chuyển đổi từ thời Victoria sang thời kỳ Edwardian (dưới sự trị vì của vua Edward VII nước Anh), tàu biển đại diện cho sự lớn mạnh của các quốc gia.
Phim nhận đánh giá tích cực từ giới chuyên môn. Tờ Telegraph chấm 4/5 sao, viết: “Dự án tài liệu có cấu trúc kể chuyện tốt, thổi luồng sinh khí mới vào câu chuyện gây chấn động thế giới”. Guardian nhận xét: “Titanic in Colour là nỗ lực giúp khán giả kết nối với chuyến tàu định mệnh thông qua các cảnh quay và hình ảnh được tô màu”.
RMS Titanic là tàu biển chở khách của Anh, do công ty Harland & Wolff chế tạo cho hãng White Star Line tại Belfast. Con tàu khởi hành từ Southampton (Anh) để đến New York (Mỹ) vào ngày 10/4/1912, nhưng chìm ở Đại Tây Dương vào ngày 15/4/1912 sau khi đâm phải một tảng băng trôi. Trong số 2.201 hành khách và thủy thủ đoàn trên tàu, chỉ có 711 người sống sót, số người chết là 1.490 người theo số liệu của chính phủ Anh.
Xác tàu nằm im lìm trong hơn 70 năm trong tới khi được Hải quân Mỹ tình cờ phát hiện trong một nhiệm vụ bí mật thời Chiến tranh Lạnh vào ngày 1/9/1985. Từ sau đó, hàng chục tàu lặn không người lái và có người lái đã tới thăm tàn tích dưới nước của tàu Titanic, theo Business Insider.
Một số nhà sản xuất của Anh, Mỹ, Đức từng thực hiện tác phẩm tái hiện thảm họa chìm tàu năm 1912 nhưng không tạo tiếng vang. Sau năm 1997, Titanic của James Cameron trở thành sản phẩm nổi tiếng nhất liên quan sự kiện, với 11 giải Oscar, doanh thu 1,84 tỷ USD. Bộ phim kể chuyện tình của Jack và Rose, tình cờ gặp nhau trên con tàu định mệnh. Rose sống cuộc đời hào nhoáng nhưng buồn tẻ với người mẹ thực dụng cùng gã chồng sắp cưới giàu có, gia trưởng. Jack là họa sĩ nghèo lang bạt, ở khoang hạng ba của tàu. Tác phẩm đưa Leonardo DiCaprio (vai Jack) và Kate Winslet (vai Rose) trở thành các biểu tượng điện ảnh.
Quế Chi
Nguồn tin: https://vnexpress.net/titanic-in-colour-thuoc-phim-mau-ve-con-tau-huyen-thoai-4777844.html